Thái Lan mong muốn triển khai hiệu quả chiến lược “Ba kết nối” với Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính (phải) tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara (Ảnh: VGP) |
Đánh giá Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Thái Lan ở khu vực, nền kinh tế hai nước còn nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển, ông Parnpree mong muốn triển khai hiệu quả chiến lược “Ba kết nối” giữa hai nước; thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác về chính trị, kinh tế, du lịch, kết nối cả hàng không và đường bộ, giao lưu văn hóa, nhân dân….
Chiến lược “Ba kết nối” gồm: kết nối chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp hỗ trợ lẫn nhau; kết nối nền kinh tế cơ sở, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ với địa phương; kết nối chiến lược phát triển bền vững giữa các chính sách kinh tế sinh học - kinh tế tuần hoàn - kinh tế xanh của Thái Lan và chiến lược phát triển xanh của Việt Nam.
Theo ông Parnpree, các doanh nghiệp Thái Lan tin tưởng vào tiềm năng, môi trường đầu tư và mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam, triển khai các dự án tại một số địa phương của Việt Nam, trong đó có các dự án năng lượng. Ông đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư Thái Lan, đồng thời khẳng định Chính phủ Thái Lan cũng sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư tại Thái Lan.
Ngoài ra, ông Parnpree cho biết Thái Lan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam tại các cơ chế đa phương và khu vực, trong đó có hợp tác phát triển tiểu vùng Mekong, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong. Thái Lan cũng sẽ hợp tác với Việt Nam và các nước ASEAN nhằm phát huy đoàn kết, vai trò trung tâm và quan điểm chung của ASEAN, nhất là trong các vấn đề quan trọng như vấn đề Biển Đông.
Tại buổi trao đổi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hai nước thúc đẩy phát triển thương mại, mở rộng đầu tư, triển khai hiệu quả sáng kiến “Ba kết nối” cũng như hợp tác trên các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, năng lượng xanh…
Đánh giá cao việc Thái Lan tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 tại Việt Nam, Thủ tướng mong muốn hai bên phối hợp, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt mục tiêu 25 tỷ USD theo hướng cân bằng hơn; hạn chế các rào cản thương mại và tạo thuận lợi hơn nữa cho xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước.
Tập đoàn WHA (Thái Lan) có vốn đầu tư lớn tại Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống Hà Nội. (Ảnh: Báo Đầu tư) |
Thủ tướng cũng đề nghị Chính phủ Thái Lan tiếp tục tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt làm ăn, sinh sống, học tập tại Thái Lan; hoan nghênh việc tăng số lượng đường bay thẳng giữa hai nước nhằm tạo thuận lợi cho hợp tác kinh tế, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân.
Hành trình Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Thái Lan lần thứ II Từ ngày 10-12/9, tại Đà Nẵng diễn ra Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam lần thứ II và Hội nghị lần thứ XII Ban Chấp hành Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan và Hội hữu nghị Thái Lan - Việt Nam. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động hai Hội phối hợp tổ chức trong năm 2023, kỷ niệm 10 năm hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. |
Thái Lan theo đuổi chính sách ngoại giao kinh tế Thái Lan cam kết theo đuổi ngoại giao kinh tế, nhằm nâng cao khả năng thương lượng và tạo ra sự cân bằng trong mối quan hệ với các nước khác. |