Plan International Việt Nam cùng thanh niên dân tộc thiểu số Hà Giang thoát nghèo
Trao sinh kế giúp thanh niên chủ động có thêm thu nhập
Mô hình nuôi dê nái sinh sản đã giúp bạn Cháng Thị Ngọc (ảnh phải) cải thiện đời sống, có thêm thu nhập. |
Là một thành viên của dự án “Tăng cường trao quyền phát triển sinh kế cho thanh niên tại Hà Giang”, bạn Cháng Thị Ngọc, dân tộc Nùng cho biết từ khi tham gia dự án mô hình chăn nuôi dê đã mang lại lợi ích, đem lại thu nhập, cải thiện đời sống cho gia đình. "Vì ở quê mình chỉ quen trồng trọt, chăn nuôi nhưng không có vốn. Sau khi tiếp cận thông tin dự án tăng cường trao quyền phát triển kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số của tổ chức Plan International Việt Nam từ chính quyền xã và phòng nông nghiệp địa phương, mình được hỗ trợ tặng 1 con dê giống trị giá hơn 2 triệu đồng, rồi mình đi học hỏi các nhà xung quanh và bán hết đồ đạc trong nhà để mua thêm 2 con dê để nhân giống”, Ngọc tâm sự.
Sau hơn 1 năm, từ tháng 8/2022, mô hình nuôi dê nái sinh sản của Ngọc đã cho những “trái ngọt” đầu tiên. Từ 3 con dê ban đầu, Ngọc đã nhân giống đàn dê lên thành 9 con và bán với giá 3 triệu đồng/ con.
Mô hình nuôi dê nái sinh sản đã đem lại hiệu quả thiết thực giúp cho các hộ gia đình như bạn Cháng Thị Ngọc chuyển đổi con giống chăn nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo thu nhập ổn định.
Dạy nghề để thanh niên gắn bó với địa phương
Nhờ tham gia dự án "Tăng cường phát triển kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số", bạn Cháng Thị Chẳm, dân tộc Nùng đã học nghề thành công với mô hình làm giò lụa từ thịt lợn đen bản địa. Sau khi được hỗ trợ trang thiết bị máy móc, các loại khuôn, Chẳm bắt đầu với nghề làm giò từ tháng 3/2022. Theo Chẳm, việc làm giò là một công việc khó và phải mất rất nhiều lần thử nghiệm mới có được thành phẩm như ý: “Em đã thử rất nhiều, thất bại rất nhiều, làm nhiều lần mới hoàn thiện. Em mất khoảng 3 tháng liên tiếp thất bại trong việc làm giò. Ban đầu những mẻ giò em làm giống như bã đậu vậy. Nhưng nhờ sự hướng dẫn từ các cán bộ dự án, em rút kinh nghiệm nhiều lần và tìm ra công thức và làm thành công. Em được mọi người biết đến, ủng hộ. Em bán giò tại nhà và thường đăng bài bán cả trên facebook và tiktok", Chẳm chia sẻ thêm.
Bạn Cháng Thị Chẳm thanh niên người Nùng thành công với mô hình Giò lụa lợn đen. |
Chẳm còn tham gia tập huấn, phổ biến kiến thức về kĩ năng xanh, từng bước áp dụng các kĩ năng để trồng rau sạch không sử dụng hóa chất. Từ một mảnh đất bỏ hoang nhiều rác, nhiều cỏ gia đình Chẳm đã có một vườn rau tươi tốt, đủ chủng loại. Mô hình thử nghiệm đã mang lại sự thay đổi vừa đẹp cảnh quan vừa phục vụ cho nhu cầu gia đình, cải thiện đời sống và là điểm tham quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm cho những hộ gia đình khác tại địa phương. Chẳm cho biết mình rất vui khi học được nghề để kiếm thêm thu nhập, biết tự trồng rau sạch, giúp Chẳm an tâm ở nhà, không phải lo tìm việc làm xa.
Tạo môi trường để thanh niên chủ động tiếp cận kiến thức
Trung tâm học tập cộng đồng xã Nàn Ma là công trình đặc biệt có ý nghĩa nhất là với các bạn thanh niên nơi đây. Sau hai tháng thi công, tháng 2/2024 công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Từ khi có Trung tâm học tập cộng đồng, thanh niên xã có không gian để học tập, sinh hoạt với nhiều hoạt động phong phú. |
Bạn Ma Thị Chợ, dân tộc Nùng cho biết: “Khi có trung tâm học tập cộng đồng em cảm thấy rất vui, từ nay chúng em có chỗ để anh chị em thanh niên được trau dồi kiến thức cho bản thân và học hỏi lẫn nhau. Em thường tới đây mỗi tuần vào chủ nhật. Ở đây có máy tính giúp mọi người có thể học tập nhiều kĩ năng, tìm kiếm thông tin, rèn luyện cách đánh máy tính… Em tìm thấy nhiều kiến thức bổ ích về nuôi dạy con, phát triển bản thân… Nhà sinh hoạt cộng đồng mới khánh thành nên em mong muốn có thêm nhiều sách, tư liệu hơn nữa để phục vụ cho anh chị em thanh niên cùng nhau học tập.
Bạn Ma Thị Chợ cho biết, trung tâm học tập cộng đồng có nhiều sách hay, giúp nâng cao kiến thức, áp dụng vàp cuộc sống, vào chủ nhật hàng tuần tuần Chợ đều tới để sinh hoạt cùng các anh chị em. |
Bạn Giàng Xuân Dủng chia sẻ: Từ khi có công trình này, bọn em có không gian để kết nối thanh niên với nhau, giúp nhau cùng phát triển. Nơi đây có đầy đủ các trang thiết bị để tổ chức nhiều sự kiện, nhiều hoạt động như đọc sách, tìm hiểu kỹ năng sống giúp thanh niên nâng cao bản thân. Thêm nữa, chúng em dự định sẽ quảng bá các sản phẩm của địa phương như tinh dầu gừng để giúp các bạn phát triển kinh tế.
Giàng Xuân Dủng mong muốn trung tâm học tập cộng đồng sẽ là nơi giúp giới thiệu và quảng bá các sản phẩm địa phương cho thanh niên cải thiện thu nhập. |
Việc phát triển các mô hình chăn nuôi dê nái sinh sản, làm giò lụa lợn đen, vườn sinh thái hữu cơ, xây dựng trung tâm học tập cộng đồng… một cách hiệu quả là hướng đi mang tính lâu dài được Plan International Việt Nam triển khai giúp người dân ở vùng cao Hà Giang thoát nghèo bền vững.
Container củ cải muối đầu tiên của năm 2024 sang Nhật Bản Ngày 19/2, UBND huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang) đã phối hợp tổ chức lễ xuất khẩu container củ cải muối đầu tiên của năm 2024 sang thị trường Nhật Bản. |
Gặp gỡ đầu xuân góp phần thúc đẩy hợp tác giữa 4 tỉnh biên giới Việt Nam và Trung Quốc Ngày 28/2, tại TP Bắc Hải (Quảng Tây, Trung Quốc) đã diễn ra chương trình Gặp gỡ đầu Xuân giữa 4 tỉnh biên giới của Việt Nam gồm Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang, Lạng Sơn và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Tại chương trình, Bí thư 4 tỉnh biên giới Việt Nam và Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã ký kết Biên bản Hội đàm Gặp gỡ đầu Xuân và chứng kiến Lễ ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác hai bên. |