Tháng 5/2022 sẽ diễn ra Hội thảo khoa học kỷ niệm 50 năm Chiến dịch Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng
Nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng mùa mưa năm 1972, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “50 năm Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng – Thắng lợi và bài học kinh nghiệm”.
Thắng lợi của Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng là kết quả đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sức mạnh đoàn kết liên minh chiến đấu giữa quân đội và nhân dân 2 nước Việt Nam – Lào, trong đó có sự đóng góp hết sức to lớn của quân và dân tỉnh Nghệ An.
Quang cảnh hội nghị - ảnh Phan Quỳnh/nghean.gov.vn |
Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, lần đầu tiên Quân đội nhân dân Việt Nam liên minh chiến đấu với Lực lượng vũ trang Cách mạng Lào, triển khai phòng ngự ở quy mô cấp chiến dịch một cách hoàn chỉnh, đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn nhất của Quân ngụy Lào và Thái Lan dưới sự chi viện của không quân Mỹ; giữ vững địa bàn chiến lược Cánh Đồng Chum, góp phần làm thất bại học thuyết Ních Xơn ở Lào, phá sản công thức chiến tranh “quân ngụy Lào+quân đánh thuê Thái Lan+yểm trợ tối đa của không quân Mỹ.
Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên – Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự cho biết: Hội thảo được tổ chức nhằm khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, tầm nhìn chiến lược sáng suốt của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam và Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo của Bộ Tư lệnh chung Mặt trận Cánh Đồng Chum, Khu ủy IV, Tỉnh ủy Nghệ An cùng tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm của quân và dân Việt Nam. Qua Hội thảo, để một lần nữa rút ra bài học kinh nghiệm, phát triển lý luận nghệ thuật quân sự Việt Nam để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên – Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự cho biết nội dung chi tiết của Kế hoạch tổ chức Hội thảo - ảnh Phan Quỳnh/nghean.gov.vn |
Việc tổ chức Hội thảo cũng là hoạt động tri ân công lao to lớn, sự đóng góp của quân, dân hai nước Việt Nam – Lào đã anh dũng hi sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc nói chung và Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng nói riêng. Tổ chức Hội thảo kết hợp với tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân cả nước nói chung, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nói riêng, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhằm phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.
Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự đề nghị tỉnh Nghệ An phối hợp chuẩn bị, tổ chức Hội thảo đảm bảo diễn ra trang trọng xứng tầm của Chiến dịch cũng như mục đích ý nghĩa Ban Tổ chức đặt ra cho Hội thảo lần này.
Dự kiến Hội thảo diễn ra vào tháng 5/2022 tại Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Trong khuôn khổ Chương trình Hội thảo sẽ có các hoạt động: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Kim Liên, Nam Đàn; dâng hương tại Nghĩa trang quốc tế Việt – Lào; thăm, tặng quà các gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn thành phố Vinh...
Hội thảo khoa học với chủ đề “50 năm Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng – Thắng lợi và bài học kinh nghiệm” sẽ có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban, Bộ, Ngành Trung ương; Thủ trưởng, nguyên Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị; Chỉ huy của các cơ quan, đơn vị, địa phương; các nhân chứng lịch sử; các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội.
Chiến dịch Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng diễn ra từ 21/5-15/11/1972 với 244 trận đánh, loại khỏi chiến đấu hơn 5.600 địch, bị bắt và ra hàng 1.137 tên. Ta bắn rơi và phá hủy 130 máy bay, thu 136 khẩu súng pháo và cối. Riêng quân và dân Lào diệt gần 400 tên, bắt 139 tên địch, gọi hàng 230 tên, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn, phá 32 ấp, giải phóng 3 huyện, thu nhiều quân trang, quân dụng, vũ khí của địch. Trước thất bại không gượng nổi trên toàn bộ chiến trường, Tổng thống Mỹ lúc đó Richard Nixon buộc phải để cho Phuma công khai đề nghị ngừng bắn trên toàn bộ lãnh thổ Lào có quốc tế giám sát và đồng ý lấy đề nghị 5 điểm của Pathet Lào làm cơ sở thương lượng về giải pháp hòa bình ở Lào. Những chiến công vang dội trên Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 đã góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30/4/1975); cổ vũ mạnh mẽ và tạo điều kiện cho quân và dân Lào liên tiếp nổi dậy, giành chính quyền trong cả nước và thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vào ngày 2/12/1975. Đây là chiến dịch phòng ngự hoàn chỉnh đầu tiên của QĐNDVN và Quân Giải phóng Nhân dân Lào với cách đánh sáng tạo, hiệu quả; góp phần đúc kết kinh nghiệm, làm phong phú lí luận về nghệ thuật chiến dịch VN trong kháng chiến chống Mỹ. |