Phụ phẩm ngành tôm - “mỏ vàng”… chờ khai thác
Trong khuôn sự kiện Trình diễn kết nối cung - cầu công nghệ quốc tế 2018, chiều 3/10, tại Cần Thơ diễn ra “Hội thảo quốc tế công nghệ và giải pháp nâng cao giá trị ngành phụ phẩm tôm Việt Nam”.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trần Văn Tùng cho hay, Thủ tướng Chính phủ đã đặt kỳ vọng lớn vào sự phát triển của ngành tôm. Mặc dù mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD vào năm 2025 vẫn còn một khoảng cách lớn. Nhưng đây là mục tiêu có cơ sở do ngành tôm đang còn nhiều dư địa phát triển với lợi thế về bờ biển dài trên 3.200km, có hệ thống sông ngòi với mật độ cao và diện tích nuôi tôm tại ĐBSCL được dự báo sẽ tăng thêm trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội thảo.
Mặt khác, thị trường thế giới đối với sản phẩm tôm tiếp tục xu hướng tăng ổn định và chưa có giới hạn. Gắn liền với sự tăng lên của sản lượng tôm là phụ phẩm, năm 2017 lượng phụ phẩm tôm của cả nước khoảng trên 320.000 tấn và dự kiến tới năm 2025 sẽ tăng thêm lên 60%. Đây có thể coi là một “mỏ vàng” của ngành tôm nếu được ứng dụng công nghệ để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Trong thời gian vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều khuyến khích các nghiên cứu, phối hợp với các viện trường để phát huy tối đa phụ phẩm ngành tôm.
Đồng quan điểm, PSG.TS Trang Sĩ Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang cho rằng, cần tận dụng các nguồn phụ phẩm từ con tôm để thu hồi được tối đa các sản phẩm và tiếp cận với mô hình không chất thải. Dinh dưỡng chứa trong phụ phẩm tôm có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực tạo ra nhiều giá trị hơn.
Theo PGS Trung, phụ phẩm ngành tôm khi được chế biến biến phụ phẩm tôm thành các sản phẩm có giá trị thương mại cao, giải quyết tổng thể bài toán về ngành tôm tại Việt Nam.Đây được xem là “mỏ vàng” của ngành tôm nếu được ứng dụng công nghệ để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao như: Chitin, Chitosan, Protein thủy phân… có khả năng áp dụng trong nhiều lĩnh vực như thực phẩm chức năng, vật liệu sinh học, y tế, nông nghiệp…
Quang cảnh Hội thảo quốc tế công nghệ và giải pháp nâng cao giá trị ngành phụ phẩm tôm Việt Nam.
Phát biểu kết tổng kết tại hội nghị, Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lê Quốc Doanh cho hay, hiện Bộ đang tập trung vào phát triển các sản phẩm chủ lực của từng địa phương, trong đó con tôm là một sản phẩm rất quan trọng ở Việt Nam góp phần phát triển nông nghiệp; hiện nay Chính phủ rất kỳ vọng vào lĩnh vực này. Bộ kỳ vọng đến cuối năm 2018 giá trị xuất khẩu ngành tôm đạt 4,5 tỷ USD.
Khai thác tôm nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ trưởng Doanh khẳng định, phụ phẩm của ngành tôm còn dư địa rất nhiều, nếu chú trọng khai khác phụ phẩm từ tôm sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và bảo vệ môi trường, vì nếu không giải quyết tốt vấn đề môi trường sẽ ảnh hưởng đến ngành tôm. Việc tận dụng được phế phẩm là rất thiết thực cho ngành tôm hiện nay. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn còn quá khiêm tốn, chế biến phần nhiều ở dạng thô, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao hơn. Do đó, cần có sự thống nhất cao từ các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các địa phương xem việc khai thác phụ phẩm ngành tôm là lĩnh vực cần ưu tiên quan tâm.
Thứ trưởng Doanh đề nghị, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu sâu hơn toàn diện hơn về lĩnh vực này để đa dạng hơn sản phẩm mang lại giá trị cao hơn, xem đây là một mắc xích quan trọng của ngành tôm. Quan tâm đến vấn đề thị trường đầu ra cho phụ phẩm chế biến, tạo liên kết chặt chẽ theo chuỗi ngành hàng. Mở rộng thị trường đầu tư sản xuất, đầu tư khai thác; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan nghiên cứu, thu hút sự quan tâm đầu tư của doanh nghiệp, xã hội hóa công tác nghiên cứu, liên kết giữa các vùng nuôi, các địa phương... Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này với các quốc gia có kinh nghiệm và công nghệ vượt bậc.
Thành Thật