Quảng Bình: đồng hành và giúp đỡ những nạn nhân bom mìn
Quảng Bình là một trong những tỉnh bị ô nhiễm bom mìn nặng nề nhất trong cả nước. 100% xã phường, thị trấn đều bị ô nhiễm bom mìn với tổng diện tích hơn 225.000 hecta (chiếm 30% diện tích đất trên địa bàn). Toàn tỉnh có trên 45.000 người khuyết tật, trong đó nạn nhân bom mìn là hơn 10.000 người, đa số thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Từ năm 2017 đến nay, triển khai nguồn hỗ trợ của Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, Chi hội đã giúp đỡ được 80 nạn nhân bom mìn phát triển mô hình sinh kế và 3 hộ được hỗ trợ xây nhà phòng tránh bão lũ. Các mô hình hỗ trợ đã đem lại sự thay đổi tích cực, giúp nạn nhân bom mìn tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Các hộ nuôi bò từ năm 2017 đến nay đã cho 3 đến 4 lứa bê con. Có hộ thì bán bê lấy tiền trang trải cho con ăn học, mua sắm vật dụng trong gia đình hoặc lấy tiền chữa bệnh,…
Chị Nguyễn Thị Thanh Hồng phát biểu tại Đại hội đại biểu lần thứ 2, nhiệm kỳ 2022-2027. Ảnh: Hạnh Trần |
Chị Nguyễn Thị Thanh Hồng - Chủ tịch Hội Vì sự phát triển của người khuyết tật tỉnh Quảng Bình (AEPD) kiêm chi hội trưởng Chi hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh chia sẻ: “Đối với các hộ gia đình ở quê, việc có được một con bò trong nhà được xem là một tài sản quý, là chỗ dựa để họ có thể nương tựa khi ốm đau bệnh tật, có việc hệ trọng trong gia đình. Vì thế việc hỗ trợ cho các nạn nhân mô hình sinh kế chăn nuôi bò sinh sản đã tạo ra nhiều thay đổi lớn về thể chất và tinh thần cho bản thân nạn nhân bom mìn và gia đình của họ.”
Ngoài ra, các hộ được xây nhà thì tinh thần phấn chấn hẳn, không còn cảm giác sợ nhà sập khi trời mưa to gió lớn. “Đến thăm các gia đình nạn nhân thấy nụ cười mãn nguyện của họ mà chúng tôi thấy vô cùng phấn khởi.” - chị Thanh Hồng cho biết thêm.
AEPD Quảng Bình trao tiền hỗ trợ sinh kế trong năm 2020-2021. (Ảnh: Báo Quảng Bình) |
Với sự kết hợp cả về con người lẫn nguồn lực của Hội và Chi hội đã giúp công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn được thực hiện thành công từ việc lựa chọn đúng đối tượng, thành phần hỗ trợ, phương pháp hỗ trợ, chọn địa bàn hoạt động, kết quả hoạt động. Cùng với đó sử dụng đội ngũ nhân viên thực địa của AEDP là những nạn nhân bom mìn đến từng từng nhà của đối tượng để khảo sát tình hình, tư vấn lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, hỗ trợ kĩ thuật giám sát, đánh giá mô hình.
Vì sự phát triển của người khuyết tật tỉnh Quảng Bình, Hội và Chi hội đang tiếp tục tìm kiếm và huy động sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ của các tổ chức phi chính phủ địa phương và nước ngoài để giúp đỡ cho người khuyết tật nói chung, nạn nhân bom mìn nói riêng trên nhiều hình diện của cuộc sống, bao gồm hỗ trợ sinh kế bền vững, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, hòa nhập xã hội, giáo dục phòng tránh bom mìn, vận động chính sách dựa trên quyền của người khuyết tật và lồng ghép trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.