Sắc màu đất nước hoa Chăm Pa giữa lòng Hà Nội
Văn hóa xứ sở Triệu Voi
Ngày 14/12, Nhà hát Lớn Hà Nội đã kín chỗ ngồi từ sớm. Đông đảo sinh viên Việt Nam, du học sinh Lào đang học tập tại Trường Cao đẳng du lịch Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đến đây tham dự lễ khai mạc Tuần Văn hoá Lào tại Việt Nam năm 2023. Cộng đồng kiều bào người Lào ở Việt Nam nghe tin đoàn nghệ thuật Lào sang biểu diễn cũng háo hức đến Nhà hát, đón chờ chương trình mang đậm âm sắc quê hương.
Tiết mục nghệ thuật của các nghệ sĩ Lào. (Ảnh: icd.gov.vn) |
Những tiết mục múa, xiếc, hát như: Nước Lào tươi đẹp, Ngam kip Champa, múa Boun Kare... đem đến cho công chúng những phút giây vừa thưởng thức nghệ thuật vừa khám phá bản sắc văn hóa của xứ sở Triệu Voi. Cùng với đó là những tiết mục nghệ thuật ca ngợi vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam như: Hà Nội niềm tin và hy vọng, Sợi nhớ sợi thương… Chương trình còn có các tiết mục biểu diễn âm nhạc, các điệu múa ca ngợi truyền thống đoàn kết hữu nghị đặc biệt và nồng thắm giữa hai nước Việt Nam - Lào.
Theo bà Suansavanh Viyaketh, Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, sự kiện Tuần Văn hóa Lào tại Việt Nam lần này được tổ chức nhằm triển khai Kế hoạch hợp tác văn hóa và du lịch giai đoạn 2021-2025 giữa Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam. Sự kiện cũng nhằm chào mừng các ngày lễ lớn của Lào, trong đó có kỷ niệm 48 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và kỷ niệm 103 năm ngày sinh Chủ tịch Kaysone Phomvihane.
Thứ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, ông Tạ Quang Đông cho biết: Thông qua chương trình nghệ thuật ca, múa, nhạc truyền thống do các nghệ sỹ Lào biểu diễn, khán giả Việt Nam và Lào cùng bạn bè quốc tế có cơ hội hiểu rõ hơn về nền văn hóa Lào. Đây cũng là cơ hội để chúng ta cùng ôn lại truyền thống hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, cùng hướng đến tương lai hợp tác ngày càng bền chặt và hiệu quả hơn”.
Năm nay, ngoài chương trình biểu diễn tại Thủ đô Hà Nội, đoàn nghệ thuật Lào còn có chương trình biểu diễn phục vụ công chúng Việt Nam tại tỉnh Ninh Bình.
Cầu nối tình hữu nghị Việt - Lào
Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa Lào tại Việt Nam năm 2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Hùng đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Suansavanh Viyaketh.
Hai Bộ trưởng đánh giá: thời gian qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào đã triển khai hiệu quả Kế hoạch hợp tác văn hóa nghệ thuật và du lịch giai đoạn 2021-2025.
Các tiết mục nhận được sự cổ vũ của đông đảo khán giả. (Ảnh: icd.gov.vn) |
Bốn điểm nhấn mà hai bên đã đạt được là: lan toả sức mạnh mềm văn hoá mỗi quốc gia, bồi đắp quan hệ đối ngoại hai nước. Hai bên duy trì tổ chức Tuần Văn hoá luân phiên tại mỗi nước, tạo thành cầu nối tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Bên cạnh đó, hai bên đã cùng nghiên cứu, tìm hiểu và giúp đỡ nhau, đề xuất cấp có thẩm quyền công nhận các di tích và di sản, trong đó có hồ sơ đề cử lên UNESCO ghi danh Vườn quốc gia Hin Nam No tỉnh Khăm Muộn, Lào trở thành Di sản thế giới liên quốc gia với Di sản thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình, của Việt Nam.
Trong lĩnh vực du lịch, hai bên đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để đưa khách Việt Nam sang Lào và khách Lào sang Việt Nam. Việt Nam tiếp tục đứng thứ hai trong các nước gửi khách đến Lào với 608.678 lượt khách. Thông qua phát triển du lịch giúp cho người dân hai nước hiểu hơn về văn hoá, lịch sử, tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc.
Tại Hội đàm, Hai Bộ trưởng cùng đề ra phương hướng hợp tác trong thời gian tới, trong đó tập trung triển khai hiệu quả Kế hoạch hợp tác văn hóa, nghệ thuật và du lịch Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2025. Dự kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức Tuần Văn hóa Việt Nam tại Lào vào quý I/2024.
Hai bên phối hợp với các địa phương có chung đường biên giới với Lào tổ chức các hoạt động như: Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt - Lào, tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số giữa hai nước giao lưu, góp phần đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn biên giới.
Về hợp tác du lịch, hai bên xác định phát triển du lịch là mục tiêu trọng điểm. Việt Nam ủng hộ và đánh giá cao Năm Du lịch Lào 2024 với Chủ đề “Du lịch an toàn, tận hưởng văn hóa, thiên nhiên và lịch sử”. Hai bên tăng cường triển khai những biện pháp phục hồi du lịch; xây dựng các chiến dịch quảng bá, kết nối các khu di sản thế giới của Việt Nam và Lào; nghiên cứu mở rộng đường bay tới các điểm du lịch mới hấp dẫn của hai nước. Tiếp tục ủng hộ nhau tại các diễn đàn đa phương, cùng phối hợp triển khai Kế hoạch phát triển du lịch khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam 2020 - 2025 và định hướng đến 2030, dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng, giai đoạn 2”, chương trình “Một hành trình, ba điểm đến”.
Cử đội ngũ chuyên gia Việt Nam sang hỗ trợ đào tạo cho cán bộ phía Lào. Phía Việt Nam nhất trí ủng hộ và đề nghị Lào lên danh sách nội dung các lĩnh vực cần đào tạo và gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu hỗ trợ.