Suy ngẫm về vai trò quan trọng của các tổ chức phi chính phủ trong hiện tại và tương lai
Ông Cherian Thomas - Giám đốc cấp cao vùng Nam Á - Thái Bình Dương, Tổ chức World Vision. |
Trong những năm gần đây, những đóng góp tích cực của các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong việc giải quyết các nhu cầu quan trọng của con người, đặc biệt trong bối cảnh phức tạp của đại dịch COVID-19, đã được các chính phủ và các tổ chức đa phương ghi nhận. Các khoản đóng góp từ các cá nhân và tổ chức tài trợ dường như đang có xu hướng tăng. Ở cấp địa phương, các hoạt động, chương trình nhân đạo cũng ngày một phổ biến hơn.
Kể từ năm 2014, ngày 27/2 đã được coi là Ngày Tổ chức Phi chính phủ Thế giới. Đây là nỗ lực để tri ân và ghi nhận các tổ chức phi chính phủ cho những đóng góp quan trọng cho xã hội, ngay cả trong những giai đoạn, hoàn cảnh khó khăn nhất.
Những hỗ trợ kịp thời của World Vision Việt Nam đã góp phần giúp người dân mau chóng ổn định cuộc sống sau thiên tai (ảnh chụp tại huyện Hải Lăng - tỉnh Quảng Trị). |
Dưới tác động của đại dịch COVID-19, hơn 58 triệu người được cho là sẽ sống dưới mức nghèo đói, chỉ tính riêng ở khu vực Nam Á và châu Phi cận Sahara. Ngoài ra, theo một báo cáo năm 2021, ngân sách hoạt động của các tổ chức phi chính phủ và từ thiện trên toàn cầu đã giảm 0,9% từ mức cao là 255,71 tỷ USD vào năm 2019 xuống còn 253,34 tỷ USD vào năm 2020. Nguyên nhân là do đại dịch COVID-19 khiến tình trạng giãn cách xã hội (lệnh phong toả) kéo dài, các chế tài hạn chế việc đi lại, giao thương được áp dụng phổ biến, gây ra nhiều tác động tiêu cực lên nền kinh tế thế giới. Đây là thực tế đáng buồn, nhất là khi trước đó, số lượng nhà tài trợ đã đang trên đà tăng và được dự kiến sẽ lên tới 2,5 tỉ vào năm 2030. Trong khi thế giới hiện đang có khoảng 10 triệu tổ chức phi chính thủ, việc hạn chế phạm vi hoạt động địa lý và thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ vẫn đang là bài toán cần giải đáp.
Thế giới đang phải đối mặt với những chia rẽ ngày một lớn trên các phương diện chủng tộc, tôn giáo, và chính trị, gây ra những khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng mà các tổ chức phi chính phủ đang nỗ lực cùng nhau giải quyết. Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai nhất trên thế giới, với số lượng người tị nạn lớn nhất và cũng là nơi cư trú của quá nửa số lượng người dân trong nhóm dễ bị tổn thương nhất trên toàn cầu. Tại đây, các quốc gia đông dân đã chứng kiến sự bùng phát không tưởng của đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, một số quốc gia khác cũng đang phải đối diện với những bất ổn về chính trị. Đây chính là cội rễ của những khủng hoảng nhân đạo, gây khó khăn cho quá trình triển khai các hoạt động nhân đạo của các tổ chức phi chính phủ.
Chính những chia rẽ về quan điểm và cách tiếp cận trong nhiều lĩnh vực giữa những nhóm người khác nhau là một rào cản khiến nhiều quốc gia trên thế giới chưa thể chấm dứt nghèo đói, vượt qua những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, cải thiện tình trạng bất bình đẳng/bất công trong xã hội, cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và giáo dục cộng đồng.
World Vision Việt Nam tặng thực phẩm cho người dân bị ảnh hưởng do thiên tai tại huyện Hải Lăng - tỉnh Quảng Trị. |
Vào Ngày Tổ chức Phi chính phủ Thế giới này, chúng ta cần suy ngẫm về vai trò quan trọng của các tổ chức phi chính phủ cả trong thời điểm hiện tại và trong tương lai. Các tổ chức nên được trao cho nhiều cơ hội hơn để có thể xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình, hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng như cứu trợ thiên tai, y tế và dinh dưỡng, giáo dục, bình đẳng giới, hòa nhập xã hội, bảo vệ an toàn, sinh kế và biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro, hướng tới cải thiện an sinh cho các cộng đồng và trẻ em dễ bị tổn thương nhất.
Để làm được điều này, các tổ chức phi chính phủ rất cần duy trì mối quan hệ hợp tác bền chặt, cởi mở, và hiệu quả với các đối tác chính phủ. Song song với đó là nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng các chương trình, hệ thống quản lý, cũng như khả năng sử dụng nguồn lực hiệu quả và minh bạch.
Đối với World Vision, chương trình nghị sự của chúng tôi luôn minh bạch và không đổi - chúng tôi đã, đang và sẽ luôn sát cánh cùng chính quyền và người dân để phục vụ các cộng đồng và trẻ em dễ bị tổn thương, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo nhất như thiên tai hay dịch bệnh. World Vision tin tưởng rằng mỗi chúng ta đều có thể góp sức để mang lại những đối thay tích cực, xây dựng tương lai tràn đầy hy vọng cho trẻ em dễ bị tổn thương không chỉ ở Việt Nam mà cả trên toàn thế giới.
World Vision Việt Nam cấp phát hàng cứu trợ dưới sự tài trợ của KOICA. |
Tại Việt Nam, trong hơn ba thập kỷ qua, World Vision đã phối hợp với chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng để thực hiện thành công nhiều chương trình cứu trợ, vận động chính sách và phát triển dài hạn trên 18 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, World Vision cũng đã mở rộng can thiệp ra ngoài địa bàn hoạt động của Tổ chức thông qua các gói hỗ trợ khẩn cấp cho người dân và nhân viên tuyến đầu ở các vùng tâm dịch, bao gồm tỉnh Điện Biên, tỉnh Bắc Ninh, Quận 12 (TP. Hồ Chí Minh), Thành phố Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), Quận 4 (TP. Hồ Chí Minh), tỉnh Cần Thơ và tỉnh Đồng Nai. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng giá trị các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam để ứng phó với đại địch COVID-19 của World Vision là gần 70 tỷ đồng (3.066.140 USD), với ước tính hơn 1.068.157 người hưởng lợi, trong đó có hơn 587.681 trẻ em dễ bị tổn thương.
Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, World Vision có hơn 7.300 nhân viên tại 18 quốc gia, phục vụ 10,3 triệu trẻ em, gia đình và cộng đồng. Cùng với gần 40.000 nhân viên World Vision khác trên toàn thế giới, chúng tôi tự hào được đồng hành cùng chính quyền và người dân địa trong nỗ lực bên bỉ để cải thiện an sinh cho cộng đồng, đặc biệt là trẻ em dễ bị tổn thương nhất.
World Vision là tổ chức cứu trợ và nhân đạo Cơ đốc với sứ mệnh cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, đặc biệt là trẻ em nghèo ở vùng sâu vùng xa. World Vision phục vụ tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, dân tộc hay giới. World Vision bắt đầu có mặt ở Việt Nam từ năm 1988. Từ đó đến nay, World Vision đã phối hợp với Chính phủ, người dân Việt Nam, cùng các tổ chức phi chính phủ quốc tế khác trong việc thực hiện các chương trình cứu trợ, phát triển và vận động chính sách ở các cộng đồng còn đang gặp nhiều khó khăn. Các chương trình phát triển dài hạn của World Vision đang được triển khai tại 37 huyện thuộc 18 tỉnh, thành phố trên cả nước. |