Tên lửa KM-SAM tối tân của Hàn Quốc liệu có cơ hội ở Việt Nam khi đã có SPYDER-MR?
Hàn Quốc là một cường quốc kinh tế tại khu vực Đông Bắc Á, nhưng không chỉ có vậy, họ còn đang vươn lên giữ vị trí một trong số những nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.
Vũ khí do Hàn Quốc chế tạo nổi tiếng về chất lượng cao, đơn giá tương đối dễ chịu, người mua không phải chịu các điều khoản ràng buộc đi kèm. Chính vì vậy mà pháo tự hành K9, tàu hộ vệ tên lửa 3.000 tấn DW-3000F hay HDF-3000, và cả tàu ngầm diesel - điện Chang Bogo... đã được nhiều nước trong khu vực lựa chọn.
Ngoài các vũ khí trên, Hàn Quốc còn đang tích cực chào bán các tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn và tầm xa do mình chế tạo, trong đó hệ thống KM-SAM hợp tác cùng Almaz Antey đã thu về nhiều sự quan tâm.
Xe mang phóng tự hành của hệ thống phòng không tầm trung KM-SAM
Đáng chú ý hơn, KM-SAM hội tụ nhiều yếu tố để có thể được xem như một ứng viên để thay thế các tổ hợp SA-2 đã đi đến gần cuối vòng đời của Việt Nam. Tên lửa của KM-SAM hiện sở hữu tầm bắn 40 km nhưng trong tương lai sẽ nâng lên tới 70 km, tức là phủ kín hoàn toàn cự ly mà SA-2 vẫn bao quát.
Ngoài ra cơ chế dẫn đường của KM-SAM cực kỳ tiên tiến, đạn đánh chặn của nó sử dụng phương thức TVM - Track Via Missile giai đoạn đầu, tức là tên lửa thu sóng của đài radar hỏa lực dội ra từ mục tiêu, đo góc lệch giữa trục tên lửa với cánh sóng để hiệu chỉnh hướng bay rồi đến khi tiếp cận nó sẽ đổi qua dùng radar chủ động nhằm tăng độ chính xác.
Phương thức trên có tính tự động hóa rất cao, nó khác hẳn với cách điểu khiển thủ công thông qua sóng radio yêu cầu trắc thủ phải lái đạn suốt cả hành trình như cách mà SA-2 đang áp dụng.
Các xe mang phóng tự hành của tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung SPYDER-MR
Tuy nhiên dường như Hàn Quốc đã chậm chân một bước vì theo Viện nghiên cứu Hòa binh Stockholm - SIPRI (Thụy Điển) hiện tại có thể bộ đội phòng không Việt Nam đã đưa vào biên chế các tổ hợp tên lửa tầm trung SPYDER-MR do Israel sản xuất.
So với KM-SAM thì tầm bắn của SPYDER-MR hiện là 35 km, thua kém một chút nhưng không đáng kể. Trong khi đó Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Rafael của Israel mới đây đã giới thiệu đạn tăng tầm I-Derby-ER có thể tích hợp ngay vào SPYDER để nâng tầm bắn lên tới 70 km, tức là ngang hàng với loại đạn nâng cấp vẫn đang hoàn thiện của KM-SAM.
Phương thức dẫn đường của tên lửa Python-5 và Derby thuộc tổ hợp SPYDER cũng tiên tiến chẳng kém KM-SAM, đây là những loại đạn "Khóa mục tiêu sau khi phóng", tính năng mà hệ thống phòng không của Hàn Quốc không áp dụng.
Hơn nữa khi đã có SPYDER-MR (sắp tới có thể dễ dàng nâng cấp lên SPYDER-ER) thì việc bỏ ra số tiền lớn để mua về một hệ thống khác có tính năng kỹ chiến thuật tương đương chắc chắn không phải là lựa chọn hợp lý.
Bên cạnh đó, Israel còn cho biết họ sẵn sàng cung cấp cấp công nghệ chế tạo để quốc gia sử dụng sản xuất luôn đạn cho SPYDER ngay tại chỗ, điều khoản này Hàn Quốc không thể theo được. Do vậy, triển vọng KM-SAM của Hàn Quốc có mặt tại Dải đất hình chữ S là rất xa vời.
Quân đội Hàn Quốc bắn thử nghiệm hệ thống tên lửa phòng không KM-SAM
Hải Dương