Sàn giao dịch carbon: "Chìa khóa" giúp các nước hướng tới Net Zero
Ngày 26/9/2023, Indonesia đã khai trương sàn giao dịch carbon đầu tiên trong nỗ lực hạn chế tác động đến khí hậu của ngành điện phần lớn sử dụng than của nước này. Đây là một phần trong mục tiêu giảm lượng khí thải carbon và đạt mức 0 vào năm 2060.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh, đây là đóng góp thực sự của Indonesia cùng thế giới chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, đồng thời cho rằng sàn giao dịch carbon sẽ giúp nước này đạt được các cam kết khí hậu đã được thống nhất theo Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu nhằm ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng quá 1,5°C.
Sàn giao dịch carbon đầu tiên của Indonesia. (Ảnh: CarbonCredits.com) |
Indonesia có tiềm năng to lớn trong nỗ lực giảm carbon, đặc biệt là các giải pháp dựa vào tự nhiên. Sàn giao dịch carbon này có thể tạo ra một nền kinh tế bền vững mới, ước tính đạt trị giá tiềm năng ít nhất 3 triệu tỷ Rupiah (194 tỷ USD).
Theo Sở Giao dịch chứng khoán Indonesia, có ít nhất 13 giao dịch đã được tiến hành vào đầu phiên giao dịch với hơn 459.000 tấn carbon được trao đổi.
Được biết, Indonesia là một trong những nước phát thải carbon hàng đầu thế giới và cũng là nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới. Nước này đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060 với định hướng thay thế sản xuất điện than bằng năng lượng tái tạo.
Các nước khác cũng đã chạy đua ra mắt các sàn giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện trong những năm gần đây. Thị trường thương mại phát thải quốc tế đầu tiên là của Liên minh châu Âu (EU), vận hành từ năm 2005. Đây là công cụ chính sách quan trọng bậc nhất của EU nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, thực thi cam kết trong Nghị định thư Kyoto trước đây và sau này là Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Thị trường này chiếm khoảng 45% tổng lượng phát thải toàn châu Âu và khoảng 3/4 thị trường phát thải carbon toàn cầu.
Sàn giao dịch carbon Quảng Châu Trung Quốc ký kết thỏa thuận hợp tác với đối tác. (Ảnh: Lusetanhui) |
Trung Quốc đã bắt đầu đề cập xây dựng thị trường carbon trong Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2015 và sau đó đã tiến hành thí điểm diện rộng tại các khu vực, thành phố với các mức độ kinh tế đa dạng khác nhau. Ngày 16/7/2021, thị trường giao dịch trao đổi carbon Trung Quốc đã chính thức vận hành nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon năm 2060.
Thị trường giao dịch quyền phát thải carbon của Trung Quốc đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, được đánh giá là công cụ hữu hiệu để nước này hiện thực hóa “2 mục tiêu carbon” hướng tới phát triển xanh, bền vững. Tính đến cuối năm 2022, tổng giá trị giao dịch thành công trên thị trường carbon toàn Trung Quốc vượt con số 10 tỷ nhân dân tệ, với tổng hạn ngạch phát thải tương đương 223 triệu tấn. Tính đến ngày 14/7/2023, tổng giá trị giao dịch thành công lũy kế đạt 11,03 tỷ nhân dân tệ, với tổng hạn ngạch phát thải tương đương khoảng 240 triệu tấn.
Sản phẩm duy nhất có thể giao dịch tại thị trường carbon toàn quốc là hạn ngạch phát thải carbon. Trong giai đoạn ban đầu, các giao dịch giao ngay hạn ngạch được tiến hành giữa các đơn vị phát thải trọng điểm trong ngành sản xuất điện, các tổ chức và cá nhân tạm thời chưa được phép tham gia.
Đại diện Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc cho biết, sau khi thị trường carbon ngành sản xuất điện vận hành ổn định, sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi ngành nghề. Qua đó phát huy vai trò quan trọng của cơ chế thị trường trong kiểm soát phát thải khí nhà kính, thúc đẩy đổi mới công nghệ xanh, carbon thấp, thu hút đầu tư cho lĩnh vực khí hậu… Theo quy hoạch đến năm 2025, 8 ngành nghề lớn là điện lực, vật liệu xây dựng, gang thép, kim loại màu, lọc hóa dầu, hóa chất, giấy và hàng không sẽ dần được đưa vào thị trường carbon ngay sau khi đủ điều kiện.
Theo ông Liu Jie – Tổng Giám đốc Sàn giao dịch năng lượng môi trường Thượng Hải, với việc các doanh nghiệp có lượng phát thải lớn trong các ngành trọng điểm, tiến tới tất cả các ngành nghề tham gia thị trường carbon toàn quốc, dự kiến tổng lượng hạn ngạch phát thải ở Trung Quốc có thể đạt tới 6,5 đến 7 tỷ tấn, chiếm khoảng 60% tổng lượng phát thải trên phạm vi cả nước, số lượng doanh nghiệp tham gia lên tới hơn 8.000. Điều này mở ra triển vọng lượng giao dịch sẽ tiếp tục mở rộng, giá cả ổn định và tăng dần trong thời gian tới.
Mitsubishi Electric Asia hợp tác với Evercomm, Singapore để hướng tới sản xuất ít carbon hơn Mitsubishi Electric Asia (Mitsubishi Electric châu Á) đã công bố mối quan hệ hợp tác dựa trên Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) với Evercomm, Singapore. Sự hợp tác này được tạo ra để vượt qua các rào cản trong việc áp dụng các sáng kiến sản xuất thông minh trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương với công nghệ mới nổi hướng tới sản xuất ít carbon. |
Thành phố carbon thấp – Tương lai của các đô thị Việt Nam Phát triển đô thị carbon thấp là một biện pháp quan trọng để ngăn chặn lượng khí thải carbon dioxide. Các nước trên thế giới đã đạt đến một sự đồng thuận về vấn đề này. Việt Nam không ngoại lệ, là một nước đang phát triển và đang vận dụng mô hình công nghiệp truyền thống thải carbon cao. |