Quốc hội Mỹ lần đầu bác bỏ quyền phủ quyết của Tổng thống Obama
Dự luật mang tên "Công lý chống lại hoạt động tài trợ khủng bố" (JASTA) được thông qua với số phiếu ủng hộ áp đảo: 97 phiếu thuận - 1 phiếu chống tại Thượng viện, 348 phiếu thuận - 77 phiếu chống tại Hạ viện.
Dự luật đã sửa đổi một đạo luật được thông qua năm 1976, tạo điều kiện cho người thân các nạn nhân trong vụ khủng bố 11/9 được kiện Chính phủ Ả Rập Saudi - quốc gia bị nghi ngờ là đứng sau vụ khủng bố.
Chính quyền của ông Obama mạnh mẽ phản đối dự luật này, Tổng thống Obama lập luận rằng dự luật có thể sẽ khiến binh sĩ, quan chức và nhiều công ty Mỹ vướng vào các vụ kiện tiềm năng ở nước ngoài.
Trả lời trên truyền hình CNN, ông Obama cho rằng các nhà lập pháp đã đưa ra quyết định "sai lầm", đồng thời bày tỏ lo ngại dự luật sẽ làm suy yếu mối quan hệ Mỹ - Ả Rập Saudi.
Người ủng hộ giơ cao di ảnh của những nạn nhân trong vụ khủng bố 11/9/2001. (Ảnh: Getty Images)
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố: cuộc bỏ phiếu hôm 28/9 là "điều đáng xấu hổ nhất mà Thượng viện Hoa Kỳ đã thực hiện" trong nhiều thập kỷ qua.
Ngược lại, những người ủng hộ dự luật cho rằng nó sẽ chỉ được áp dụng đối với các hành vi khủng bố xảy ra trên đất Mỹ. "Cho đến nay, Nhà Trắng và các cơ quan cấp dưới quan tâm nhiều hơn tới ngoại giao. Chúng tôi tập trung vào gia đình và công lý" - Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Chuck Schumer phát biểu.
Được biết, ông Obama đã 12 lần dùng tới quyền phủ quyết trong 2 nhiệm kỳ tổng thống của mình, nhưng đây là lần đầu tiên đặc quyền này bị Quốc hội Mỹ bác bỏ.
Theo kết quả điều tra, 15/19 tên không tặc tiến hành vụ 11/9 là công dân Ả Rập Saudi. Tuy vậy, Riyadh - một đồng minh chủ chốt của Washington - phủ nhận mọi cáo buộc đứng sau vụ khủng bố khiến gần 3.000 người thiệt mạng.
Hiện, chưa có mối liên hệ nào được xác minh để có thể khẳng định rằng các quan chức Ả Rập Saudi hỗ trợ tài chính cho các nghi phạm trong vụ 11/9.
Trọng Sang