Tết cổ truyền cần tươi trẻ trong đời sống hiện đại
Trao đổi với Thời Đại, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vỹ, trường Đại học Khoa học, Xã hội & Nhân văn cho chúng ta một số nhận định và phân tích về hiện tượng này.
Ông nói: Với góc nhìn văn hoá, có thể coi Tết truyền thống của người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam như là di sản văn hoá phi vật thể, nằm trong tổng thể di sản lễ hội Việt Nam. Tết là một dạng lễ hội được truyền đời xưa và thuộc loại lễ hội quan trọng nhất của người Việt.
Vì sao có thể coi là di sản văn hóa phi vật thể, vì di sản này tồn tại. Thứ nhất một cách lâu bền về thời gian; thứ hai là phổ quát cho tất cả mọi người dân trong cộng đồng dân tộc, quốc gia Việt Nam và rộng trong lãnh thổ về văn hoá phương Đông.
Với độ rộng rãi của nó thì không một lễ hội nào có thể sánh bằng Tết. Các lễ hội của một tôn giáo thường nằm trong cư dân của tôn giáo đó, các lễ hội kỷ niệm cũng nằm trong không gian nhất định, nhưng Tết là dành cho tất cả mọi người, thậm chí những người đã mất quyền công dân, kiều bào hay những người đã đi xa Tổ quốc.
Tết là lễ hội để kết thúc một chu kỳ năm, mở ra một chu kỳ mới. Vì thế, từ xưa đến nay, nhân dân ta vẫn tổ chức Tết một cách rất tự nguyện, ai ai cũng mong đến Tết và ai cũng muốn tự tổ chức Tết cho gia đình, cho cộng đồng. Tầm giá trị bậc nhất của Tết là nét văn hoá được lặp đi lặp lại trong suốt chiều dài lịch sử đất nước.
Tuy nhiên, cũng như tất cả các yếu tố văn hoá khác, Tết không bao giờ “đứng yên” mà nó là một trong những lễ hội vừa bảo tồn nét văn hoá truyền thống vừa hết sức uyển chuyển theo lịch sử. Ông bà xưa có câu: “Liệu cơm gắp mắm, tuỳ lễ mà biện”.
Tiến sỹ Nguyễn Hùng Vỹ
Tết xưa của chúng ta chú trọng điều gì, thưa tiến sĩ?
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vỹ: Về mặt tổ chức, xưa nay vẫn vậy, mỗi cá nhân hay mỗi gia đình, cũng đều có những hoạt độngtrước, trong và sau ngày Tết. Tất cả mọi sự chuẩn bị đó đều đưa tâm thức người ta vào một niềm cộng cảm, hạnh phúc chung, lo toan chung, kỳ vọng chung.
Trước hết, người ta chờ Tết, chuẩn bị Tết. Cuộc sống ngày xưa nói chung nghèo và vất vả, nên người ta nghĩ đến Tết như một dịp nghỉ ngơi. Thứ hai, Tết là dịp để ăn ngon mặc đẹp, để tổng kết những gì làm được trong một năm, và kỳ vọng những điều tốt hơn cho năm mới. Thứ ba, người ta cũng đón Tết với hy vọng là dịp để gặp gỡ những thành viên trong gia đình, được sum vầy, đoàn viên bên nhau.
Ý nghĩa của Tết là cố kết lại cộng đồng, trước hết là gia đình, tạo ra nét cộng cảm chung về mặt văn hoá để người ta thấu hiểu nhau hơn. Khi trở lại với gia đình, làng quê, cũng có nghĩa người ta trở lại với cội nguồn. Trong niềm cộng cảm chung chuẩn bị Tết, người ta không chỉ hướng về không gian (gia đình, làng quê) mà còn hướng về cội nguồn. Vì thế, Tết gắn liền với thờ cúng tổ tiên, thần đất, thành hoàng… Từ đó tạo nên tâm thức mà các cụ đồ Nho xưa, trí thức xưa gọi là “bất vong bản” (tức: không quên nguồn gốc).
Chính cái tình cảm, ý thức “bất vong bản” đó góp phần cố kết dân tộc, quốc gia và đó là điều rất quan trọng. Tết như một loại biểu tượng, được diễn đạt qua tất cả các hình thức trình diễn của tất cả mọi người: Mua sắm sản vật; sửa sang nhà cửa, lối ngõ…
Vậy, văn hoá Tết xưa và nay có gì khác nhau như thế nào, thưa tiến sĩ?
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vỹ: Xưa, chúng ta quan niệm: “Chết 3 tiếng trống, sống 3 ngày Tết”. Cuộc sống ngày thường khó khăn nên tâm lý, cảm xúc Tết háo hức hơn và nó đem lại sự mong mỏi lớn hơn. Riêng chuyện ăn mặc sửa sang nhà cửa đón Tết, người ta cũng háo hức. Hơn nữa là cuộc sống xưa thường rất ít sự giải trí, khiến tâm lý đón Tết “vui như Tết, đông như hội”.
Còn ngày nay, tôi đánh giá rất cao những không gian trải nghiệm sau giờ học cho trẻ em, nhất là không gian văn hoá truyền thống Tết cổ truyền cho trẻ em đô thị. Giá trị lớn nhất của những hoạt động đó là kéo các cháu khỏi “ma lực”, “cuộc sống ảo” của những thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng, trò chơi điện tử…, dần tạo nên ý thức gắn kết cộng đồng, giúp hình thành nên bản sắc văn hoá cho mỗi công dân đất Việt.
PV: Hiện nay, có người cho con cháu đi du lịch dịp Tết, liệu đó có phải mai một truyền thống hay là sự thể hiện hội nhập từng phần, có chọn lọc, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vỹ: Nhiều người bảo Tết là chỉ dành cho tổ tiên, ông bà, gia đình, nhưng trong cuộc sống, chúng ta nên ứng xử uyển chuyển và không câu nệ.
Theo quan điểm của cá nhân tôi, nếu ngày Tết mà rời gia đình, tranh thủ dịp nghỉ để đi đây đó, thì cũng không vấn đề gì. Miễn là đêm 30 Tết, chúng ta biết hướng về ông bà tổ tiên. Đầu thế kỷ XX, một số trí thức như cụ Phan Kế Bính cũng từng khuyên: “Đừng vì những tình cảm đó mà bó buộc con người ta vào luỹ tre. Mà con người ta cầnđóng con tàu lớn vượt ra khơi”. Thời đó, đây là tư tưởng rất mới mẻ, vượt tầm thời đại mà chúng ta đáng học hỏi.
Tết xưa. Ảnh minh họa: Internet.
Hiện nay, một số yếu tố của văn hoá ngoại lai đã và đang xâm lấn, ảnh hưởng tới các giá trị văn hoá truyền thống, theo ông, chúng ta cần có biện pháp gì để bảo tồn và phát huy văn hoá Tết truyền thống, đồng thời chọn lọc những nét văn hoá phù hợp?
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vỹ: Văn hoá là một thực thể “mềm”. Một trong những đặc tính của văn hoá là luôn luôn vận động phát triển. Trong nghiên cứu, đó là tính quá trình của văn hoá, tức là văn hoá luôn vận động biến đổi trong không gian và thời gian. Những vận động biến đổi đó là sự tiếp biến của mọi cộng đồng từ xưa tới nay.
Ngày xưa, do tính chất giao thông khó khăn, phương tiện nghèo nàn, tính cục bộ và phân biệt của văn hoá rõ ràng hơn. Ngày nay, văn hoá có 2 xu hướng hội nhập và phát triển rõ rệt: Tiếp biến văn hoá ngoại lai nổi lên và lấn át trong một thời điểm nào đó; hoặc xu hướng văn hoá bản địa co lại toàn bộ, giữ gìn bản sắc riêng.
Trong đó, có thể tạm hiểu nôm na là: thứ gì “cơ địa yếu” thì bị hoà tan, đồng hoá bởi những cái khác, nhưng thứ gì “cơ địa mạnh” thì có thể đồng hoá thứ khác để phát triển hơn. Di sản, văn hoá Tết của Việt Nam, theo tôi là “cơ địa” rất mạnh mẽ, đủ sức đồng hoá các yếu tố ngoại lai. Quan trọng là trong quá trình đồng hoá, chúng ta giữ được những giá trị cốt lõi, bản sắc, còn những cái gì “đến rồi đi” thì chúng ta tiếp nhận sự tích cực và giảm bớt đi sự tiêu cực của nó. Từ đó, di sản và văn hoá Tết sẽ có sự vận động, định hướng và ngày càng tốt đẹp, ngày càng phát huy giá trị trong cuộc sống.
Trân trọng cảm ơn TS!
Trọng Sang (thực hiện)