Tăng cường kết nối hợp tác phát triển du lịch tam giác Campuchia - Lào - Việt Nam
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn cho biết, trong tiến trình phát triển và hội nhập, tỉnh Kon Tum xác định rõ quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển, trong đó du lịch được xem là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn.
Các đại biểu tham dự buổi diễn đàn. Ảnh: Tổng cục Du lịch |
Những năm qua, lãnh đạo tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo và triển khai quyết liệt việc đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm của các tập đoàn lớn có uy tín trong nước, làm thay đổi cơ bản diện mạo đô thị và ngành du lịch Kon Tum.
Vừa qua, Tỉnh uỷ Kon Tum đã thông qua “Nghị quyết về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Nghị quyết đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đạt được mục tiêu phát triển ngành du lịch của địa phương trở thành ngành kinh tế dịch vụ chuyên nghiệp, giàu bản sắc, có sức cạnh tranh ngày càng cao, kết nối và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy việc tổ chức diễn đàn sẽ góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu phát triển du lịch của địa phương trong thời gian tới.
Đánh giá cao những thành quả, nỗ lực của du lịch Kon Tum trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng diễn đàn là nơi để các doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu, liên kết với nhau, là nơi để các cơ quan chính quyền cung cấp thông tin, thúc đẩy liên kết vùng, các doanh nghiệp lữ hành trao đổi, thúc đẩy hợp tác xây dựng các tour tuyến mới.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Tổng cục Du lịch |
Bộ trưởng cho rằng, Kon Tum có hai điều cơ bản hội tụ đủ để phát triển du lịch. Đó là: Kon Tum có đầy đủ nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa để xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, con người chất phác, cần cù lao động, thân thiện và nghĩa tình.
Bên cạnh những điểm thuận lợi, tiềm năng, Kon Tum còn có những khó khăn, thử thách, cần có sự chia sẻ, đồng hành, đồng lòng, đồng sức để du lịch Kon Tum phát triển. Hạ tầng của Kon Tum còn có những hạn chế, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa có thương hiệu cấp quốc gia và mang tầm châu lục, hoạt động du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ, nhân sự chất lượng cao còn thiếu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, để khắc phục những khó khăn trên, cần nhận thức đúng và tạo ra những hành động quyết liệt hơn. Ông kỳ vọng diễn đàn sẽ tạo ra những hoạch định, chương trình cụ thể. Việc công bố Kế hoạch phát triển du lịch khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, giúp các doanh nghiệp có tầm nhìn xa hơn phạm vi du lịch Kon Tum và 3 nước, thúc đẩy trao đổi khách qua biên giới 3 nước. Cùng với đó là ký kết các thỏa thuận hợp tác du lịch duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, khôi phục lại các hoạt động du lịch và hợp tác toàn diện. Các doanh nghiệp lữ hành sẽ kết nối tour tuyến, điểm đến, nhà đầu tư sẽ nhìn thấy tiềm năng của du lịch Kon Tum, giúp du lịch Kon Tum thay đổi và nâng tầm phát triển trong thời gian tới.
Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh Kon Tum cần tập trung vào công tác quy hoạch, nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch Kon Tum, tạo thành hợp phần quy hoạch du lịch quốc gia. Bên cạnh đó kêu gọi đầu tư, lựa chọn những nhà đầu tư thực sự tiềm năng, kết nối với cộng đồng doanh nghiệp.
Bộ trưởng cam kết với tỉnh Kon Tum sử dụng nguồn lực ưu tiên cho Kon Tum phát triển du lịch trong công tác bảo tồn, phát huy các di tích cách mạng; làm tốt các thiết chế cộng đồng làng bản; hỗ trợ đào tạo về du lịch cộng đồng. Bộ trưởng cũng mong muốn các doanh nghiệp sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch sẽ triển khai ngay các hoạt động, thúc đẩy thu hút khách du lịch đến với Kon Tum.
Tại diễn đàn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đã trình bày định hướng phát triển du lịch Kon Tum trong vùng du lịch Tây Nguyên liên kết với các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ.
Theo đó, định hướng phát triển Kon Tum trở thành điểm đến du lịch nổi bật đặc trưng của vùng Tây Nguyên về du lịch xanh, chất lượng, bền vững với hệ thống sản phẩm du lịch đồng bộ, đặc sắc trên cơ sở khai thác phát huy hài hòa tài nguyên tự nhiên và văn hóa các dân tộc Kon Tum. Trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng như: sản phẩm trải nghiệm văn hóa sâm Ngọc Linh, sản phẩm nghỉ dưỡng sinh thái Măng Đen, sản phẩm trải nghiệm văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số, sản phẩm tham quan di tích lịch sử, sản phẩm du lịch mạo hiểm…
Đồng thời thúc đẩy liên kết du lịch với các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ, liên kết theo mục tiêu chuyên đề; đầu tư phát triển du lịch Kon Tum về hạ tầng, cơ sở dịch vụ, công trình văn hóa công cộng, nghiên cứu thị trường, xúc tiến du lịch, chuyển đổi số, bảo tồn tài nguyên…
Đại diện cho các doanh nghiệp lữ hành tham gia đoàn famtrip khảo sát du lịch Kon Tum những ngày qua, ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng Kon Tum cần đầu tư phát triển sản phẩm du lịch văn hóa với vẻ đẹp bản địa, du lịch nông thôn với các sản phẩm OCOP, nổi bật là sâm Ngọc Linh… Tại các điểm du lịch, cần có đội ngũ quản lý du lịch chuyên nghiệp, kết hợp đào tạo nguồn nhân lực. Công tác xúc tiến quảng bá cũng cần được đầu tư, qua đó góp phần thu hút khách du lịch đến Kon Tum, đưa Kon Tum trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực Tây Nguyên.
Tăng cường kết nối hợp tác phát triển du lịch Tam giác Campuchia - Lào - Việt Nam
Trong khuôn khổ diễn đàn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đã công bố kế hoạch phát triển du lịch khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, kế hoạch hướng đến hình thành một điểm đến du lịch bền vững và có trách nhiệm; cung cấp dịch vụ chất lượng, góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam. Đến năm 2025, khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam phấn đấu đón 3,3 triệu lượt khách du lịch, tăng trưởng trung bình 14%/năm. Đến năm 2030, tăng gấp 2 lần về lượng khách, hình thành được hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và tiện nghi tương đối đồng bộ; hệ thống cơ sở hạ tầng và kết nối thuận lợi; nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu phát triển.
Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh. Ảnh: Tổng cục Du lịch |
Về định hướng và giải pháp, sẽ tập trung kết nối phát triển điểm đến, phát triển sản phẩm du lịch; cải thiện cơ sở hạ tầng và tạo thuận lợi cho khách du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; marketing và quảng bá du lịch; tăng cường an ninh, an toàn, trật tự.
Về triển khai thực hiện, Việt Nam sẽ chủ trì, dẫn dắt 5 nhiệm vụ: (1) Xúc tiến mở các tuyến đường bay quốc tế đến Khu vực; (2) Liên kết các doanh nghiệp, hiệp hội trong Khu vực tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; (3) Tổ chức khảo sát liên tỉnh, liên quốc gia gắn kết các cụm, khu du lịch, kết nối các tour, tuyến, điểm, khu du lịch; (4) Tạo lập chuỗi các sự kiện du lịch trong khu vực; (5) Tổ chức diễn đàn thường niên về xúc tiến, quảng bá du lịch khu vực. Phối hợp với Lào và Campuchia triển khai 10 nhiệm vụ do hai nước bạn chủ trì.
Tại diễn đàn đã diễn ra chương trình ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch khu vực duyên hải miền Trung Tây Nguyên; Thỏa thuận hợp tác về việc hỗ trợ khôi phục hoạt động các doanh nghiệp du lịch Kon Tum; Chương trình hợp tác toàn diện giai đoạn 2022 - 2026; Thỏa thuận hợp tác về việc tăng khách du lịch đến Kon Tum.