Rưng rưng những câu thơ về biển đảo, biên cương
Tiếng lòng thường trực của người Việt
Liên khúc do các nhà thơ: Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến, Anh Ngọc, Nguyễn Hữu Quý trình bày.
Với chủ đề chính "Đất nước – Cánh buồm xuân", các nhà thơ mang đến cho công chúng yêu thơ những tác phẩm đầy hào khí mà trữ tình, thấm đượm tình yêu biên cương, biển đảo Tổ quốc. Đây là nội dung được chào đón và nhận được sự cổ vũ nhiệt liệt của các khán giả yêu thơ. Các nhà thơ và khán giả cùng nhau ôn lại những trang sử vẻ vang chống ngoại xâm của dân tộc, hướng về biển đảo và biên cương Tổ quốc, nơi các chiến sĩ và đồng bào đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền đất nước.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa thể hiện bản giao hưởng thơ Biên cương
Nhà thơ Trần Đăng Khoa mở đầu bằng bản giao hưởng thơ Biên cương với 3 bài thơ: “Đỉnh núi”, “Tây Bắc” và “Lính thời bình”. Người lính trong thơ Trần Đăng Khoa hiện lên sinh động và rất lãng mạn. Trước khi ra trận, họ vẫn thấy “Vầng trăng đêm nay cứ vằng vặc ngang đầu”. Khi làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới:
“Lán buộc vào hoàng hôn Ráng vàng cùng đến ở Bao nhiêu là núi non Ríu rít ngoài cửa sổ” (Đỉnh núi) |
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đầy hào sảng khi ngâm sáng tác ghi dấu ấn của mình – “Tổ quốc nhìn từ biển”:
“Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển Có những phần máu thịt ở Hoàng Sa Ngàn năm trước con theo cha xuống biển Mẹ lên rừng vương nhớ mãi Trường Sa ... Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa Trong hồn người có ngọn sóng nào không?”... |
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến chia sẻ với khán giả bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển"
Bên cạnh đó, nhà thơ Anh Ngọc thể hiện những xúc cảm đặc biệt của mình về biển đảo quê hương qua sáng tác “Hai tiếng Trường Sa”. Thi sĩ bày tỏ, dù chưa một lần được đến Trường Sa, Hoàng Sa nhưng qua lời kể của các bạn mình là nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý… những xúc cảm về biên cương Tổ quốc đong đầy trong ông.
Với nhà thơ Anh Ngọc, cảm xúc về biển đảo luôn thường trực dù ông chưa một lần được đến Hoàng Sa – Trường Sa
“Hai tiếng Trường Sa” được ông viết và ra mắt từ năm 1988. Nhà thơ chia sẻ: “Nếu như từ trường ca “Điệp khúc vô danh” viết năm 1983 tôi đã dành một đoạn khá dài để viết về chủ đề biển đảo thì cái niên hiệu 1988 in dưới “Hai tiếng Trường Sa” cũng có thể giúp tôi nói tiếp cái ý: những suy tư và cảm xúc về biển và đảo, về Trường Sa và Hoàng Sa… đã luôn là đề tài thường trực của các nhà thơ, nhà văn Việt Nam. Và đó cũng chẳng gì khác hơn là tiếng lòng thường trực của người Việt Nam ta, đâu chỉ đợi đến những ngày Biển Đông nóng bỏng thì nó mới phát lộ ra”:
“Nói bao điều trong hai tiếng Trường Sa Mênh mông biển và ầm ào gió cát Tên Tổ Quốc bập bồng cùng sóng nước Mặt trời treo trên cột mốc chủ quyền”. |
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) đọc trích đoạn trường ca “Hạ thủy những giấc mơ” – giải B Giải thưởng Bộ Quốc phòng về Văn học Nghệ thuật Báo chí 2009 – 2014. Khúc thứ 9 của trường ca có đoạn:
“Tuần trăng mật Trường Sa Tại sao không, em nhỉ Ta đón tia nắng đầu tiên bên gốc phong ba Chiều thong thả ngắm đàn bò đủng đỉnh Gặm hoàng hôn mặn mòi Ngắm đàn chim bồ câu lượn vòng lên xuống Như những nốt nhạc đang bay Ngõ nhà ai thánh thót tiếng đàn bầu Anh đưa em vào chùa lạy Phật”. |
Nhà thơ chia sẻ: “Tôi không liệt kê những sự kiện đã xảy ra trên biển đảo của mình mà muốn nói văn hóa Việt truyền thống ẩn tàng trong vùng biển đảo Tổ quốc ta. Thể hiện được, giữ được, phát triển được văn hóa Việt Nam trên vùng biển đảo đấy là sự khẳng định chủ quyền vững chắc nhất”.
Sự tiếp nối của lớp trẻ
Tham gia sân thơ Trẻ năm nay, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng mang đến 3 sáng tác về chủ đề biển đảo: “Ra khơi”, “Chuông ngoài đảo” và “Đảo có linh hồn”. Đó đều là những tác phẩm được viết trong chuyến đi thực tế sáng tác tại đảo Trường Sa vào mùa hè năm 2014. Sau chuyến đi đó, Nguyễn Quang Hưng sáng tác được một chùm thơ và một trường ca về biển đảo.
“Tôi nghĩ chuyến đi đó là trải nghiệm thú vị đối với tôi với cương vị là một người viết trẻ và cũng là lần đầu tiên đến với biển đảo, đến với hải quân. Chủ đề biển đảo vốn quen thuộc với các nhà thơ nhưng chúng tôi chọn cách thể hiện hài hòa tình yêu của mỗi cá nhân với tình yêu chung đất nước, của những người chiến sĩ khi họ đứng ở tuyến đầu của đất nước”.
Bạn đọc trẻ đến với Ngày thơ Việt Nam 2016
Đặc biệt, ngay trước khi Ngày thơ diễn ra, ban tổ chức nhận được email của chiến sĩ Phạm Tài Bá hiện đang làm nhiệm vụ tại đảo Sơn Ca, quần đảo Trường Sa chia sẻ nhiều bài thơ mà anh và các đồng đội sáng tác cho báo tường. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, những vần thơ của các anh chất chứa nhớ thương về mẹ, về quê hương. Cũng không thiếu những câu thơ nói lên ý chí quật cường của các anh trước bao gian khó, hiểm nguy.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý cho biết: “Đó là những bài thơ viết về mẹ, về hội Lim, về hoa xoan, về đồng đội ở Trường Sa… hết sức xúc động. Lính mình viết mộc mạc, hồn nhiên thôi nhưng ẩn chứa trong đó tình yêu quê hương đất nước không bao giờ phai mờ. Với tình yêu đó, chắc chắn các chiến sĩ ta hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.
Tham gia Ngày thơ Việt Nam, em Nguyễn Thanh Thủy, học sinh trường THCS Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội bày tỏ: “Khi nghe các nhà thơ trình diễn những sáng tác về biển đảo, em thêm hiểu về cuộc sống của người chiến sĩ ở đảo xa. Thấu hiểu và biết ơn những hy sinh của người lính, thế hệ trẻ chúng em sẽ có thêm động lực để học tập và rèn luyện bản thân”.
Mạnh Phúc