Phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân - một trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại
Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh nhiệm vụ: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”(1). Đây là những nội dung vừa mang tính kế thừa đường lối đối ngoại của Đảng ta tại các Đại hội trước, vừa là bước phát triển mới hết sức quan trọng, khẳng định rõ vai trò, vị trí và nhiệm vụ của đối ngoại nói chung, đối ngoại nhân dân nói riêng trong tình hình mới, sự gắn kết chặt chẽ giữa các trụ cột của đối ngoại và yêu cầu phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân.
Các đại biểu thảo luận bên lề Hội nghị quốc tế về “Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết đến kết quả” do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Liên hợp quốc tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến (Ảnh: TTXVN). |
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về vai trò, vị trí của đối ngoại nhân dân
Đối ngoại nhân dân là một trong những sáng tạo độc đáo của cách mạng Việt Nam. Việc quán triệt sâu sắc tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về đối ngoại nhân dân là nhân tố có ý nghĩa quyết định, bài học kinh nghiệm quan trọng hàng đầu, đúc rút được từ thực tiễn cách mạng nước ta và hoạt động đối ngoại nhân dân trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước.
Một trong những nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của cách mạng Việt Nam là đoàn kết dân tộc phải gắn liền với đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa yêu nước chân chính phải gắn liền với chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân, đoàn kết nhân dân trong nước gắn với đoàn kết nhân dân thế giới. Coi trọng và phát huy vai trò của đoàn kết quốc tế và đối ngoại nhân dân là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(2) và chính Người đã đặt nền móng, lãnh đạo và trực tiếp triển khai đối ngoại nhân dân.
Ngay trong những ngày tháng đầu tiên sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, khi nước ta chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thành lập các tổ chức đối ngoại nhân dân đầu tiên của Việt Nam là Hội Việt - Mỹ thân hữu (ngày 17-10-1945) và Hội Việt - Trung hữu hảo (năm 1946), đề ra và tổ chức thực hiện những quyết sách về đoàn kết, liên minh với hai nước láng giềng Lào và Cam-pu-chia. Cùng với việc thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia, nhiều tổ chức hữu nghị với nhân dân các nước đã được thành lập trong những năm sau đó nhằm tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Tầm quan trọng, vai trò và nhiệm vụ của đối ngoại nhân dân đã được Đảng ta chính thức đưa vào các văn kiện Đại hội Đảng từ rất sớm. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ II (tháng 2-1951) về chính sách ngoại giao đã nhấn mạnh phát triển ngoại giao nhân dân rộng rãi, đặc biệt chú trọng tham gia các cuộc vận động lớn trên thế giới và thắt chặt liên hệ tổ chức các hoạt động giữa những đoàn thể nhân dân Việt Nam với các đoàn thể nhân dân thế giới. Sau khi đất nước thống nhất, quan điểm của Đảng ta về đối ngoại nhân dân và chủ trương triển khai đồng bộ ba trụ cột đối ngoại đã tiếp tục được phát triển và hoàn thiện. Văn kiện Đại hội IV của Đảng (năm 1976) đã xác định nhiệm vụ đối ngoại với từng nhóm đối tượng cụ thể. Văn kiện Đại hội VI của Đảng (năm 1986) làm rõ chủ thể và sự phối hợp giữa các chủ thể của hoạt động đối ngoại, gồm Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Với tư duy mới về đối ngoại, Đại hội VII của Đảng (năm 1991) đã nhấn mạnh chủ trương “đoàn kết với các lực lượng đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”, tạo bước đột phá và mang lại sức sống mới cho công tác đối ngoại nhân dân(3).
Văn kiện các Đại hội VIII, IX, X, XI, XII của Đảng đều có các nội dung yêu cầu mở rộng hơn nữa công tác đối ngoại nhân dân, làm rõ nội hàm, nhiệm vụ của đối ngoại nhân dân và sự cần thiết phải “phối hợp chặt chẽ hoạt động ngoại giao của Nhà nước, hoạt động đối ngoại của Đảng và hoạt động đối ngoại nhân dân... làm cho thế giới hiểu rõ hơn đất nước, con người, công cuộc đổi mới của Việt Nam, đường lối chính sách của Đảng và nhà nước ta”(4).
Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 20-9-1994, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII, “Về mở rộng và đổi mới hoạt động đối ngoại nhân dân”, là văn bản đầu tiên của Đảng dành riêng cho hoạt động đối ngoại nhân dân, xác định rõ đối ngoại nhân dân là bộ phận cấu thành của công tác đối ngoại chung của nước ta, nêu rõ yêu cầu, mục tiêu và biện pháp tiến hành công tác đối ngoại nhân dân(5). Sau khi tổng kết Chỉ thị số 44-CT/TW, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 6-7-2011, “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”, khẳng định quan điểm đối ngoại nhân dân là bộ phận cấu thành của công tác đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước ta. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân mà nòng cốt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, các đoàn thể và các tổ chức nhân dân.
Đối với lực lượng chuyên trách về đối ngoại nhân dân là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp Hữu nghị), Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 27-7-1993, “Về nhiệm vụ và tổ chức của Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam”, Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 2-12-2008, “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao kết quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam”, và gần đây nhất là Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 19-9-2019, “Về tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong tình hình mới”.
Thành tựu và đóng góp của đối ngoại nhân dân
Thực tiễn cho thấy, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, thuyết phục lòng người bằng đạo lý, chuyển hóa bằng nhân tình để nhân lên sức mạnh của chính nghĩa, đối ngoại nhân dân đã đạt được những thành tựu to lớn, có đóng góp quan trọng trong mọi giai đoạn cách mạng của đất nước. Đối ngoại nhân dân đã thiết lập, phát triển quan hệ với nhân dân các nước, giúp nhân dân thế giới hiểu rõ về một dân tộc Việt Nam kiên cường, bất khuất trong đấu tranh giành độc lập, tự do, sống nhân nghĩa, thủy chung, yêu chuộng hòa bình, về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta, tạo nên một mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn và mạnh mẽ đoàn kết, ủng hộ Việt Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta.
Sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975, đối ngoại nhân dân đã cùng đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước tích cực “đi trước mở đường”, phá bao vây, cấm vận, mở rộng quan hệ, tăng cường tình hữu nghị, thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng, huy động sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, tái thiết đất nước. Nhiều hoạt động hòa bình, thiện nguyện, hỗ trợ Việt Nam, như: phẫu thuật nụ cười, rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, đi bộ vì hòa bình, các chuyến thăm của cựu chiến binh... góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, tăng cường hiểu biết lẫn nhau.
Bám sát phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, trong những năm qua, đối ngoại nhân dân đã có những bước phát triển tích cực, không ngừng phát triển lớn mạnh(6), phối hợp hiệu quả với đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đối ngoại nhân dân góp phần tích cực trong việc giúp nhân dân thế giới hiểu rõ hơn về Việt Nam và giúp nhân dân ta hiểu rõ hơn về đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, tăng cường đoàn kết quốc tế, tình hữu nghị với nhân dân các nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển quan hệ đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ và nguồn lực quốc tế, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và lợi ích quốc gia - dân tộc.
Các tổ chức nhân dân Việt Nam đã thiết lập quan hệ với hàng nghìn tổ chức và cá nhân ở các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; quan hệ đối ngoại được mở rộng, nội dung hoạt động ngày càng phong phú, đa dạng, mang lại những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Các tổ chức thực hiện chức năng đối ngoại nhân dân ở cả Trung ương và địa phương đã chủ động, sáng tạo phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài và các đối tác triển khai các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác nhân dân(7), thực hiện thành công nhiều sáng kiến đưa quan hệ với các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, quan trọng, bạn bè truyền thống, các tổ chức cánh tả, tiến bộ ngày càng đi vào chiều sâu(8). Một số tổ chức nhân dân của Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực phát huy vai trò, tiếng nói trong các cơ chế, diễn đàn nhân dân đa phương(9), tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới đối với Việt Nam, đóng góp vào việc thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển, tham gia giải quyết các vấn đề chung của khu vực và toàn cầu.
Đối ngoại nhân dân đã tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc phát huy vai trò cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, xúc tiến đầu tư, thương mại, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam và vận động, hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, thiết thực góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai, giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế của Việt Nam(10).
Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức đoàn thể nhân dân tích cực triển khai công tác thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta và thành tựu của công cuộc đổi mới, tham gia vận động, đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, nhất là trong các vấn đề chủ quyền biên giới, lãnh thổ, dân chủ, nhân quyền(11) và đẩy mạnh công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài. Một số đoàn thể và tổ chức thực hiện chức năng đối ngoại nhân dân ở Trung ương và địa phương chú trọng công tác nghiên cứu, tham mưu, kiến nghị lên các cấp lãnh đạo, đóng góp vào công tác đối ngoại của đất nước, của địa phương cũng như các hoạt động thuộc lĩnh vực chuyên môn của các bộ, ngành.
Đối ngoại nhân dân có đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vừa là nét đặc sắc, sáng tạo, vừa là vốn quý, kinh nghiệm quý báu của đối ngoại Việt Nam (Trong ảnh: Bộ trưởng Quốc phòng Anh Robert Ben Lobban Wallace thăm Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thành phố Hà Nội) Ảnh: baoquocte. |
Một số hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đối ngoại nhân dân còn một số hạn chế, như:
- Chất lượng và hiệu quả quan hệ với một số đối tác chưa cao. Nhiều tổ chức đoàn thể nhân dân còn thụ động, chưa tích cực kết nối, phát triển quan hệ với các đối tác truyền thống, nghiên cứu mở rộng hợp tác với đối tác mới. Một số hoạt động đối ngoại nhân dân còn thiếu chiều sâu, nội dung và hình thức chưa đổi mới, sáng tạo, các yếu tố chính trị, đối ngoại chưa được quan tâm đúng mức.
- Tinh thần chủ động tham gia hội nhập quốc tế của các đoàn thể và tổ chức thực hiện chức năng đối ngoại nhân dân ta chưa cao. Sự tham gia tại các cơ chế, diễn đàn nhân dân đa phương khu vực và quốc tế mới chỉ tập trung ở các lực lượng nòng cốt, năng lực chưa đồng đều. Công tác vận động, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ còn thiếu chủ động, sáng tạo, đột phá, chưa thiết lập được nhiều quan hệ đối tác mới có hiệu quả cao phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Năng lực nghiên cứu tham mưu chiến lược còn hạn chế. Thông tin đối ngoại chưa có nhiều sản phẩm thông tin đối ngoại hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thông tin của các đối tượng, chưa khai thác hiệu quả các phương tiện truyền thông mới. Công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài còn hạn chế, chưa thu hút được sự tham gia đông đảo của bà con người Việt Nam vào các hoạt động đối ngoại nhân dân.
- Sự phối hợp liên ngành giữa các kênh đối ngoại, giữa Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức nhân dân, giữa Trung ương và địa phương chưa thực sự chủ động, thường xuyên, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng làm đối ngoại nhân dân.
- Nguồn lực cho đối ngoại nhân dân chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân còn nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng, nhiều tổ chức nhân dân không có bộ phận chuyên trách đối ngoại.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên:
Nguyên nhân khách quan:
Một là, tính chất phức tạp của công tác đối ngoại nhân dân. Những diễn biến mới của tình hình thế giới tác động lớn tới mục tiêu, ưu tiên, phương thức hoạt động của các tổ chức nhân dân trên thế giới, xuất hiện các hình thức tập hợp lực lượng nhân dân mới với xu thế chính trị đa dạng, linh hoạt, dựa trên lợi ích.
Hai là, mạng lưới đối tác truyền thống của Việt Nam có nhiều thay đổi, đang trong quá trình chuyển giao thế hệ, “thế hệ Việt Nam” trong bạn bè quốc tế nay tuổi đã cao.
Ba là, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, nguồn lực quốc tế dành cho hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, hỗ trợ quốc tế ngày càng trở nên eo hẹp và phụ thuộc nhiều hơn vào định hướng của các nhà tài trợ.
Nguyên nhân chủ quan:
Thứ nhất, nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đối ngoại nhân dân ở một số cấp ủy địa phương, bộ, ngành và tổ chức nhân dân còn chưa đầy đủ, thống nhất. Ở một số nơi, công tác chỉ đạo, quản lý chưa được quan tâm thường xuyên, việc xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các chỉ thị của Đảng về đối ngoại nhân dân còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu.
Thứ hai, nhiều tổ chức nhân dân ở cả Trung ương và địa phương còn thiếu chủ động, chậm đổi mới trong xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện nhiệm vụ đối ngoại nhân dân.
Thứ ba, việc thể chế hóa các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về đối ngoại nhân dân còn chậm; một số vướng mắc liên quan đến tổ chức bộ máy, cơ chế, chính sách chưa được tháo gỡ; một số quy định, thủ tục chưa phù hợp với thực tiễn, phần nào hạn chế tính chủ động, linh hoạt, năng động, sáng tạo của đối ngoại nhân dân.
Thứ tư, đầu tư nguồn lực cho đối ngoại nhân dân cả về tài chính và nhân lực chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, thiếu cơ chế, chính sách phù hợp, đặc biệt là chính sách cán bộ. Các tổ chức nhân dân còn thiếu chủ động, sáng tạo trong việc huy động nguồn lực xã hội để triển khai hoạt động.
Phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân... Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển”(12). Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định rõ nhiệm vụ của đối ngoại. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phát huy vai trò của đối ngoại nhân dân để xây dựng nền tảng xã hội, đưa quan hệ giữa các quốc gia đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững vì xây dựng môi trường hòa bình, hữu nghị, xây dựng lòng tin chính là để ngăn ngừa nguy cơ xung đột, chiến tranh từ sớm, từ xa. Đối ngoại nhân dân có đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vừa là nét đặc sắc, sáng tạo, vừa là vốn quý, kinh nghiệm quý báu của đối ngoại Việt Nam. Trong môi trường quốc tế phức tạp, đối tượng, đối tác đan xen, vừa đấu tranh, vừa hợp tác trên cơ sở lợi ích, đối ngoại nhân dân với lợi thế riêng, linh hoạt, mềm dẻo, có khả năng tiếp cận và thiết lập quan hệ rộng rãi các đối tượng, có thể hỗ trợ hiệu quả cho đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước.
Bối cảnh tình hình hiện nay tạo ra nhiều lợi thế cho công tác đối ngoại nhân dân. Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, và xu hướng dân chủ hóa đời sống quốc tế, vai trò, tiếng nói và sự tham gia của các tổ chức nhân dân ngày càng được coi trọng cả ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong hơn 35 năm đổi mới vừa qua đã tạo nên thế và lực mới, tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước, bạn bè quốc tế tiếp tục dành cho Việt Nam những tình cảm tốt đẹp. Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh vai trò tiên phong của đối ngoại, cũng như vị trí quan trọng của đối ngoại nhân dân.
Đối ngoại nhân dân góp phần tích cực trong việc giúp nhân dân thế giới hiểu rõ hơn về Việt Nam (Trong ảnh: Du khách tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam) Ảnh: Phạm Nhật Thưởng. |
Bên cạnh những thuận lợi cơ bản đó, những chuyển biến sâu sắc, nhanh chóng trong tình hình thế giới và khu vực, đặc biệt là đại dịch COVID-19 cũng đặt công tác đối ngoại nhân dân trước nhiều thách thức mới, như: cạnh tranh nước lớn, chủ nghĩa đơn phương, tư tưởng cực hữu, dân tộc vị kỷ, tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo và những thách thức an ninh phi truyền thống. Một số thế lực tăng cường sử dụng kênh hợp tác nhân dân để can thiệp vào công việc nội bộ của ta, đẩy mạnh hoạt động chống phá Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, đối ngoại nhân dân phải đảm nhiệm tốt vai trò “trụ cột”, cùng đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, đóng góp thiết thực vào việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động các nguồn lực bên ngoài, nâng cao hơn nữa vị thế và uy tín của đất nước, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, đối ngoại nhân dân cần được tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách và nguồn lực để phát huy thế mạnh của mình, phát triển vững mạnh, tương xứng với vị trí, vai trò, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Ba trụ cột của đối ngoại cần có sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện, điều phối, phân vai, hỗ trợ, bổ sung cho nhau để phát huy được vai trò và thế mạnh đặc thù của mỗi trụ cột và sức mạnh tổng hợp của cả ba trụ cột.
Để phát huy vai trò “trụ cột”, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng và sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với công tác đối ngoại nhân dân. Quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, tạo chuyển biến sâu sắc và sự thống nhất cao trong toàn bộ hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đối ngoại nhân dân, xác định rõ triển khai công tác đối ngoại nhân dân là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị.
Thứ hai, đổi mới mạnh mẽ tư duy, nội dung và phương thức hoạt động đối ngoại nhân dân theo hướng đa dạng hóa, mở rộng phạm vi hoạt động, đối tác, lực lượng tham gia, tạo đan xen lợi ích và độ tin cậy, thúc đẩy quan hệ với nhân dân các nước láng giềng, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đối tác chiến lược, toàn diện, bạn bè truyền thống đi vào chiều sâu, thực chất, phục vụ các lợi ích an ninh, phát triển và vị thế của đất nước, làm tốt vai trò “cầu nối” xúc tiến hợp tác kinh tế - thương mại, du lịch, đầu tư, văn hóa, giáo dục, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả chiến tranh... phù hợp với thế mạnh và nhu cầu của từng đối tác, từng địa phương. Phát huy vai trò tích cực, có trách nhiệm, tăng cường sự tham gia rộng rãi, hiệu quả của các tổ chức nhân dân Việt Nam tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, đóng góp phù hợp vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế ứng phó với những thách thức chung đối với hòa bình, an ninh và phát triển, thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam. Chăm lo hỗ trợ đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, phát huy vai trò tích cực của đồng bào trong công tác đối ngoại nhân dân và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, tích cực hội nhập quốc tế, huy động nguồn lực bên ngoài phục vụ các yêu cầu, mục tiêu phát triển bền vững của đất nước đến năm 2025, năm 2030 và năm 2045. Nâng cao hiệu quả công tác phi chính phủ nước ngoài, mở rộng, thúc đẩy hợp tác với các đối tác tiềm năng, đặc biệt là trong các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển xanh và bền vững, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống...
Thứ tư, hỗ trợ hiệu quả cho đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước trong việc bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia - dân tộc, đặc biệt là trong các vấn đề dân chủ, nhân quyền, chủ quyền biển, đảo, tham gia giải quyết các vấn đề nảy sinh, góp phần tăng cường và thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước.
Thứ năm, tăng cường chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo tình hình, phát huy vai trò của đội ngũ chuyên gia đối ngoại trong nghiên cứu, tham mưu, đóng góp vào việc xây dựng chính sách và triển khai đường lối đối ngoại. Đổi mới nội dung và phương thức thông tin đối ngoại, ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin, truyền thông để tăng cường thông tin tích cực về đất nước, con người và thành tựu của Việt Nam, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, đấu tranh với những luận điệu sai trái về Việt Nam.
Thứ sáu, hoàn thiện cơ chế, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, quản lý, phối hợp trong công tác đối ngoại nhân dân, bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các trụ cột của đối ngoại, giữa Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong xây dựng chủ trương và triển khai các hoạt động đối ngoại. Tăng cường phối hợp giữa các tổ chức nhân dân ở Trung ương và giữa Trung ương với địa phương, chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức đối ngoại nhân dân ở địa phương.
Thứ bảy, chăm lo xây dựng, đầu tư nguồn lực tài chính và con người cho đối ngoại nhân dân. Kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ theo hướng tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp hóa, trẻ hóa, chú trọng thu hút nhân tài, đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại nhân dân chuyên trách ổn định, “mạnh” ở cả Trung ương và địa phương, có bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, tâm huyết, có năng lực chuyên môn và ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ./.
----------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 1, tr. 162
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 10, tr. 453
(3) Đầu năm 1992, Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước của Việt Nam được tách ra khỏi Ban Đối ngoại Trung ương, trở thành một tổ chức chính trị - xã hội độc lập chuyên trách về hoạt động đối ngoại nhân dân và từ năm 1993 được đổi tên thành Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 122 – 123
(5) Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 20-9-1994, của Ban Bí thư, “Về mở rộng và đổi mới hoạt động đối ngoại nhân dân”, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Chi-thi-44-CT-TW-mo-rong-va-doi-moi-hoat-dong-doi-ngoai-nhan-dan-128074.aspx
(6) Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam có 116 tổ chức thành viên (64 tổ chức Hội hữu nghị ở Trung ương và 52 Liên hiệp hữu nghị ở địa phương); số lượng các tổ chức nhân dân có hoạt động đối ngoại, số lượng người dân tham gia hoạt động đối ngoại ngày càng tăng
(7) Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức hữu nghị ở Trung ương và địa phương đã tăng cường quan hệ, ký kết các thỏa thuận hợp tác với các tổ chức nhân dân tương ứng của Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động với hình thức mới, có ý nghĩa chính trị, quy mô, sức lan tỏa lớn, như: liên hoan nhân dân, liên hoan thanh niên; Diễn đàn nhân dân Việt - Trung; liên hoan nhân dân biên giới; kỷ niệm các năm đoàn kết hữu nghị, các chương trình giáo dục truyền thống “Theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cay-xỏn Phom-vi-hản”, “Uơm mầm hữu nghị” chăm sóc sinh viên Lào, Cam-pu-chia; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, xây nhà hữu nghị...
(8) Các tổ chức nhân dân của Việt Nam tích cực tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, kỷ niệm các sự kiện lớn, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh... với các nước ASEAN, các nước đối tác chiến lược Nga, Ấn Độ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc... và bạn bè truyền thống ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi; các hoạt động đoàn kết với Cu-ba, Vê-nê-xu-ê-la; hợp tác với bạn bè, cựu chiến binh Mỹ tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy hòa giải, tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau; chủ động, nhanh chóng, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống đại dịch COVID-19, từ quyên góp hỗ trợ người dân và lực lượng tuyến đầu chống dịch, ủng hộ người dân các nước bạn và người nước ngoài ở Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tới vận động bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam trang thiết bị y tế và vắc-xin phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thể hiện truyền thống nhân nghĩa, nhường cơm sẻ áo, giúp nhau trong lúc khó khăn của dân tộc Việt Nam, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
(9) Các tổ chức nhân dân của ta đã tích cực tham gia các phong trào dân chủ, tiến bộ truyền thống, như: Hội đồng hòa bình thế giới, Liên đoàn thanh niên dân chủ thế giới; Liên đoàn phụ nữ dân chủ thế giới, Hội Luật gia dân chủ thế giới, Liên hiệp Công đoàn thế giới; các cơ chế khu vực như Diễn đàn nhân dân ASEAN, Diễn đàn nhân dân Á - Âu, Liên đoàn kỹ sư ASEAN, các hoạt động của phụ nữ thanh niên, sinh viên ASEAN; các cơ chế quốc tế của Hội đồng kinh tế - xã hội Liên hợp quốc, Tổ chức Lao động quốc tế...
(10) Đến nay, Việt Nam có quan hệ với trên 1.200 tổ chức phi chính phủ nước ngoài, trong đó trên 500 tổ chức có hoạt động thường xuyên tại Việt Nam. Giá trị viện trợ phi chính phủ nước ngoài giải ngân trong giai đoạn 2003##- 2020 đạt trên 5 tỷ USD (viện trợ không hoàn lại), được triển khai ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
(11) Hội Luật gia, Liên hiệp hữu nghị phối hợp với các đối tác tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm về Biển Đông; Liên hiệp hữu nghị phối hợp với các tổ chức nhân dân khác tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin và chủ động triển khai vận động, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động chống phá Việt Nam tại các cơ chế, diễn đàn đa phương, phối hợp với kênh ngoại giao nhà nước trong các cơ chế báo cáo kiểm điểm định kỳ, các cuộc đối thoại về dân chủ và nhân quyền; các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội và nhiều tổ chức nhân dân thường xuyên cung cấp thông tin về thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người, chủ quyền biển, đảo, hậu quả chất độc da cam, đấu tranh bác bỏ các luận điệu sai trái về Việt Nam.
(12) Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, số 976, tháng 5-2021, tr. 14.