Quảng Nam hỗ trợ mỗi ngày 1 hộp sữa cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Theo đó, ngày 10/10, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 2152/QĐ-UBND về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/2023/NQ-HĐND ngày 22 tháng 9 năm 2023 của HĐND tỉnh về hỗ trợ sữa trong bữa ăn học đường cho trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Từ tháng 1/2024 đến hết năm học 2025-2026, trẻ em mẫu giáo (từ 3-6 tuổi) và học sinh tiểu học sẽ được uống 1 hộp sữa dạng lỏng 180ml mỗi ngày, 5 lần/tuần trong thời gian đủ 9 tháng/năm học - (Ảnh: www.xaydungdang.org.vn). |
Theo đó, trẻ em mẫu giáo (từ 3-6 tuổi) và học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập (đã được cấp phép) tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc khu vực I, II, III trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (theo Quyết định số 861/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025) sẽ được uống 1 hộp sữa dạng lỏng 180ml mỗi ngày, 5 lần/tuần trong thời gian đủ 9 tháng/năm học.
Chương trình hỗ trợ sữa trong bữa ăn học đường cho trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tính từ tháng 1/2024 đến hết năm học 2025-2026 (tương ứng với 23 tháng, bao gồm: Học kỳ II năm học 2023-2024; năm học 2024- 2025; năm học 2025-2026).
UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan hướng dẫn thực hiện Nghị quyết; tham mưu thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc. Phối hợp với Sở Y tế giám sát, kiểm tra chất lượng sữa và đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học; hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện cho học sinh uống sữa tại các cơ sở giáo dục.
Sở Y tế có trách nhiệm chủ trì hướng dẫn việc lựa chọn sản phẩm sữa đảm bảo tiêu chuẩn. Giám sát việc cung ứng sữa đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng và an toàn thực phẩm. Hướng dẫn xây dựng quy trình giám sát, giải quyết ngộ độc thực phẩm và triển khai điều tra, giám sát, xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Cùng với đó, chủ trì thực hiện kiểm tra, kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm sữa định kỳ và đột xuất khi có yêu cầu, khi phát hiện sản phẩm không đạt yêu cầu thì kiến nghị các địa phương, đơn vị thay đổi sữa. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở y tế và đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ sở giáo dục đánh giá sự phát triển thể lực của trẻ theo từng giai đoạn.