Siêu bão Mangkhut có thể ảnh hưởng trực tiếp đến 27 tỉnh thành, Quảng Ninh là trọng điểm
Cũng theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia trong những ngày tới, siêu bão Mangkhut vẫn giữ cường độ rất mạnh và khả năng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong các ngày 17 và 18/9. Hoàn lưu bão gây mưa rất to cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ ngày 17 đến 19/9.
Hiện nay trên thế giới đang có 9 cơn bão hoạt động, trong đó cơn bão Mangkhut là mạnh nhất. Với cấp gió hiện tại, bão Mangkhut đạt cấp 5 (Cấp lớn nhất trong thang bảng quốc tế), mạnh hơn cơn bão Harvy đã đổ bộ vào Mỹ năm 2017 (cấp 4).
Hình ảnh vệ tinh của siêu bão Mangkhut. Ảnh: Windy.
Siêu bão Mangkhut với cường độ cấp 17 đang hoạt động ở vùng biển phía Đông Philippin và bắt đầu ảnh hưởng đến Ludong; dự báo sẽ đi vào Đông Bắc biển Đông trong sáng ngày 15/9 với sức gió cấp 14-15 giật cấp 17, có khả năng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta vào ngày 17/9. Những điểm đáng lưu ý về ảnh hưởng của cơn bão này gây ra là sóng mạnh, gió lớn trên vịnh Bắc bộ sẽ bắt đầu từ sáng sớm ngày 16 đến sáng sớm ngày 17/9. Vùng bị ảnh hưởng trực tiếp là khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa. Cường độ bão rất mạnh (cấp 11-12 giật cấp 14) và gây mưa lớn cho Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.
Bão gây sóng lớn cao 14m ở khu vực Bắc Biển Đông, cao 4m ở quần đảo Hoàng Sa, giữa biển Đông; tổ hợp nước biển dâng và song ở khu vực ven bờ cao từ 4-5m. Thậm chí rìa Nam của bão sẽ còn ảnh hưởng đến các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Từ các tính toán của Tổng cục về sóng gió và thủy triều, nước dâng do bão..., cơn bão đổ bộ vào trưa 17/9 cũng là lúc thủy triều lên cao nhất nên sẽ gây ra nước dâng do bão, sóng sẽ cao từ 4-6m. Đê biển của toàn bộ các vùng từ Móng Cái đến Nghệ An sẽ ảnh hưởng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá về mức độ, tác động của siêu bão Mangkhut tới Việt Nam.
Đại diện ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, cho biết, "Trong những ngày gần đây, hướng, cường độ, hoàn lưu bão khá ổn định, gần như không thay đổi. Dự báo của các cơ quan dự báo các nước đều thống nhất. Đây là đặc điểm rất đáng chú ý".
Với những diễn biến này, vùng bị ảnh hưởng trực tiếp là 27 tỉnh, thành phố từ khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hoá. Trong đó, Quảng Ninh được xác định là trọng điểm.
Trước diễn biến phức tạp của siêu bão Mangkhut và áp thấp nhiệt đới trên đất liền (suy yếu từ bão số 5), Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các Bộ, ngành, các tỉnh thành phố khẩn trương tập trung một số nội dung để sẵn sàng ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do siêu bão Mangkhut gây ra.
Ông Nguyễn Xuân Cường (Bộ trưởng bộ NN&PTNT) phát biểu tại hội nghị trực tuyến chiều 14/9 nhấn mạnh về công tác đảm bảo an toàn trước ảnh hưởng do bão. Kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú, hướng dẫn tổ chức sắp xếp tàu thuyền neo đậu để đảm bảo an toàn. Tùy theo tình hình cụ thể của địa phương, thực hiện cấm biển, kể cả các tàu vận tải và du lịch xong trước 10h ngày 16/9/2018. Chỉ đạo gia cố, đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy sản, tập trung thu hoạch sớm các khu nuôi trồng thủy sản. Tổ chức sơ tán người dân tại các khu vực ảnh hưởng do bão. Việc sơ tán dân hoàn thành trước 17h ngày 16/9.
Ngoài ra, đối với khu vực đồng bằng và đô thị cũng đã có những phương án sẵn sàng sơ tán người dân tại vùng trũng, ven sông, ven biển, tập trung thu hoạch hoa màu, gia cố nhà cửa công trình công cộng, chặt tỉa cành cây, cấm giao thông trên các vị trí trọng điểm và gia cố đê điều… Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng tổ chức thường trực theo dõi diễn biến của bão, mưa lũ để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các ban bộ ngành liên quan và địa phương kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó.
Phương Thảo