Thay vì bỏ đi không thương tiếc đồ ăn thừa, đây chính là cách hạn chế tình trạng lãng phí thực phẩm thừa ở Nhật Bản
Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, ước tính khoảng 1,3 tỉ tấn lương thực (tương đương một phần ba thực phẩm phục vụ cho con người trên thế giới) bị bỏ vào thùng rác mỗi năm.
Cách tiếp cận 3Rs (Cắt giảm - Tái sử dụng - Tái chế) của chính phủ Nhật Bản
Theo các số liệu của Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp tại Nhật Bản, chỉ tính riêng trong năm 2014 khoảng 6,21 triệu tấn thực phẩm dù còn ăn được nhưng đã bị vứt bỏ một cách lãng phí, trong đó khoảng 2,82 triệu tấn đến từ các hộ gia đình.
Ông Kenta Suzuki thuộc Văn phòng Chính sách công nghiệp thực phẩm của Bộ Nông nghiệp cho hay: "Đây là sự mất cân bằng đáng cảnh báo. Trong khi nhiều người phải chật vật với cuộc sống túng thiếu, chúng ta lại không hề xót xa hay tiếc nuối khi vứt hết đồ còn ăn được. Chúng tôi buộc phải giảm thiểu tối đa điều này."
Để làm được điều đó, chính phủ Nhật đã thông qua đạo luật với mong muốn thiết lập một xã hội mới dựa trên nền tảng "tái chế" vào năm 2000. Kể từ đó, chính phủ đã chủ động thực thi các biện pháp để thúc đẩy cơ chế 3Rs: tiết giảm (reduce), tái sử dụng (reuse) và tái chế (recycle).
Cơ chế 3Rs (Reduce - Reuse - Recycle) có mối liên quan mật thiết với nhau: tiết giảm khối lượng nguyên liệu để sản phẩm nhẹ và tiết kiệm hơn, tái sử dụng bao bì, vỏ chai và tái chế nhằm giúp sản phẩm không bị lãng phí sau lần đầu sử dụng
Hơn thế, các bộ luật khác liên quan đến luật tái chế thực phẩm còn được đề ra nhằm giảm thiểu lượng thải thực phẩm và đồng thời thúc đẩy tái chế thức ăn và phân bón. Các doanh nghiệp có lượng thực phẩm bị vứt bỏ trên 100 tấn/năm đều phải báo cáo với Bộ trưởng phụ trách ngành nghề đó và sẽ bị phạt nặng nếu không có những biện pháp cần thiết để giải quyết tình trạng tồn đọng.
Đâu mới là nguồn cơn của vấn đề?
Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc lãng phí thực phẩm, nhưng các chuyên gia trong ngành thường sẽ quy vấn đề này vào một nguyên nhân cốt lõi: quy tắc ⅓. Các nhà sản xuất phải cung cấp thực phẩm cho các nhà bán lẻ trong khoảng ⅓ thời gian đầu của hạn sử dụng. Nếu hàng hoá không được gửi đến các nhà bán lẻ trong khoảng thời gian đó, thực phẩm sẽ bị loại bỏ ngay lập tức.
Có thể lấy một ví dụ điển hình về việc mua một túi khoai tây chiên có hạn sử dụng sáu tháng. Điều này có nghĩa rằng, nhà sản xuất phải gửi các túi khoai tây trong hai tháng đầu tiên. Bằng không, tất cả các túi khoai tây trên hai-tháng-tuổi sẽ bị loại bỏ để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
"Quy tắc ⅓ là một loại luật bất thành văn để đảm bảo rằng, thực phẩm cung cấp cho người dùng luôn luôn ở chất lượng tốt nhất.
Theo ông Suzuki, "quy tắc ⅓ là một loại luật bất thành văn để đảm bảo rằng, thực phẩm cung cấp cho người dùng luôn luôn ở chất lượng tốt nhất. Chưa có bất kì văn bản pháp luật nào về quy tắc này, nhưng nó đã có nguồn gốc từ rất lâu trong ngành và rất khó có thể thay đổi." Đây quả thật là một sự lãng phí đáng cảnh báo, thậm chí tiếng Nhật còn gói gọn cảm xúc hối tiếc khi vứt bỏ những loại thực phẩm này trong một từ - mottainai.
Một lí do khác xuất phát từ việc người Nhật đang quá nhạy cảm với vấn đề an toàn thực phẩm. Họ ít khi mua đồ còn thừa vì không đủ tin tưởng về chất lượng thực phẩm. Theo Rumi Ide, một chuyên gia nghiên cứu về tình trạng lãng phí thực phẩm, người tiêu dùng Nhật Bản vẫn chưa phân biệt được sự khác nhau giữa ngày hết hạn và ngày dùng-sản-phẩm-tốt-nhất. Nhiều người có xu hướng chọn các hộp hoặc túi đồ ăn được bày ở sâu trong kệ thực phẩm để có thể chọn các sản phẩm có hạn sử dụng lâu hơn. Điều này cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng lãng phí. Phải chăng, người Nhật đã quá nhạy cảm về tính an toàn thực phẩm?
Nhiều người có xu hướng chọn các hộp hoặc túi đồ ăn được bày ở sâu trong kệ thực phẩm để có thể chọn các sản phẩm có hạn sử dụng lâu hơn.
Không thể mãi khoanh tay đứng nhìn!
Doanh nghiệp Second Harvest Japan (SHJ, tạm dịch "Tái thu hoạch thực phẩm") là một trong số ít các doanh nghiệp đang nỗ lực để cải thiện tình hình hiện tại. Được thành lập vào năm 2002, "ngân hàng thực phẩm" đầu tiên này có nhiệm vụ tái phân phối hàng ngàn loại thực phẩm cho người dân trên toàn nước Nhật.
Vào một buổi chiều mùa hè nóng nực trong tháng 7 vừa qua, tại trụ sở của SHJ thuộc quận Asakusabashi, thức ăn và nước uống được sắp xếp gọn gàng và được phân ra theo từng danh mục khác nhau: hàng hoá đóng gói, trái cây tươi và rau củ; các sản phẩm lạnh như sữa chua, sữa nước, trứng và xúc xích đều có mặt tại đây. Thật không mấy ngạc nhiên khi khẩu hiệu của SHJ là "Thực phẩm cho mọi người."
Ông Charles McJilton, nhà sáng lập của doanh nghiệp đã từng phát biểu rằng: "Chúng tôi muốn cùng xã hội tạo nên một tài sản cộng đồng. Điều tôi muốn nói là, tất cả mọi người sẽ khoẻ mạnh hơn nếu họ có đủ thức ăn." Có thể nói, SHJ là người tiên phong trong lĩnh vực tái phân phối thực phẩm đến tay những người cần đến chúng nhất.
Ông McJilton, người sáng lập công ty SHJ nói: "Chúng tôi không tự xem mình là anh hùng và cũng không phải là người đi làm phúc. Chúng tôi chỉ đơn giản cảm thấy yêu thích công việc mình làm mà thôi".
Sự ra đời của công ty SHJ là dấu mốc khó quên trong cuộc đời ông Charles, bởi một lẽ, ông từng chứng kiến rất nhiều người vô gia cư không có lấy thức ăn để sống qua ngày. Kể từ đó, McJilton đã ấp ủ ước mơ thành lập một trung tâm hỗ trợ trong khu vực và quyết định sống cùng những người vô gia cư. Trong mười lăm tháng kể từ tháng Một năm 1997, ông đã làm việc không mệt mỏi và quay trở về nhà làm bằng giấy các-tông mà một người vô gia cư đã chỉ ông cách xây dựng.
Những trải nghiệm ấy đã khiến McJilton cảm thấy có trách nhiệm với những vấn đề liên quan đến tình trạng người vô gia cư. Ông cho rằng, điều quan trọng nhất nằm ở cách chúng ta đối đãi với họ. Và ông đã thực sự tạo nên một cộng đồng được gây dựng bằng lòng tin với các công ty tài trợ và những nhà phân phối thực phẩm.
Sở dĩ McJilton xem SHJ là một dấu mốc trong cuộc đời mình là vì ông đã thấu thiểu sâu sắc sự nghèo đói không phải từ góc độ lý thuyết mà từ chính thực tế. Ông nói rằng: "Chúng tôi không tự xem mình là anh hùng và cũng không phải là người đi làm phúc. Chúng tôi chỉ đơn giản cảm thấy yêu thích công việc mình làm mà thôi".
Chính phủ cũng cố gắng phổ biến khái niệm "mottainai" để đảm bảo rằng, người dân nào cũng có kiến thức cơ bản về ngày hết hạn và ngày dùng-sản-phẩm-tốt-nhất.
Về cách thức hoạt động, tổ chức phi lợi nhuận này đã tạo ra hệ thống QR của riêng mình để dễ dàng quản lí hàng tồn kho. McJilton giải thích rằng, hệ thống này không chỉ để đảm bảo rằng, thực phẩm sẽ đến tận tay người tiêu dùng mà họ có thể thu hồi toàn bộ sản phẩm nếu xảy ra sự cố.
Ông nói thêm: "Chúng tôi mong muốn đạt được những tiêu chuẩn như thế để có thể theo sát từng sản phẩm. Đó là cách tiếp cận vô cùng chuyên nghiệp và tinh tế. Chúng tôi vừa đáp ứng được lượng thực phẩm cần thiết, vừa nắm bắt được tình trạng của thực phẩm, và hơn hết các công ty sẽ cảm thấy thoải mái khi quyên góp thực phẩm cho chúng tôi."
Ban đầu, SHJ mới chỉ nhận được sự tài trợ của hai công ty. Tuy vậy, 8 tháng sau, hơn 1350 doanh nghiệp đã ngỏ ý cộng tác với ngân hàng thực phẩm. Hiện tại, khoảng 80 "ngân hàng thực phẩm" tương tự như SHJ đang hoạt động trên phạm vi toàn quốc.
Trong tương lai, Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ thông qua những đạo luật nghiêm khắc hơn nhằm giảm thiểu tình trạng lãng phí thực phẩm ở các doanh nghiệp và hộ gia đình. Ngoài ra, chính phủ cũng cố gắng phổ biến khái niệm "mottainai" để đảm bảo rằng, người dân nào cũng có kiến thức cơ bản về ngày hết hạn và ngày dùng-sản-phẩm-tốt-nhất.
Tuyên truyền và giáo dục về thói quen không lãng phí thức ăn là một điều hết sức cần thiết khi hơn 1 tỷ người trên thế giới vẫn đang sống trong tình trạng đói khát. Một hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng lãng phí thực phẩm sẽ góp phần nâng cao nhận thức không chỉ của riêng người Nhật Bản mà cả người dân trên khắp thế giới.
Gya Rados Spiderum