Phát Đạt muốn bán sạch vốn tại bất động sản BIDICI với giá không dưới 1.450 tỷ đồng
Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã PDR) vừa công bố quyết định của hội đồng quản trị (HĐQT) thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của Phát Đạt tại Công ty CP Đầu tư bất động sản BIDICI.
Theo đó, Phát Đạt dự kiến chuyển nhượng toàn bộ 111.720.000 cổ phần, giá trị theo mệnh giá là 1.117,2 tỷ đồng, chiếm 49% vốn điều lệ tại Công ty CP Đầu tư bất động sản BIDICI với giá chuyển nhượng không thấp hơn 130% mệnh giá.
Sau khi hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần, Công ty CP Đầu tư bất động sản BIDICI không còn là công ty liên kết của Phát Đạt.
HĐQT Phát Đạt giao ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT hoặc ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng Giám đốc của Phát Đạt đại diện Phát Đạt tìm kiếm đối tác, đàm phán giá chuyển nhượng toàn bộ cổ phần đảm bảo giá chuyển nhượng không thấp hơn 130% mệnh giá; quyết định thời gian chuyển nhượng cổ phần, phương thức thanh toán, ký kết các hợp đồng chuyển nhượng.
Công ty CP Đầu tư Bất động sản BIDICI được thành lập vào ngày 16/10/2020, hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản. Công ty có trụ sở tại số 1 Ngô Mây, phường Nguyễn Văn Cừ, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định (trùng địa chỉ với Công ty CP Đầu tư Bất động sản Ngô Mây - một công ty con do Phát Đạt nắm giữ 94% vốn điều lệ).
Bất động sản BIDICI có vốn điều lệ 2.280 tỷ đồng, do ông Hoàng Võ Anh Khoa là người đại diện pháp luật. Ngoài ra, ông Hoàng Võ Anh Khoa còn đại diện cho một số doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV Giải trí Đồng Hồ Cát, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và phát triển Đăng Khoa, Công ty TNHH Phát triển và đầu tư ANNAM.
Nỗ lực xoay chuyển dòng tiền
Thời điểm năm 2020, khi Phát Đạt góp vốn vào thành lập Bất động sản BIDICI, Phát Đạt đang có hoạt động kinh doanh khá khởi sắc và dòng tiền kinh doanh khá dồi dào.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2020, Phát Đạt ghi nhận doanh thu thuần 3.911 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 15% so với năm 2019, biên lợi nhuận gộp của công ty cũng ở mức cao hơn so với mặt bằng chung của ngành bất động sản (khoảng 30%). Lợi nhuận sau thuế của Phát Đạt trong năm 2020 đạt 1.220 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm trước đó.
Năm 2020, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Phát Đạt cũng ghi nhận mức dương 4.385 tỷ đồng. Trong khi nhu cầu đầu tư thêm cho việc mua sắm và xây dựng tài sản cố định trong năm chỉ khoảng 485 tỷ đồng.
Do đó, phần lớn số tiền còn lại được công ty dùng để đầu tư tài chính với số tiền góp vốn vào các đơn vị khác lên tới 3.864 tỷ đồng. Trong đó, có việc rót vốn vào Bất động sản BIDICI, với tỷ lệ đầu tư lên tới 49% vốn điều lệ.
Ngoài ra, trong năm 2020, Phát Đạt cũng chi tiền mua 36% quyền sở hữu tại Công ty CP Đầu tư Serenity (thành lập hồi tháng 3/2020), với mục đích thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tuy nhiên, từ năm 2022, cùng với sự khó khăn của thị trường bất động sản, kết quả kinh doanh của Phát Đạt cũng bắt đầu đi xuống với doanh thu giảm 58% và lợi nhuận sau thuế giảm 48% so với mức kỷ lục của năm 2021, dòng tiền kinh doanh chuyển âm 3.379 tỷ đồng.
Sang năm 2023, ngoài khó khăn do thị trường bất động sản trầm lắng, Phát Đạt còn phải đối mặt với thách thức lớn là nợ trái phiếu với khoản nợ là 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này có một cú xoay chuyển bất ngờ khi tất toán trước hạn vào những ngày cuối cùng của năm 2023.
Để tháo gỡ được áp lực về tài chính, đặc biệt là tất toán thành công toàn bộ trái phiếu đúng hạn, Phát Đạt đã quyết liệt triển khai chiến lược tái cấu trúc danh mục đầu tư và tài chính. Trong đó, chấp nhận cả việc hy sinh quyền lợi ngắn hạn như bán một số tài sản, chuyển nhượng cổ phần tại một số công ty con… để tập trung cho những vấn đề cấp bách hơn.
Nhờ đó, sau khi cơ cấu lại toàn bộ khoản vay trái phiếu 2.500 tỷ đồng vào cuối năm 2023 và "sạch" nợ trái phiếu, dư nợ vay/vốn chủ sở hữu của công ty đã giảm về 0,32 lần - thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung của ngành bất động sản Việt Nam cùng thời điểm.
Tại thời điểm 31/12/2023, tổng nợ vay của Phát Đạt là hơn 3.105 tỷ đồng, trong đó điểm đáng chú ý là phần lớn các khoản nợ ngắn hạn trước đây đã được doanh nghiệp đàm phán, cơ cấu lại thành nợ dài hạn.
Việc mạnh tay tái cấu trúc toàn bộ các dự án nhằm cứu vãn dòng tiền, đặc biệt là làm "sạch" nợ trái phiếu của Phát Đạt là cơ sở cho việc đàm phán để tiếp cận các nguồn huy động vốn cho nhu cầu tái phát triển. Trong năm 2023, Phát Đạt đã phát hành thành công 67,16 triệu cổ phiếu riêng lẻ, thu về khoảng 671,6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công ty cũng hoàn tất chuyển nhượng 99,8% quyền sở hữu tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển khu công nghiệp Phát Đạt (PDI), thu về khoản lợi nhuận là 415 tỷ đồng.
Việc thu về được một số nguồn tiền lớn đã giúp Phát Đạt giải tỏa nợ ngắn hạn, đưa dòng tiền kinh doanh chuyển dương trở lại ở mức 425 tỷ đồng. Lợi nhuận từ việc bán công ty con cũng đã góp phần không nhỏ giúp Phát Đạt có lãi sau thuế 682 tỷ đồng trong năm 2023, giảm 41% so với năm 2022.
Tiếp tục huy động vốn khủng
Năm 2024, để có nguồn vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh, ngoài việc tiếp tục chuyển nhượng một số công ty con, Phát Đạt cũng có một loạt kế hoạch huy động vốn như chào bán 134,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu; phát hành gần 131 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 15%; phát hành tối đa 14,6 triệu cổ phiếu ESOP với giá 12.000 đồng/cổ phiếu cho cán bộ nhân viên.
Ngoài ra, Phát Đạt dự định phát hành 34,1 triệu cổ phiếu giá 20.000 đồng để hoán đổi khoản nợ vay 30 triệu USD tại ACA Vietnam Real Estate III LP.
Mới đây, Phát Đạt vừa hoàn tất đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Theo đó, công ty đã phân phối thành công 134,3 triệu cổ phiếu cho 23.945 nhà đầu tư, tương đương 100% tổng số cổ phiếu chào bán ra công chúng. Trong đó, 119,9 triệu đơn vị do cổ đông thực hiện quyền và 14,4 triệu đơn vị bán cho các nhà đầu tư khác khi cổ đông bỏ quyền mua.
Với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, Phát Đạt thu về 1.343 tỷ đồng từ đợt chào bán. Số tiền huy động sẽ được dùng để tài trợ cho dự án Khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị Bắc Hà Thanh; dự án Đầu tư phát triển khu đô thị tại Phân khu số 2, 9 thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, tỉnh Bình Định; hai dự án Khu nhà ở khu phức hợp cao tầng Thuận An 1 và 2 (Bình Dương); dự án Cadia Quy Nhơn (Bình Định).
Phối cảnh dự án Cadia Quy Nhơn - Nguồn: PDR |
Đáng chú ý, các dự án sử dụng nguồn vốn huy động được từ chào bán cổ phiếu cũng chính là các dự án được ban lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng có thể mang về doanh thu lớn cho công ty trong năm nay và các năm tới (khoảng 30.000 - 40.000 tỷ đồng).
Hồi tháng 5, Bất động sản Phát Đạt đã ký thoả thuận bán sỉ toàn bộ 7.400 sản phẩm tại 2 dự án gồm Khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1 và 2 (Bình Dương) và Khu Đô thị Bắc Hà Thanh (Bình Định) cho đối tác Realty Holdings.
Với 4-6 dự án có thể tung ra thị trường trong năm nay, Phát Đạt đặt mục tiêu đạt doanh thu năm 2024 đạt 2.982 tỷ đồng, gấp 4,8 lần năm 2023 và lợi nhuận sau thuế mục tiêu là 880 tỷ đồng, tăng 29% so với năm ngoái. Hết quý I, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 162 tỷ đồng, giảm 15,6% so với cùng kỳ và lãi sau thuế quý đạt 52,6 tỷ đồng, gấp 2,35 lần so với cùng kỳ năm 2023, mới thực hiện được 5,4% kế hoạch doanh thu và 6% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tại thời điểm ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Phát Đạt 21.428 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, chiếm hơn một nửa tỷ trọng là hàng tồn kho, đạt 12.302 tỷ đồng, chủ yếu là tồn kho của dự án The EverRich 2, dự án Thuận An 1, Thuận An 2, dự án Phước Hải và dự án The EverRich 3.
Nợ ngắn hạn của công ty đến cuối quý I tăng 3,5% so với đầu năm lên gần 9.500 tỷ đồng, chủ yếu do tăng nợ vay ngắn hạn từ 815 tỷ đồng lên 1.265 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ vay dài hạn giảm nhẹ 1% còn 2.277 tỷ đồng.