Ra mắt bản đồ sản phẩm du lịch vùng duyên hải miền Trung
Một trang Bản đồ du lịch do Dự án EU- ESRT công bố. (Ảnh: N.L)
Dự án do các chuyên gia trong nước và quốc tế của Dự án xây dựng.
Báo cáo kỹ thuật về phát triển sản phẩm du lịch Khu vực Duyên hải miền Trung đã được chuyên gia Dự án EU-ESRT hoàn thiện, nhằm tăng cường công tác quản lý điểm đến và marketing sản phẩm du lịch ở cấp độ khu vực cho ba tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng. Báo cáo đưa ra những phân tích bối cảnh sát với tình hình thực tế của ngành Du lịch tại khu vực, trên cơ sở đó, xác định và đánh giá các sản phẩm du lịch ưu tiên để kết nối và phát triển trong cấp độ cả vùng.
Ba cụm sản phẩm du lịch chính đã được xác định gồm cụm phía Bắc (các sản phẩm du lịch ưu tiên ở khu vực trung tâm/phía bắc tỉnh Thừa Thiên Huế dọc theo bờ biển), cụm phía Nam ven biển miền Trung (các sản phẩm du lịch ưu tiên nằm dọc theo bờ biển phía Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và phía Bắc tỉnh Quảng Nam) và cụm Nội địa (các sản phẩm du lịch ưu tiên nằm trong khu vực đất liền của cả ba tỉnh).
Báo cáo cũng đã vạch ra ba chiến lược chính nhằm kết nối các sản phẩm du lịch ưu tiên gồm "Con đường Di sản" liên kết các sản phẩm văn hóa của khu vực với nhau; Trung tâm du lịch “Thiên đường biển” tập trung phát triển và quảng bá các sản phẩm biển đảo và "Con đường sinh thái" với các sản phẩm du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái mới nổi.
Trong phần kết thúc, các chuyên gia của Dự án EU-ESRT phân tích thực trạng và những thiếu hụt cần bổ sung nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch theo vùng. Báo cáo nêu rõ: Những bãi biển, khu vực đường thủy ven biển và đường thủy nội địa ở trung tâm du lịch Duyên hải miền Trung là những trải nghiệm du lịch quan trọng và cũng là điểm tham quan chính đối với phần lớn du khách.
Do vậy, vấn đề quản lý một cách thận trọng các sản phẩm du lịch này đóng vai trò then chốt để đưa nơi đây trở thành một điểm đến du lịch được mong đợi. Các khu vực ven biển và đường thủy nội địa được ưu tiên phải kể đến các bãi biển như Lăng Cô, Mỹ Khê & Phạm Văn Đồng, Cửa Đại và An Bàng, Cù Lao Chàm, và sông Hàn ở Đà Nẵng.
Dự án EU- ESRT sẽ tiếp tục phổ biến các báo cáo kỹ thuật về xây dựng bản đồ phát triển sản phẩm du lịch tại các vùng ưu tiên hỗ trợ của Dự án gồm khu vực 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và khu vực 3 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Khách du lịch tăng ấn tượng Số liệu thống kê chính thức từ Tổng cục Thống kê cho thấy: Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 11-2015 tăng 12,9% so với tháng 10-2015 và tăng 20,4% so với cùng kỳ 2014, đạt 732.740 lượt khách. Tính đến thời điểm này, ước tính tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt hơn 7 triệu lượt khách, vẫn giảm 2% so với cùng kỳ 2014. Trong tháng 11-2015, có 15 thị trường khách tăng. Trong đó khách từ thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) tăng mạnh nhất 35,5%; tiếp đến là Hàn Quốc tăng 30,5%; Singapore tăng 16,5%; Đài Loan (Trung Quốc) tăng 12%; Mỹ tăng 9,7%; Italy tăng 9,3%; Phần Lan tăng 8,9%; Hà Lan tăng 6,8%, Malaysia tăng 4,7%... Khách quốc tế đến từ 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha) thuộc diện miễn visa cũng tăng đáng kể, trong đó khách Tây Ban Nha tăng mạnh nhất, lên tới 10,7%; Đức tăng 4,5% và Anh tăng 3,9%... Tuy nhiên có một số thị trường khách lại giảm, mạnh nhất là Campuchia giảm 43,7%; Lào giảm 18,4%; tiếp đến là Thái Lan giảm 17,9%...so với cùng kỳ năm 2014. Ước tính khách du lịch nội địa trong 11 tháng năm 2015 đạt 53,8 triệu lượt khách, trong đó, khách lưu trú đạt 26,6 triệu lượt. |
Theo CADN Online