Thanh xuân chỉ có một lần, không gì đáng tiếc bằng việc tồn tại rồi chết đi như một kẻ vô danh trong chính cuộc đời mình
Bạn còn nhớ giấc mơ thuở bé của mình chứ?
Khi còn nhỏ chúng ta thường mơ ước trở thành rất nhiều người khác nhau. Trở thành cô giáo dạy học cho các em nhỏ, chú bộ đội bảo vệ tổ quốc, phi hành gia bay vào vũ trụ… hoặc có những mơ ước giản dị là trở thành người tốt, làm những điều ý nghĩa cho những người xung quanh. Những giấc mơ thuở nhỏ thường giản dị mà tinh khôi như thế, nó chịu ảnh hưởng của những điều mà mỗi đứa trẻ quan sát được từ cuộc sống xung quanh.
Còn hiện tại thì sao?
Khi lớn lên những suy nghĩ dần thay đổi, chúng ta thường đắn đo tự hỏi bản thân mình thực sự mong muốn điều gì? Mình có ước mơ gì không? Không phải ai cũng có thể trả lời được ngay câu hỏi này.
Những ai nhận ra ước mơ của bản thân từ sớm thì đó là một may mắn, vì nhờ vậy họ sẽ có thời gian nhiều hơn để chuẩn bị cho hành trình dài trong tương lai. Đam mê sẽ tạo nên định hướng.
Có nhiều người trải qua nhiều thay đổi, thử nhiều công việc rồi mới nảy sinh niềm đam mê với một thứ gì đó nhất định và quyết tâm theo đuổi. Đây là một dạng đam mê đến sau trải nghiệm.
Nếu bạn có ước mơ, đừng ngại gian khổ, hãy tự tin bước ra khỏi con đường bằng phẳng mà bạn vẫn thường đi để tìm lối rẽ phù hợp với bản thân, dù biết phía trước sẽ có nhiều chông gai, thử thách. Vượt qua mỗi thử thách, bạn sẽ trưởng thành hơn rất nhiều. Hạnh phúc đôi khi không nằm ở đích đến, mà nó nằm ngay tại quá trình chúng ta nỗ lực vươn lên trước nghịch cảnh.
Bạn có đang theo đuổi ước mơ không?
Chúng ta ai cũng có mơ ước nhưng không phải ai cũng đủ can đảm để bảo vệ nó, để kiên trì với nó đến cùng. Chúng ta sợ người khác chê cười ước mơ của mình và cho rằng đó là điều viển vông, sợ họ sẽ nói với mình rằng: “Bạn không còn là trẻ con để mơ mộng nữa đâu, hãy sống thực tế đi!”.
Chúng ta bị ám ảnh bởi quan điểm này đến mức nghi ngờ chính mình, thậm chí còn chấp nhận cho rằng đó là điều hợp lý, rằng ước mơ là những thứ viển vông, ước mơ rất xa vời. Chúng ta buông bỏ ước mơ để chọn lấy những thứ khác bình thường hơn, đại chúng hơn, ít bị phán xét hơn. Chúng ta làm theo cách số đông vẫn làm là học hành, tìm một công việc ổn định, sau đó lập gia đình và sống yên ổn.
Đương nhiên như vậy không có gì là xấu cả, thậm chí với nhiều người đó chính là cuộc sống lý tưởng. Vấn đề nằm ở chỗ con đường bạn chọn có trùng khít với suy nghĩ và mong muốn thật sự của bạn không? Đi trên con đường đó bạn có hạnh phúc không? Nếu không, hãy mạnh mẽ bộc lộ chính kiến riêng của bạn. Cuộc đời bạn là của bạn, đừng trao quyền định đoạt nó cho bất kỳ ai nếu bạn muốn sống cuộc sống của chính mình.
Theo đuổi ước mơ có dễ dàng không?
Nếu bạn nghĩ theo đuổi ước mơ, đam mê của bản thân là dễ dàng thì có lẽ đó chỉ là những thứ đến trong giấc ngủ của bạn thôi. Không có hành trình theo đuổi ước mơ nào là đơn giản. Nó không giống như một món hàng có hình thù rõ ràng, hiển hiện trước mắt để bạn đến lựa chọn, trả tiền và đem đi. Nếu dễ như vậy thì không cần ai phải cố gắng cả.
Trước đây mình từng nghĩ viết lách, trở thành nhà văn hẳn là một nghề nhàn nhã, thú vị. Trong hình dung của mình, hình ảnh các nhà văn thật đẹp đẽ, lung linh. Mình tưởng tượng họ ngồi trên một đoàn tàu, chạy băng qua những cảnh đẹp, trên tay họ cầm một cuốn sổ tay để ghi chép ý tưởng. Họ sẽ đến những nơi thơ mộng lấy cảm hứng để viết lách.
Nhưng mình đã nhầm to! Bắt đầu viết một cuốn sách khó hơn mình tưởng rất nhiều. Dĩ nhiên, cũng chẳng có khung cảnh nên thơ nào để các nhà văn làm việc cả. Bạn đồng hành của họ là giấy bút, máy vi tính và tài liệu tham khảo. Hầu hết thời gian họ làm việc một mình.
Nếu bạn muốn trở thành nhà văn, điều quan trọng là bạn phải sẵn sàng bỏ nhiều thời gian để tập trung viết. Có khi là vài tháng, có khi là một năm, có khi là nhiều năm. Bạn lên ý tưởng, sắp xếp chúng và triển khai nó thành một nội dung hoàn chỉnh có tính liên kết. Sau đó bạn phải tự mình biên tập lại trước khi gửi đến các nhà xuất bản. Thời gian chờ đợi phản hồi sẽ khá lâu. Hãy chuẩn bị trước tâm lý rằng có thể tác phẩm sẽ không được chọn nên cần đón nhận những lời góp ý một cách tích cực để hoàn thiện hơn cho những lần kế tiếp.
Bất cứ lĩnh vực gì cũng vậy, bạn đều phải học hỏi từng chút một, kiên trì nhẫn nại, dần dần bạn sẽ thu nhận được những tiến bộ đáng kể.
Nếu bạn hỏi mình có từng thất vọng không? Câu trả lời đương nhiên là có. Tuy nhiên đó chỉ là cảm giác của giai đoạn đầu lúc mình bắt đầu thực hiện giấc mơ viết lách thôi, còn hiện tại thì không. Mình từng nghe người khác nhận xét viết lách là một công việc nhàm chán. Đó là cách nhìn của họ.
Với cá nhân mình, mỗi lần được viết là một lần được bày tỏ suy nghĩ, được thể hiện những sáng tạo của bản thân. Viết lách vừa là cách thỏa mãn đam mê, vừa là một thú vui lành mạnh. Ngoài ra, viết lách còn giúp mình rèn giũa cách suy nghĩ sâu sắc về nhiều vấn đề, làm việc có nguyên tắc và nâng cao khả năng phân tích.
Trong hành trình theo đuổi ước mơ của mình, có lúc bạn sẽ rất cô đơn, nản lòng vì thành quả không xuất hiện ngay lập tức. Bạn không nên vì một chút không thuận lợi mà vội vàng từ bỏ. Hãy tiếp tục kiên trì bạn sẽ được nhiều hơn mất. Các kỹ năng của bạn sẽ dần được nâng cao hơn mỗi ngày. Bạn đang đầu tư có lãi nhưng bạn phải dám chắc bạn thật sự dồn tâm huyết cho nó.
Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh!
Chúng ta thường nói với người khác rằng lẽ ra đã có thể theo đuổi ước mơ, nếu như không vì lý do này hoặc lý do khác. Ai cũng có rất nhiều lý do để biện hộ cho mình. Chẳng hạn, tôi rất muốn đến một nơi nào đó để du lịch nhưng không có đủ tiền, tôi rất muốn học thêm tiếng Anh nhưng không có thời gian…
Kỳ thực, đối với những việc chúng ta chưa làm được, chúng ta viện dẫn lý do chỉ là để biện minh cho người ngoài thấy thôi, chứ ít khi chúng ta dám thừa nhận lý do chủ yếu là do tự bản thân mình. Chỉ khi thực sự đối mặt với bản thân, hẳn không ít người sẽ cảm thấy áy náy và hổ thẹn.
Thật ra, sống cuộc sống mà bạn luôn mong muốn không hề khó, quan trọng là bạn có dám hành động không mà thôi.
(...)
Hãy bắt tay thực hiện ước mơ đi!
Đừng chỉ nói mãi về ước mơ, đừng chỉ để nó ở trong đầu và thỉnh thoảng nhắc đến. Quan trọng là bạn có dũng khí để theo đuổi ước mơ, để theo đuổi cuộc sống mà bạn mong muốn không? Dũng khí, nói thì thật đơn giản nhưng làm thì thật khó.
Muốn biến ước mơ của mình thành sự thật bạn nên suy nghĩ một cách nghiêm túc và thực tế về nó. Chẳng có con đường nào chạm tới ước mơ mà trải đầy hoa hồng cả. Bạn phải tự mình phấn đấu để chinh phục ước mơ của bản thân. Phấn đấu, thật sự không phải chuyện dễ dàng, vì không dễ dàng nên cần phải nỗ lực.
Bước những bước chân chập chững trên con đường chinh phục ước mơ, hãy xem những khó khăn bạn vấp phải là cơ hội để bạn thể hiện sự quyết tâm của mình. Nếu làm sai thì làm lại, chưa đạt được kết quả như mong đợi thì hãy dốc sức thêm nữa. Đối diện với khó khăn, nhất định sẽ tìm ra cách giải quyết. Chỉ cần bạn nỗ lực và không bỏ cuộc, tương lai tốt đẹp đang chờ đón bạn.
Thế giới này, chính vì có những con người dám ước mơ, dám thực hiện, dám chấp nhận thất bại nên mới có những phát minh vĩ đại. Bạn không cần trở thành vĩ nhân, hay trở thành người kiến tạo thế giới. Bạn chỉ cần sống đúng với mong ước cuộc đời của riêng bạn, sống một cuộc sống không phải hối hận, là đã đủ hạnh phúc rồi. Hãy theo đuổi hành trình ước mơ của bạn, lên kế hoạch và bắt tay thực hiện nó.
* Trích sách Sống cho tuổi hai mươi duy nhất, tác giả Hoàng Thị Ngọc Dung
Hoàng Thị Ngọc Dung