Trang chủ Chính trị - Xã hội
15:50 | 10/03/2025 GMT+7

Phát biểu chính sách của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN

aa
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Indonesia, thăm chính thức Ban Thư ký ASEAN, sáng 10/3, tại Trụ sở Ban Thư ký ASEAN, thủ đô Jakarta, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã dự Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN và có bài phát biểu chính sách quan trọng.
Thủ tướng Christopher Luxon: Thời điểm thích hợp để tạo ra những đột phá trong quan hệ Việt Nam - New Zealand
Việt Nam - ASEAN cùng hướng tới xây dựng Cộng đồng thịnh vượng và năng động
Phát biểu chính sách của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu nội dung Phát biểu chính sách của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Tầm nhìn của Việt Nam về khu vực ASEAN, chủ trương, đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

“Thưa ngài Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn,

Thưa các quý vị và các bạn,

1. Tôi vui mừng trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Indonesia có dịp thăm chính thức và phát biểu tại Ban Thư ký ASEAN - cơ quan thường trực của ASEAN, nơi diễn ra các cuộc họp, hội nghị cấp cao và các cấp của ASEAN, giữa ASEAN và đối tác, cũng là nơi các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua nhiều quyết sách quan trọng đóng góp cho sự phát triển và tương lai của khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Tôi chân thành cảm ơn ngài Tổng Thư ký, các vị lãnh đạo và cán bộ Ban Thư ký ASEAN, cùng các vị đại sứ, đại diện các phái đoàn ngoại giao tại đây đã dành cho tôi và đoàn Việt Nam sự đón tiếp nồng hậu. Trong khán phòng hôm nay, tôi được biết có nhiều học giả, nhà nghiên cứu uy tín, nhiều người đã và đang có những đóng góp quan trọng cho tiến trình phát triển của ASEAN và quan hệ Việt Nam - Indonesia. Tôi trân trọng gửi tới cả các quý vị lời chào và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thưa quý vị và các bạn,

2. Ngay khi đặt chân tới "xứ sở vạn đảo" tươi đẹp, đâu đâu chúng tôi cũng thấy những ánh mắt rạng ngời, những nụ cười rất thân thiện và trìu mến của người dân Indonesia, khiến chúng tôi cảm thấy như được đến thăm nhà một người anh em ruột thịt với rất nhiều nét tương đồng và sự gần gũi. Đất nước Indonesia nổi tiếng về bề dày văn hoá đa dạng, nơi giao thoa của nhiều nền văn minh, tôn giáo lớn trong khu vực trải dài từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương. Thiên nhiên hùng vĩ, kết hợp với những công trình kiến trúc cổ xưa thấm đẫm các giá trị văn hoá tâm linh và cả những công trình kiến trúc hiện đại độc đáo đầy ấn tượng đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách khắp thế giới và Việt Nam.

Đất nước Indonesia còn được biết đến với những tư tưởng vượt khỏi tầm khu vực, trong đó độc lập, tự chủ, tự cường, không liên kết… đã trở thành triết lý đối ngoại của Indonesia. Với nguồn cảm hứng khi đến với xứ sở này và đắm mình trong không khí hết sức ấm áp, thân thiện và đoàn kết tại Ban Thư ký ASEAN, tôi muốn chia sẻ với quý vị một số suy nghĩ về vai trò quan trọng của ASEAN trong bối cảnh hiện nay ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương; về đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nỗ lực đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của ASEAN, khu vực và thế giới.

Kính thưa các quý vị,

3. Trong các thập kỷ gần đây, đặc biệt từ sau đại dịch COVID-19, thế giới và khu vực đang chứng kiến những chuyển động nhanh chóng, tạo ra những thay đổi mang tính thời đại với ba xu thế lớn đang định hình diện mạo tương lai:

Một là, sự tái định hình cục diện thế giới theo hướng đa cực, đa trung tâm, trong đó, cạnh tranh chiến lược và phân tách giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, đặt ra những cơ hội và thách thức chưa từng có đối với trật tự quốc tế hậu chiến và ASEAN.

Hai là, sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ, đặc biệt là những công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, chuỗi khối, sinh học tổng hợp... dẫn tới những thay đổi cơ bản trong đời sống văn hóa - kinh tế, chính trị, xã hội toàn nhân loại, từng dân tộc và mỗi người dân.

Ba là, tác động ngày càng sâu sắc của các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, dịch bệnh, an ninh mạng, già hoá dân số… đòi hỏi các quốc gia phải điều chỉnh phương thức phát triển và hợp tác trong quản trị toàn cầu.

Những xu thế này đang tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống chính trị, an ninh, kinh tế và xã hội toàn cầu, mang lại cơ hội cũng như thách thức đối với tất cả các quốc gia, các tổ chức quốc tế, trong đó có ASEAN và Việt Nam. Hơn bao giờ hết, chúng ta có cảm nhận rõ về khó khăn, thách thức, về rủi ro đối với hoà bình, an ninh, ổn định. Leo thang căng thẳng và xung đột giữa các quốc gia tăng lên mức cao nhất trong 75 năm qua. An ninh toàn cầu ngày càng bất ổn, gần 15% dân số thế giới hiện đang sống tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột. Hợp tác quốc tế và các định chế đa phương đứng trước nhiều thách thức chưa từng có khi lòng tin giữa các quốc gia đang dần bị thay thế bởi đối đầu và nghi kỵ. Chủ nghĩa đa phương mở được thúc đẩy bởi tiến trình toàn cầu hoá mạnh mẽ trong hơn 3 thập kỷ qua đang bị xói mòn. Các thách thức an ninh phi truyền thống và truyền thống đan xen ngày càng phức tạp, làm cho môi trường an ninh và phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á và các nước thành viên ASEAN phức tạp và khó dự báo hơn bao giờ hết. Đúng như nhận định của ngài Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn tại Diễn đàn Tương lai ASEAN lần thứ hai tại Hà Nội vào cuối tháng 2 vừa qua: thế giới hiện nay được đặc trưng bởi "cạnh tranh, đối đầu, thách thức lẫn nhau và phân mảnh".

Tuy nhiên, tôi cho rằng, chính trong những thách thức, khó khăn luôn chứa đựng hoặc xuất hiện cơ hội. Khó khăn thúc đẩy các quốc gia xích lại gần nhau, đối phó với những thách thức chung. Đồng thời, khó khăn cũng mở ra những cơ hội hiếm có cho ASEAN vươn lên bứt phá và khẳng định vị thế mới, trên cơ sở nguyên tắc, giá trị chung và những thành tựu sau gần 60 năm phát triển. Đặc biệt hơn cả, khó khăn, thách thức là động lực cho sự đổi mới. Từ bài học lịch sử của Việt Nam, nếu như không có những khó khăn, thách thức của thập niên 1980 thì chúng tôi chưa chắc đã có công cuộc đổi mới và Việt Nam ngày hôm nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng tôi từng căn dặn: "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên". Đây chính là cơ hội và thời điểm để chúng ta tiếp tục đổi mới và đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Vì vậy, điều chúng ta cần làm là quyết tâm, đồng lòng nhìn thẳng vào những khó khăn, thách thức, tiếp tục thúc đẩy hợp tác, kích thích đổi mới và tạo ra động lực tăng trưởng mới, bền vững cho cả Cộng đồng ASEAN, cho mỗi quốc gia thành viên của ASEAN cũng như các đối tác của ASEAN.

Thưa các quý vị,

4. Nhìn lại lịch sử gần 60 năm của ASEAN cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, đặc biệt là về tinh thần tự lực, tự cường và tự chủ chiến lược. Tôi muốn chia sẻ với quý vị ba câu chuyện điển hình về những quyết định lịch sử của ASEAN tạo nên bước ngoặt phát triển cho khu vực.

Đầu tiên là giai đoạn khủng hoảng tài chính khu vực những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Tác động lan rộng của cuộc khủng hoảng khi đó đã đặt ra câu hỏi về hiệu quả thực sự và triển vọng của liên kết kinh tế khu vực; thậm chí, không ít đánh giá vội vã cho rằng ASEAN sẽ thu mình lại và dựng lên "bức tường" bảo hộ. Nhưng quyết định của ASEAN khi đó hoàn toàn ngược lại. Chính trong khủng hoảng, ASEAN nhận thức rõ hơn về sự tuỳ thuộc và gắn kết giữa các nền kinh tế. Từ quyết định đẩy nhanh lộ trình hội nhập trong Khu vực Thương mại Tự do ASEAN, đến các nỗ lực thúc đẩy sự lưu chuyển tự do của hàng hoá, dịch vụ, đầu tư… chính những quyết định đúng đắn đó đã góp phần quan trọng giúp ASEAN vượt qua khó khăn, ngày nay trở thành một trung tâm của các mạng lưới hiệp định thương mại tự do chiếm 30% dân số thế giới và 32% GDP toàn cầu.

Câu chuyện thứ 2 là quyết định của ASEAN đẩy nhanh hình thành Cộng đồng vào năm 2015, rút ngắn tiến độ 5 năm so với lộ trình ban đầu. Đây là một quyết định mạnh mẽ và kịp thời, được đưa ra vào năm 2007 trong bối cảnh nhu cầu nâng tầm liên kết của ASEAN trở nên cấp thiết để bắt kịp xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập ngày càng sâu sắc. Hiến chương ASEAN có hiệu lực năm 2008 tạo dựng khuôn khổ pháp lý và thể chế toàn diện cho liên kết ASEAN. Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN ngày 31/12/2015 là bước chuyển mới về chất của ASEAN trên cả ba trụ cột: (1) Chính trị - an ninh; (2) Kinh tế và (3) Văn hoá - xã hội. ASEAN ngày nay đã trở thành Cộng đồng 10 quốc gia thống nhất trong đa dạng; là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới với tốc độ tăng trưởng hàng đầu; là trung tâm của các tiến trình liên kết khu vực và toàn cầu; là cầu nối của đối thoại, hợp tác vì hoà bình và phát triển ở khu vực, góp phần tích cực vào định hình một trật tự thế giới mới.

Cuối cùng là câu chuyện về nỗ lực phi thường của ASEAN vượt qua đại dịch COVID -19. Trước thách thức chưa từng có tiền lệ từ sự bùng phát của dịch bệnh, ASEAN đã huy động sức mạnh tổng thể, biến nhu cầu hợp tác ứng phó thành mẫu số lợi ích chung của các quốc gia, cùng nhau duy trì ổn định các hoạt động của ASEAN, giữ vững đà xây dựng Cộng đồng. Giữa những gam màu ảm đạm của bức tranh kinh tế thế giới, ASEAN tiếp tục nổi lên là một điểm sáng tích cực với dự báo tăng trưởng năm 2025 đạt 4,7%. Để tận dụng các động lực tăng trưởng mới, hàng loạt các khuôn khổ hợp tác đang được khẩn trương xây dựng để nâng cao lợi thế cạnh tranh của ASEAN, định hình và dẫn dắt các xu hướng hợp tác mới ở khu vực.

5. Những câu chuyện trên là minh chứng về các giá trị cốt lõi đã làm nên thành công và bản sắc của ASEAN trong gần 6 thập kỷ qua. Đoàn kết, tự cường, hợp tác, thống nhất trong đa dạng tiếp tục là những chìa khoá bảo đảm thành công của ASEAN trong bối cảnh đầy biến động hiện nay. Sự xuất hiện của ngày càng nhiều thách thức với tác động đa chiều, sâu rộng đòi hỏi ASEAN có cách tiếp cận sáng tạo, linh hoạt và đổi mới, kể cả trong quá trình ra quyết định. Đồng thuận, đoàn kết không có ý nghĩa là luôn giữ mình trong vùng an toàn cho tất cả các bên. Ngược lại, các thành viên trong gia đình ASEAN phải dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì lợi ích chung. Đó mới chính là ý nghĩa và giá trị thực sự của đồng thuận và đoàn kết.

6. Bước vào giai đoạn phát triển mới, ASEAN chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ và sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030. Có thị trường tiêu dùng hơn 800 triệu dân, đồng thời sẽ là trung tâm công nghệ, kinh tế số và đổi mới sáng tạo, với nền kinh tế số của ASEAN đang phát triển nhanh và dự kiến sẽ đạt mốc 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Trước những biến động phức tạp hiện nay, để duy trì và phát huy các thành quả đã đạt được một cách hiệu quả và bền vững, khẳng định tầm vóc và vị thế tâm điểm, ASEAN không chỉ cần sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng, mà còn cần có tư duy đột phá, chiến lược sắc bén, lộ trình khả thi, nguồn lực tập trung và hành động quyết liệt. Tôi có một số suy nghĩ về việc tạo đột phá trong phát huy các giá trị chiến lược của ASEAN, nâng cao uy tín và vai trò của ASEAN trong thời gian tới.

Thứ nhất, bảo đảm tự chủ chiến lược và linh hoạt nhằm tăng cường khả năng thích ứng và ứng phó trước các thách thức và biến động nhanh chóng trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược. ASEAN cần phối hợp với trách nhiệm cao hơn trong tăng cường đoàn kết nội khối. Đây là yếu tố quyết định để ứng phó với các áp lực bên ngoài, duy trì tiếng nói độc lập và cân bằng trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt. Theo đó, ASEAN cần gia tăng đồng thuận thông qua tham vấn, đối thoại, đan xen lợi ích giữa các thành viên; nâng cao ý thức cộng đồng và sự chủ động, tích cực hơn từ mỗi quốc gia thành viên trong tìm kiếm mẫu số chung về lợi ích, bản sắc và giá trị ASEAN.

Thứ hai, tự cường hơn về kinh tế, tận dụng và phát huy lợi thế của ASEAN là không gian phát triển kinh tế rộng lớn và giàu tiềm năng, vươn lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu để trở thành trung tâm sản xuất chiến lược của thế giới. ASEAN cần sáng tạo hơn trong các giải pháp phát triển, có những cách tiếp cận mới trong thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhất là về đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bảo đảm hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xanh, bao trùm, bền vững. ASEAN cần trở thành trung tâm của các sáng kiến đột phá về công nghệ, biến các nghiên cứu khoa học thành ứng dụng thực tiễn, hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, phát huy hơn nữa bản sắc và giá trị của ASEAN. Tăng cường kết nối văn hoá và giao lưu nhân dân, phát huy các giá trị mang bản sắc của ASEAN như đồng thuận, hài hòa và tôn trọng khác biệt. Gìn giữ và phát huy "Phương cách ASEAN" - một di sản văn hóa quý báu trong phương thức ra quyết định của Hiệp hội, đặc biệt là lấy người dân làm trung tâm, mục tiêu và động lực của phát triển bền vững. Trong bối cảnh an ninh lương thực, an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu đã và đang tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, nhiệm vụ của ASEAN là chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt để có thể chủ động thích ứng trong mọi hoàn cảnh, bảo đảm cuộc sống ổn định và thịnh vượng cho người dân.

Thứ tư, tăng cường hiệu quả trong xây dựng các chuẩn mực ứng xử nhằm điều hoà và điều hướng mối quan hệ giữa các nước ở khu vực trên cơ sở nguyên tắc cân bằng, bao trùm và hợp tác cùng có lợi. Đồng thời, phải bảo đảm tính thực chất trong triển khai các sáng kiến và cam kết hợp tác. Trước thực trạng gia tăng cọ xát chiến lược giữa các nước lớn, ASEAN cần thể hiện đoàn kết cả trong ứng xử và hành động, duy trì vai trò trung tâm, phát huy vai trò kết nối, cầu nối, khuyến khích các bên tham gia vào các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, tạo nền tảng đối thoại và hợp tác thiện chí, thúc đẩy hợp tác và duy trì ổn định, hoà bình cho khu vực và thế giới, trên cơ sở bảo đảm tuân thủ tôn chỉ và nguyên tắc do các cơ chế của ASEAN đề ra. Đặc biệt, ASEAN cần chủ động hơn trong việc dùng "phương cách ASEAN" để tìm giải pháp lâu dài, bền vững cho các vấn đề trong cũng như ngoài khu vực Đông Nam Á.

Thứ năm, tập trung cùng nhau giải quyết những vấn đề trong nội khối để giúp Myanmar ổn định và phát triển; giúp Timor Leste sớm trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN.

Thưa quý vị,

7. Việt Nam tự hào với tiến trình hội nhập quốc tế được triển khai trong hơn 30 năm qua, mà trong đó ASEAN là điểm khởi đầu, là tiền đề cho Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và thế giới. Từ một nước bị cô lập, cấm vận, Việt Nam ngày nay có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia và là thành viên của hơn 70 diễn đàn, tổ chức khu vực và thế giới. Mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết và triển khai với hơn 60 quốc gia và nền kinh tế đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thu hút đầu tư nước ngoài và về quy mô thương mại.

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với 35 quốc gia, gồm tất cả các thành viên ASEAN và các đối tác quan trọng của ASEAN. Có thể khẳng định, hợp tác với các thành viên ASEAN và với mạng lưới các đối tác của ASEAN đã góp phần quan trọng vào việc bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho Việt Nam phát triển và ngày càng thịnh vượng, mở ra không gian phát triển đầy tiềm năng cho Việt Nam và giúp Việt Nam nâng cao uy tín, vai trò và vị thế quốc tế.

Là một thành viên tin cậy, tích cực và trách nhiệm của khu vực và thế giới, Việt Nam đã và đang nỗ lực đóng góp nguồn lực và trí lực vào các cơ chế hợp tác quan trọng hàng đầu của khu vực và toàn cầu. Những đóng góp của Việt Nam trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Ủy viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc và các cơ chế hợp tác khu vực quan trọng như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), 3 lần là Chủ tịch ASEAN (các năm 1998, 2010, 2020)… được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Việt Nam hiểu rằng, song hành với sự gia tăng về vị thế là sự gia tăng của trách nhiệm, với gia đình ASEAN, với bạn bè khu vực và với những vấn đề quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử này là nền tảng quan trọng để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Việt Nam xác định quyết tâm theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bứt phá 8% trong năm 2025 và trên 2 con số trong những năm tiếp theo; đưa đất nước trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Chúng tôi gắn phát triển kinh tế nhanh, bền vững với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh với khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt; đồng thời, tiếp tục lấy con người là trung tâm, là động lực của phát triển; xây dựng Nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân.

Trong kỷ nguyên phát triển mới, Việt Nam tiếp tục kiên định thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện. Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực và chủ động hơn nữa vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại.

Với khát vọng của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, chúng tôi cũng tin tưởng rằng, hòa bình là nền tảng để phát triển. Kế thừa truyền thống hào khí, giàu tính nhân văn của dân tộc "Nối hai nước tình hòa hiếu; tắt muôn đời lửa chiến tranh", "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn; lấy chí nhân mà thay cường bạo", Việt Nam kiên trì chính sách quốc phòng "bốn không": (1) Không tham gia liên minh quân sự; (2) Không liên kết với nước này để chống nước kia; (3) Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; (4) Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Việt Nam luôn kiên định ủng hộ việc tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, phản đối các hành động đơn phương, chính trị cường quyền, sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

8. Từ khi bắt đầu mở cửa và hội nhập, chúng tôi luôn xác định ASEAN là cơ chế hợp tác đa phương gắn bó trực tiếp, quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam. Trong hơn 3 thập kỷ qua kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam dành ưu tiên hàng đầu cho việc củng cố, tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, nỗ lực đóng góp hết sức mình vào việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh và tự cường, qua đó khẳng định vị thế quốc tế của mình với tư cách một thành viên của gia đình ASEAN. Ưu tiên đối ngoại của Việt Nam thời gian tới là nỗ lực cùng ASEAN tiếp tục xây dựng một cộng đồng vững mạnh, đoàn kết, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phồn vinh ở khu vực.

Đứng trước khởi điểm lịch sử mới, Việt Nam và ASEAN cùng hướng tới những mục tiêu đầy khát vọng. Trong hành trình phát triển tiếp theo với những kỳ vọng mới đặt ra cho ASEAN, Việt Nam nhận thức rõ hơn trách nhiệm tham gia chủ động và đóng góp nhiều hơn cho công việc chung, với phương châm sáng tạo trong tư duy, đổi mới trong tiếp cận, linh hoạt trong triển khai, hiệu quả trong cách làm và quyết liệt trong hành động. Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các thành viên ASEAN góp phần hiện thực hoá những tiềm năng và hoá giải các thách thức, trong đó có nỗ lực xây dựng một cấu trúc khu vực bao trùm, bền vững, kết nối về chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại, văn hoá, xã hội và giao lưu nhân dân; đồng thời, đề cao ứng xử dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế là phương cách tốt nhất, căn cơ nhất để bảo đảm hoà bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và thế giới.

Việt Nam sẽ tiếp tục chung tay cùng các nước ASEAN hiện thực hóa sứ mệnh lịch sử của ASEAN, lan tỏa các câu chuyện thành công của ASEAN. Với các nước thành viên, đó là câu chuyện của tình đoàn kết, gắn bó và tương trợ, tự lực, tự cường, tự chủ chiến lược, triển khai thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, vì lợi ích thiết thực của các nước thành viên và của Cộng đồng. Đối với khu vực, đó là câu chuyện của quan hệ đối tác toàn diện, sâu rộng giữa ASEAN và các đối tác trên tinh thần thiện chí, trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, phấn đấu cho hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững. Với thế giới, là câu chuyện trao truyền hy vọng và cảm hứng, ASEAN là hình mẫu thành công về liên kết, mang lại niềm tin và động lực cho đoàn kết, hợp tác phát triển ở nhiều nơi trên thế giới, gắn kết quan tâm của các khu vực với quan tâm của toàn cầu, tạo sức mạnh cộng hưởng cùng xử lý hiệu quả các vấn đề toàn cầu, hiện thực hoá khát vọng chung về hoà bình và phát triển.

Chúc ngài Tổng Thư ký, các quý vị và các bạn sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Trân trọng cảm ơn các quý vị đã chú ý lắng nghe”.

Việt Nam đóng vai trò then chốt trong đảm bảo thành công chương trình hành động của ASEAN Việt Nam đóng vai trò then chốt trong đảm bảo thành công chương trình hành động của ASEAN
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã trả lời phỏng vấn báo chí về những nội dung liên quan đến Diễn đàn Tương lai ASEAN.
Thủ tướng Christopher Luxon: Thời điểm thích hợp để tạo ra những đột phá trong quan hệ Việt Nam - New Zealand Thủ tướng Christopher Luxon: Thời điểm thích hợp để tạo ra những đột phá trong quan hệ Việt Nam - New Zealand
Nhận lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 25-28/2/2025, đồng thời dự Diễn đàn Tương lai ASEAN lần thứ hai tại Hà Nội.

Theo Báo Tin tức

https://baotintuc.vn/thoi-su/phat-bieu-chinh-sach-cua-tong-bi-thu-to-lam-tai-le-ky-niem-30-nam-viet-nam-gia-nhap-asean-20250310143334101.htm

Theo Báo Tin tức
Nguồn: baotintuc.vn

Tin bài liên quan

Malaysia và nhiều nước đánh giá cao Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ, ủng hộ cách tiếp cận của Việt Nam

Malaysia và nhiều nước đánh giá cao Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ, ủng hộ cách tiếp cận của Việt Nam

Chiều 6/4, theo đề nghị của phía Malaysia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim để trao đổi về tình hình quan hệ song phương và đánh giá về một số vấn đề khu vực, quốc tế mới nổi gần đây.
Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald J.Trump

Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald J.Trump

Tối 4/4/2025, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald J.Trump về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Tăng tốc hợp tác Việt Nam - Singapore trong kỷ nguyên mới

Tăng tốc hợp tác Việt Nam - Singapore trong kỷ nguyên mới

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 25-26/3. Đây là chuyến công du đầu tiên tới Việt Nam của ông Lawrence Wong trên cương vị Thủ tướng. Sự kiện được đánh giá là cột mốc quan trọng, phản ánh tầm cao mới trong quan hệ song phương cũng như kỳ vọng mạnh mẽ từ cả hai phía về hợp tác thực chất và bền vững.

Các tin bài khác

Thủ tướng: Hội nhập để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vượt lên

Thủ tướng: Hội nhập để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vượt lên

Tối 7/4, kết luận hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài tăng cường kết nối kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam với các nước để thích ứng tốt hơn với tình hình, chủ động thích ứng với tình hình mới về thương mại quốc tế, triển khai Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị và bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về hội nhập quốc tế trong tình hình mới...
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương

Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương

Sáng 7/4 (tức 10/3 năm Ất Tỵ), tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ thay mặt đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài long trọng tổ chức Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương. Chủ tịch nước Lương Cường tới dự và dâng hương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính viếng nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone

Thủ tướng Phạm Minh Chính viếng nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone

Sáng 7/4/2025, tại Thủ đô Vientiane, Lào, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào viếng nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào Khamtay Siphandone.
Giai đoạn mới trong quan hệ hữu nghị Việt Nam - Burundi

Giai đoạn mới trong quan hệ hữu nghị Việt Nam - Burundi

Chuyến thăm của Tổng thống Burundi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước

Đọc nhiều

Phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng trước thềm Đại hội XIV

Phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng trước thềm Đại hội XIV

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang chuẩn bị tốt các nội dung, kế hoạch, tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đây là thời điểm vô cùng quan trọng, mang tính bước ngoặt để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới.
Tăng cường gắn kết và hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Nhật Bản phát triển

Tăng cường gắn kết và hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Nhật Bản phát triển

Ngày 6/4 Liên hiệp hội người Việt Nam tại Nhật Bản (Liên hiệp hội) đã tổ chức Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2025 - 2028, thảo luận và đề ra phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới nhằm tăng cường gắn kết và hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Nhật Bản phát triển.
Ấm áp nghĩa tình Việt Nam trong dịp Tết cổ truyền nước bạn

Ấm áp nghĩa tình Việt Nam trong dịp Tết cổ truyền nước bạn

Nhân dịp Tết cổ truyền Chaul Chnam Thmay của Campuchia và Bunpimay của Lào năm 2025, nhiều đoàn công tác của Việt Nam đã tổ chức các hoạt động khám, chữa bệnh miễn phí và tặng quà cho người dân hai nước bạn.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và tinh thần gắn kết cộng đồng

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và tinh thần gắn kết cộng đồng

Thời Hùng Vương vẫn lung linh huyền sử. Vua Hùng vừa huyền ảo vừa hiện thực, là biểu tượng vừa hư vừa thực của cội nguồn dân tộc. Nhưng tín ngưỡng thờ Vua Hùng là biểu hiện rất thực của tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương là điểm hội tụ văn hóa tâm linh và sức mạnh đại đoàn kết Việt Nam.
Hải quân Việt Nam - Thái Lan: Phối hợp giải quyết tốt các vấn đề trên biển

Hải quân Việt Nam - Thái Lan: Phối hợp giải quyết tốt các vấn đề trên biển

Từ ngày 2-6/4, tàu H.T.M.S NARRESUAN (FFG-421) cùng đoàn công tác Vùng 1 Hải quân Hoàng gia Thái Lan do Phó Đô đốc Arpa Chapanont, Tư lệnh Vùng 1 Hải quân Hoàng gia Thái Lan làm trưởng đoàn, đã thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân (TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).
Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân kiểm tra kết quả huấn luyện tháng đầu tại các đơn vị

Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân kiểm tra kết quả huấn luyện tháng đầu tại các đơn vị

Ngày 1 và 2/4, đoàn kiểm tra Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân do Đại tá Trịnh Xuân Tùng, Tư lệnh Vùng làm trưởng đoàn đến kiểm tra tháng đầu huấn luyện tại các đơn vị trực thuộc Vùng đóng quân trên địa bàn TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Hải quân Việt Nam - Thái Lan hoàn thành tuần tra chung lần thứ 51, giữ vững an ninh vùng biển giáp ranh

Hải quân Việt Nam - Thái Lan hoàn thành tuần tra chung lần thứ 51, giữ vững an ninh vùng biển giáp ranh

Sáng 2/4, các Biên đội tàu 263, 261 (thuộc Hải đội 515, Lữ đoàn 175, Vùng 5 Hải quân nhân dân Việt Nam) đã cập quân cảng Vùng 5 (tỉnh Kiên Giang), kết thúc tốt đẹp chuyến tuần tra chung thường niên lần thứ 51 với các Biên đội tàu 421, 561 của Hải quân Hoàng gia Thái Lan.
infographics pha lau thang co vao danh sach mon ham ngon nhat dong nam a
thi diem thuc hien du an nha o thuong mai tu 142025
infographic 9 dai hoc viet nam vao bang xep hang the gioi theo nhom nganh nam 2025
infographics lua dao lam cong tac vien chot don hang online
4 noi dung va 3 muc tieu chinh cua dai hoi dang cac cap nhiem ky 2025 2030
11 nuoc co quan he doi tac chien luoc toan dien voi viet nam
canh bao gia tang lua dao tren khong gian mang
Xin chờ trong giây lát...
[Video] 60 phút - Hành trình thay đổi cuộc đời
MV "Bắc Bling": Cụ già, em nhỏ ngân nga, du khách gần xa tỏ bày hứng thú
[Video] Dự án CAF: Ươm mầm những công dân toàn cầu tương lai
[Video] Du khách quốc tế trải nghiệm lễ Phật đầu năm tại chùa Tam Bảo (Đà Nẵng)
Tết của bác sĩ trực cấp cứu - hồi sức tích cực
Đại sứ nhóm G4 hát "Năm qua đã làm gì"
[Video] Bản hòa ca tình hữu nghị chào năm mới 2025
[Video] 30 năm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: từ chiến tranh đến đối tác chiến lược toàn diện
[Video] Samaritan’s Purse và Plan International Việt Nam hỗ trợ người dân Việt Nam phục hồi sau bão
[Video] Tái thiết thôn Làng Nủ: Quân đội - Nhân dân đồng hành xây dựng tương lai mới
[Video] Tổ chức Cứu trợ Trẻ em và hành trình 10 năm thay đổi cuộc sống trẻ em vùng cao
[Video] Kinh nghiệm tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mới
Halloween: ứng xử thế nào cho đúng?
[Video] Hà Nội rực rỡ sắc cờ chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
[Video] Người nước ngoài dọn cây đổ, tiếp tế cho bà con vùng lũ
Phiên bản di động