Thái Lan đang tạo một mạng lưới liên kết Chính phủ, hàng không, lữ hành, người nổi tiếng... nhằm tìm lại "ánh hào quang" xưa của ngành du lịch
Du lịch là một trong những ngành dịch vụ lớn trên thế giới với doanh thu bình quân hơn 7 nghìn tỷ USD hàng năm. Tính trung bình cứ 11 người trên thế giới thì có 1 người làm trong ngành du lịch.
Tất nhiên, ngành kinh doanh đầy lợi nhuận này cũng tiềm ẩn rất nhiều cạnh tranh khi các quốc gia tìm mọi cách để thu hút du khách cũng như ngoại tệ về cho nước mình.
Nói đến những nước nổi tiếng về du lịch, không thể không nhắc đến Thái Lan. Chi phí rẻ cùng thời tiết ấm áp, những bãi biển đẹp, con người thân thiện, dịch vụ du lịch tốt cùng nhiều danh lam thắng cảnh đã biến Thái Lan trở thành một thị trường thu hút du khách thế giới.
Năm 2016, tổng số du khách vào Thái Lan đạt 32 triệu lượt và nằm trong top 10 nước được đến nhiều nhất thế giới. Lượng du khách từ các nước đổ về Thái Lan đều gia tăng, số du khách Trung Quốc tăng 30% còn khách Mỹ tăng 12%. Người Nga cũng đã tăng cường trở lại Thái Lan trong khi du khách Châu Âu cũng tăng trưởng với 2 con số.
Trong thời gian tới, chính quyền Bangkok đang hướng tới những thị trường mới như Canada hay Brazil bằng cách mở các văn phòng quảng bá du lịch ở thành phố Sao Paolo và Toronto.
Một điểm thú vị ở Thái Lan là ngoài những chương trình du lịch thu hút du khách trước đây, nước này còn phát triển tập trung vào nhóm khách hàng thu nhập cao và tạo nên những trải nghiệm mới để liên tục hút du khách quay lại.
Trong khi vẫn nổi tiếng là một điểm đến lý tưởng cho du lịch giá rẻ, Thái Lan cũng trở thành trung tâm tại Đông Nam Á với nhiều khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp, mô hình du lịch chữa bệnh, du lịch du thuyền, du lịch thể thao…
Hàng loạt những dịch vụ cao cấp như du lịch kèm học nấu ăn, du lịch cưỡi voi… được Thái Lan xây dựng, qua đó khai thác triệt để các khía cạnh của ngành du lịch.
Cơ quan quảng bá du lịch Thái Lan (TAT) đã bắt đầu giới thiệu mô hình này từ hơn 20 năm trước với nhiều loại hình khác nhau để kéo du khách quay trở lại cũng như nâng cao chất lượng, tập trung khai thác du khách trung thành và giới nhà giàu. Hiện nay, ý tưởng này cũng đã được nhiều nước trong khu vực áp dụng nhằm cạnh tranh với Thái Lan.
Trước tình hình đó, Thái Lan hiện đang tập trung nhiều hơn cho phân khúc du khách hạng sang. Thị trường du lịch cao cấp hiện ước tính có trị giá 30 triệu USD và dự kiến sẽ còn tăng gấp đôi trong 10 năm tới. Đây là chưa kể đến một làn sóng du khách mới, tầng lớp nhà giàu mới hoặc trung lưu mới từ những nước như Trung Quốc muốn khám phá các trải nghiệm và dịch vụ mới lạ.
Du lịch không chỉ là quảng bá, nó cần cả 1 hệ thống
Để trở thành trung tâm du lịch như vậy, Thái Lan đã phải trải qua nhiều khó khăn cũng như thử thách. Ví dụ như ngành hàng không, dù được đánh giá cao nhờ chất lượng dịch vụ tốt nhưng ngành hàng không Thái Lan cũng đang gặp khó khăn trong vấn đề lợi nhuận.
Hơn nữa, mạng lưới chuyến bay của Thái Lan vẫn còn yếu, như chưa có đường bay thẳng sang Mỹ, qua đó hạn chế những du khách hạng sang của Phương tây.
Trước tình hình này, TAT đã ký hợp đồng với hàng loạt công ty vận tải hàng không tại Trung Đông như Emirates, Etihad hay Qatar Airways nhằm thu hút thêm nhiều du khách từ Châu Âu hay Mỹ. Ở mặt phía Đông, TAT ký hợp đồng với Korean Air và EVA Airway nhằm hút các du khách từ Mỹ và Canada đến Bangkok qua trạm Đài Loan.
Trong khi đó, hãng hàng không Qatar đang mở thêm các chặng bay thẳng như Doha-Krabi ngoài trạm trung chuyển lớn là Bangkok nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Việc có thể bay thẳng từ các thành phố như Houston-Mỹ đến những khu nghỉ dưỡng hay khách sạn hạng sang tại Thái Lan mà không phải chuyển tiếp chuyến bay chắc chắn sẽ hút thêm rất nhiều du khách.
Số liệu của TAT cho thấy 70% hành khách trên các chuyến bay đến Thái của Emirates đến từ Châu Âu. Bình quân mỗi ngày có 12 chuyến bay từ Dubai đến Bangkok và 2 chuyến từ Dubai đến Phuket. Rất nhiều trong số đó là những máy bay có công suất lớn như Airbus A380 với khả năng chở hơn 500 hành khách.
Để quảng bá cho những chuyến bay mới, TAT đang tích cực chi tiền cho các chiến dịch marketing. Mặc dù con số mới chỉ dừng ở 400.000 USD nhưng những dịch vụ mới mà Thái Lan cung cấp cũng đem lại lợi nhuận cho các hàng hàng không khi ngày một nhiều du khách đổ về đây. Những thị trường mới như Ba Lan, Cộng hòa Séc hay Hungary đã làm tăng thêm doanh thu cho các hãng hàng không khi du khách các nước này muốn khám phá Thái Lan.
Theo TAT, số tiền đầu tư không phải là tất cả mà là kế hoạch marketing đằng sau đó. Sau khi ký bản thỏa thuận ghi nhớ, TAT cử các nhân viên đến trụ sở của các hãng hàng không nhằm phát triển một chương trình nhắm đến những nhà tổ chức du lịch, những ngôi sao hay người nổi tiếng mà TAT có thể hợp tác quảng bá du lịch cho đất nước. Bằng cách này, Thái Lan có thể hút thêm du khách trong khi các hãng hàng không có thể lấp đầy ghế máy bay.
Như vậy, kế hoạch của Thái Lan không chỉ là quảng bá du lịch đơn thuần mà tạo nên một mạng lưới liên kết giữa Chính phủ, doanh nghiệp, các hãng hàng không, những công ty lữ hành, người nổi tiếng… nhằm phát triển cả một hệ thống kinh doanh.
Tuy nhiên, tất cả mọi người đều hiểu ngành du lịch là một ngành khá nhạy cảm khi bất kỳ tác động nào từ chính trị, kinh tế, xã hội cũng có thể khiến công sức xây dựng hình ảnh bị mất trong 1 đêm. Chỉ cần 1 vụ nổ bom thôi là toàn bộ chương trình quảng bá du lịch bị ảnh hưởng. Bởi vậy, chính quyền Bangkok cũng đang cố gắng đảm bảo tình hình chính trị tại Thái Lan bình ổn trở lại, đồng thời kêu gọi các cấp chính quyền địa phương phối hợp nhằm tạo cảm giác thoải mái nhất cho du khách.
Kể cả như vậy vẫn chưa đủ khi hàng loạt đối thủ cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới đang gia tăng khuyến mãi cũng như chất lượng dịch vụ du lịch. Trước tình hình đó, TAT đang nhắm đến những loại hình dịch vụ du lịch đặc biệt như trở về với thiên nhiên, qua đó cho phép du khách hòa nhập với cộng đồng hoặc thậm chí sống hoang dã trong rừng.
Kế hoạch này của TAT đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền và người dân địa phương. Dự án này sẽ cho phép du khách sống như một người bản địa, được trồng trọt, nấu ăn và cảm nhận cuộc sống của người địa phương. Dịch vụ này không chỉ quảng bá cho hình ảnh du lịch mà con tăng thêm nguồn thu cho người bản địa.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng
Tuy nhiên, để phát triển du lịch thì Thái Lan cần đầu tư hơn nữa cho cơ sở hạ tầng. Theo hãng tin Bloomberg, Thái Lan đang có ý định vượt mặt Singapore để trở thành trung tâm cảng hàng không của Đông Nam Á. Nước này dự định sẽ đầu tư 5,7 tỷ USD cho một sân bay cũ để biến nơi đây thành trung tâm bảo dưỡng, vận hành máy bay lớn nhất khu vực.
Đây là động thái mới nhất của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan Ocha nhằm thúc đẩy nền kinh tế, đặc biệt là du lịch sau khoảng thời gian biến động chính trị khiến nhiều thị trường láng giềng lấy mất thị phần.
Khoản đầu tư 5,7 tỷ USD này của chính quyền Bangkok là nhằm đáp ứng nhu cầu ngày một tăng từ các hãng hàng không Việt Nam, Myanmar và Campuchia. Dự án này cũng nằm trong kế hoạch đầu tư 1,5 nghìn tỷ Bath (44 tỷ USD) trong khoảng 2017-2021 nhằm phát triển giao thông.
Đầu tư cho sân bay tại Châu Á ngoại trừ Trung Quốc sẽ vượt nhiều khu vực khác trong khoảng 2015-2025 (tỷ USD)
Bên cạnh dự án sân bay trên, Thái Lan còn có kế hoạch đầu tư 4,5 tỷ USD vào hệ thống đường sắt, 11,5 tỷ USD cho xây dựng các thành phố mới và 14 tỷ USD cho các ngành công nghiệp.
Ngoài ra, chính quyền Bangkok cũng tạo thuận lợi cho các du khách có thể mua bất động sản tại đây nhằm thuận tiện hơn cho việc quay lại du lịch. Năm 2016, số người nước ngoài mua bất động sản tại Thái Lan đã tăng 55% so với năm trước. Khoảng 84% số người mua đến từ Châu Á như Trung Quốc, Hong Kong, Singapore, Nhật Bản…
Trong năm nay, Thái Lan dự kiến sẽ xây thêm 19 dự án trị giá 1,2 tỷ USD nhắm đến khách hàng người nước ngoài.
Năm 2016, dù nền kinh tế Thái Lan chỉ tăng 3,2%, dưới mức kế hoạch 3,7% nhưng số du khách nước này lại đạt 32,6 triệu lượt, tăng 9% so với năm 2015 và đem về 45 tỷ USD cho đất nước, tương đương 17,7% GDP và tăng 13% so với năm trước đó.
BT