Số gia đình đa văn hóa có vợ là người Việt Nam chiếm tỉ lệ cao nhất tại Hàn Quốc
Cách làm kim chi hành lá chuẩn vị Hàn Quốc |
Những cô dâu Việt gìn giữ tiếng mẹ đẻ ở xứ Hàn |
Hàn Quốc hỗ trợ hơn 22 tỷ đồng giúp đỡ phụ nữ Việt Nam hồi hương, ổn định cuộc sống |
Các cô dâu ngoại quốc họ làm bánh dịp lễ Chuseok tại Chuncheon, tỉnh Gangwon. Ảnh:Yonhap News |
Theo số liệu của Cục thống kê quốc gia Hàn Quốc, số cặp vợ chồng đa văn hóa đăng ký kết hôn tại nước này trong năm 2018 là 23.773 cặp, tăng 8,5% so với năm 2017. Trong số đó, trường hợp vợ là người Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất.
Kết hôn đa văn hóa tại Hàn Quốc đã giảm 6 năm liên tiếp từ năm 2010, song có xu hướng tăng trở lại trong năm 2017.
Tổng số cặp kết hôn ở Hàn Quốc trong năm 2018 là 258.000, giảm 2,6% so với năm 2017. Trong đó, các cặp vợ chồng đa văn hóa chiếm 9,2%, tăng 0,9% so với năm trước đó.
Trong đó, trường hợp vợ là người nước ngoài chiếm tỷ lệ nhiều nhất là 67%, trường hợp chồng là người nước ngoài chiếm 19,6% và trường hợp có vợ hoặc chồng đã nhập tịch là 14,6%.
Xét theo quốc tịch, trường hợp vợ là người Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất là 30%. Tiếp sau đó là vợ người Trung Quốc (26,1%), Thái Lan (6,6%).
Số gia đình đa văn hóa có vợ là người Việt Nam lần đầu vượt qua Trung Quốc năm 2016, và ngày càng chênh lệch lớn hơn. Trường hợp có chồng là người Trung Quốc chiếm 9,4%, sau đó đến Mỹ (6,2%) và Việt Nam (2,5%).
Số vụ ly hôn gia đình đa văn hóa là 10.254 trường hợp, giảm 0,5% (53 vụ) so với một năm trước đó. Số trẻ sinh ra trong gia đình đa văn hóa năm 2018 là 18.079 em, giảm 2% so với năm 2017.
Tuy nhiên, số người tử vong thuộc gia đình đa văn hóa là 2.202 người, tăng 10% so với năm 2017.
Báo cáo năm 2018 của Ủy ban Nhân quyền quốc gia Hàn Quốc cho biết có 4/10 người ngoại quốc lấy chồng Hàn là nạn nhân của bạo hành trong gia đình. Trong vòng 10 năm trước khi báo cáo này được tổng kết, có chín trường hợp người vợ ngoại quốc bị giết hại tại Hàn Quốc với hung thủ đa phần chính là người chồng.
Luật mới ngăn chặn bạo hành gia đình
Nhằm giải quyết vấn nạn bạo hành trong gia đình, đặc biệt khi nạn nhân là người vợ ngoại quốc, tháng 10 vừa qua, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã chính thức cho ra luật mới mang tên One strike – out.
Theo đó, những đối tượng người Hàn khi đã có án tích về tội bạo hành gia đình thì không có khả năng bảo lãnh hay tái hôn với người nước ngoài. Luật sửa đổi lần này nhằm muốn bảo hộ nhân quyền cho các cô dâu di trú kết hôn và đồng thời muốn răn đe các anh chồng người Hàn để tránh và giảm thiểu tội bạo hành gia đình xảy ra.
Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã xác nhận thông tin trên và giải thích luật được kiến nghị thay đổi sau khi dư luận nước này bức xúc về đoạn video đăng tải hồi tháng 7 ghi lại cảnh một người chồng Hàn Quốc 36 tuổi bạo hành người vợ Việt Nam trước mặt đứa con nhỏ tuổi.
Những đối tượng có án tích sau đây sẽ không có khả năng kết hôn hay bảo lãnh người ngoại quốc: người đã bị ra quyết định mức án phạt tiền hoặc đang bị xử phạt tạm thời về tội bạo hành gia đình; người có mức án phạt tiền hay bị án tù về tội hiếp dâm người chưa đủ tuổi vị thành niên nhưng thời gian chưa quá 10 năm; người bị tuyên án tù giam về tội bạo lực gia đình và thời gian chưa quá 10 năm; người có án tích nghiêm trọng hoặc có tiền sử giết người trong bộ luật hình sự hoặc những đối tượng bị tuyên án tù giam trở lên nhưng thời gian chưa quá 10 năm; và người có án tích đã từng kết hôn giả và có mức án phạt tiền trở lên nhưng chưa quá 5 năm.
Bộ Tư pháp Hàn Quốc cũng sẽ cải tiến hệ thống điều tra trách nhiệm của các bên khi ly hôn. Trước kia, người chồng Hàn Quốc có ảnh hưởng lớn trong việc gia hạn visa và sau khi ly hôn, người vợ người nước ngoài phải nộp đơn ly hôn có nêu rõ lỗi của các bên đương sự, hồ sơ chứng minh năng lực kinh tế mới có thể tiếp tục được ở lại Hàn Quốc.
Nhưng theo luật mới, Bộ Tư pháp Hàn Quốc sẽ ưu tiên gia hạn visa trước cho người vợ người nước ngoài và tiến hành điều tra sau.
Những trường hợp nghi ngờ kết hôn giả mạo vẫn sẽ phải thẩm tra trước khi xét duyệt gia hạn visa. Nhưng nếu xác nhận được tính chân thực của cuộc hôn nhân thì người vợ nước ngoài sẽ được gia hạn 3 năm mỗi lần đăng ký.
Trường hợp lỗi ly hôn thuộc về phía người vợ nước ngoài thì người chồng có thể yêu cầu Cục quản lý xuất nhập cảnh phối hợp điều tra để bảo đảm quyền lợi cho người chồng./.