Quảng Nam hỗ trợ hơn 1.458 tấn gạo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở huyện Đông Giang
Dự án trợ cấp này góp phần bảo đảm đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số và hộ gia đình người kinh nghèo tham gia bảo vệ và phát triển rừng theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn huyện Đông Giang; nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.
Đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tuần tra lâm phận rừng nhận giao khoán bảo vệ - (Ảnh: H.V/baoquangnam.vn). |
Cụ thể, Hỗ trợ gạo trên địa bàn các xã, thị trấn: A Ting, Jơ Ngây, Sông Kôn, Tà Lu, Za Hung, Arooi, Mà Cooih, Kà Dăng, Prao, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam (các xã thuộc khu vực II, III theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ).
Đối tượng được nhận trợ cấp gạo là hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người kinh nghèo, có tham gia các hoạt động: khoán bảo vệ rừng; trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ; trồng rừng phòng hộ thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn huyện Đông Giang.
Tổng khối lượng gạo dự kiến hỗ trợ để thực hiện các hạng mục: khoán bảo vệ rừng; trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ; 4 trồng rừng phòng hộ thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 3, chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN giai đoạn 2024 - 2025 trên địa bàn huyện Đông Giang là hơn 1.458 tấn.
Trong đó, năm 2024: 551,4 tấn gạo, tương ứng với hơn 8,2 tỷ đồng, năm 2025: 906,66 tấn gạo, tương ứng với gần 13,6 tỷ đồng, (Khoán bảo vệ rừng: 93,12 tấn; trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ: 1.307,34 tấn; trồng rừng phòng hộ: 57,6 tấn), tương ứng với tổng kinh phí hỗ trợ gần 22 tỷ đồng.
Ngày 9/9/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2015/NĐ-CP về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Theo Nghị định 75, hộ gia đình nghèo tham gia trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ thì được trợ cấp 15kg gạo/khẩu/tháng hoặc bằng tiền tương ứng với giá trị 15kg gạo/khẩu/tháng tại thời điểm trợ cấp trong thời gian chưa tự túc được lương thực, tối đa không quá 7 năm... Có thể nói, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn là nơi chủ yếu đồng bào DTTS sinh sống, nơi có địa hình phức tạp, không thuận lợi cho canh tác nông nghiệp, năng suất lao động thấp. Vì vậy, kinh tế của đồng bào còn khó khăn, đa số là hộ nghèo, hộ cận nghèo, tình trạng thiếu lương thực xảy ra quanh năm. Việc hỗ trợ gạo phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc rừng là một chính sách hợp lòng dân, thực sự đi sâu giải quyết lợi ích của nhân dân, đặc biệt là đồng bào nghèo người dân tộc thiểu số ở khu vực nông thôn miền núi, qua đó góp phần quan trọng trong bảo vệ và phát triển rừng, phù hợp với xu thế về chống biến đổi khí hậu thông qua giảm phát thải do suy thoái và mất rừng. |