Rượu, bia có thể chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt lên tới 100%
Ảnh minh họa |
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Theo dự kiến, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 5/2025.
Theo dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế với tất cả đồ uống có cồn, thực phẩm lên men từ trái cây, ngũ cốc, đồ uống pha chế từ cồn thực phẩm. Đặc biệt, nước ngọt cũng sẽ thuộc đối tượng chịu thuế này.
Hiện mức thuế với rượu dưới 20 độ là 35%, rượu trên 20 độ và bia là 65%, mức thuế này áp dụng với cả các loại đồ uống có cồn thực phẩm khác được lên men từ trái cây, ngũ cốc; đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm.
Tại dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia, rượu theo lộ trình từ năm 2026 đến năm 2030 với mức thuế cao nhất có thể lên tới 100%.
Cụ thể, đối với mặt hàng bia, phương án 1, Bộ Tài chính đề xuất tăng từ mức 65% của năm 2025 lên 70% năm 2026 và liên tiếp tăng thêm 5% mỗi năm lần lượt là 75%, 80%, 85%, 90% với các năm 2027, 2028, 2029 và 2030.
Phương án 2, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bia từ 65% năm 2025 lên thẳng 80% năm 2026, sau đó tiếp tục tăng 5% mỗi năm lên mức cao nhất là 100% vào năm 2030.
Tương tự, mặt hàng rượu trên 20 độ cũng được đề xuất hai phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt giống với mặt hàng bia.
Với rượu dưới 20 độ, Bộ Tài chính đề xuất phương án 1 tăng từ mức thuế 35% hiện hành lên 40% năm 2026 và mỗi năm tăng 5% đến 60% năm 2030. Phương án 2 tăng từ mức 35% hiện hành lên 50% năm 2026, mỗi năm tăng thêm 5% và lên đến 70% vào năm 2030.
Với cả hai đề xuất, Bộ Tài chính đều nghiêng về phương án 2.
Lý giải về đề xuất này Bộ Tài chính cho biết trước ngày 1/1/2010, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia được phân biệt theo loại bia: Bia chai, bia lon áp dụng các mức thuế suất 75% đối với bia chai; bia tươi, bia hơi áp dụng 30% trong năm 2006, 2007 và 40% từ năm 2008.
Để thực hiện yêu cầu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quốc hội đã thông qua Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 quy định áp dụng thống nhất một mức thuế suất đối với tất cả loại bia là 45% từ ngày 1/1/2010 đến 31/12/2012 và 50% từ ngày 1/1/2013 và đến năm 2014 tiếp tục tăng theo lộ trình lên mức hiện hành là 35% đối với rượu dưới 20 độ và 65% với bia, rượu trên 20 độ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính giá thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu, bia, ô tô, còn thấp chưa đủ tác dụng để hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội.
Đồng thời, chưa thực hiện được một số mục tiêu đề ra của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt nêu tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 là nghiên cứu áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp đối với mặt hàng có hại cho sức khỏe và môi trường.
Do đó, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất lộ trình tăng thuế với các mặt hàng bia, rượu trong dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Sau khi tăng thuế, giá bán năm 2026 sẽ tăng 10% (theo phương án 1) và 20% (theo phương án 2) so với năm 2025, và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.
Theo Bộ Tài chính, lạm dụng rượu, bia có thể gây nhiều tác hại đến sức khỏe, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn giao thông. Việc áp thuế suất cao là cần thiết để nâng cao nhận thức và hành động về tác hại của việc sử dụng quá nhiều rượu, bia. Mục tiêu là giảm tiêu thụ và hạn chế lạm dụng các sản phẩm này.
Trước đó, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) và một số doanh nghiệp đã bày tỏ kiến nghị Chính phủ chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo đề xuất của Bộ Tài chính. Theo các doanh nghiệp, dịch COVID-19 và việc áp dụng Nghị định 100 đã khiến doanh thu ngành bia, rượu sụt giảm nặng nề. Năm 2023, doanh thu ngành bia giảm 11% và lợi nhuận sụt 23%.
Các doanh nghiệp cho rằng, việc tăng thuế dẫn tới điều chỉnh giá bán chưa phải là công cụ hiệu quả giúp thay đổi thói quen tiêu dùng. Thay vào đó, Chính phủ cần có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tạo ra các sản phẩm phù hợp, mang lại lợi ích cho người dùng, nền kinh tế.