Phạm Văn Đồng: “Vị thủ tướng không có tài sản để lại cho con”
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh TL
Trước khi lên máy bay vào Quảng Ngãi dự lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1/3/1906 - 1/3/2016), ông Nguyễn Tiến Năng (nguyên thư ký, trợ lý Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1972-2000) đã dành một buổi sáng để chia sẻ với Tuổi Trẻ những câu chuyện kỷ niệm về “anh Tô”.
Trong căn nhà nằm sâu trên phố Nguyễn Phúc Lai (phường Ô Chợ Dừa, Hà Nội), ông Năng lần giở cuốn album lưu giữ những tấm hình kỷ niệm cuộc đời công tác của ông, trong đó nổi bật là những chuyến đi làm việc của Thủ tướng Phạm Văn Đồng về các địa phương mà ông Năng góp mặt với tư cách thư ký.
“Mạnh dạn mà làm, dũng cảm mà làm”
Ông Năng kể lại hai câu chuyện từ hơn 30 năm trước. Đó là những ngày đất nước trong bối cảnh khó khăn gay gắt của “đêm trước” đổi mới. Tháng 10-1980, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có lịch đi thăm, làm việc tại tỉnh Hải Hưng (bao gồm hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên hiện nay) và thành phố Hải Phòng.
Khi đến Hải Hưng, lãnh đạo tỉnh đón Thủ tướng và báo cáo rằng Hải Phòng đã phá phong trào hợp tác hóa nông nghiệp bằng khoán hộ. Hải Hưng sẽ là con đê ngăn chặn làn sóng khoán hộ của Hải Phòng. Sau khi nghe cặn kẽ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng biểu dương những cố gắng của Hải Hưng và hài hước nói rằng: “Tôi sẽ xem Hải Phòng phá như thế nào?”.
Lúc bấy giờ khi đi thực tế xem xét “khoán chui” ở Đồ Sơn (Hải Phòng), ông Nguyễn Tiến Năng thấy không khí lao động hăng say của bà con nông dân, lúa tốt, đời sống người dân được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Báo cáo lại thực tế đó với Thủ tướng, ông Năng nghe “anh Tô” nhận xét: “Đó là cái mà chúng ta đang tìm: quyền làm chủ của người dân”.
Trong cuộc làm việc sau đó với lãnh đạo Hải Phòng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nêu thẳng vấn đề: Tôi vừa nghe rằng Hải Phòng đã phá hợp tác hóa nông nghiệp, hôm nay tôi muốn nghe các đồng chí báo cáo đã phá như thế nào?
Tưởng là vị lãnh đạo Chính phủ sẽ phê phán nhưng không phải vậy, sau khi nghe báo cáo kết quả của việc khoán sản phẩm trong nông nghiệp, Thủ tướng đã hoan nghênh nông thôn Hải Phòng đang đổi mới, đồng thời nhấn mạnh cái mới luôn luôn có khó khăn. “Mười phần mà làm tốt năm phần, hai phần vừa vừa và ba phần hỏng cứ mạnh dạn mà làm, dũng cảm mà làm, có sai thì sửa, không sai mới lạ” - Thủ tướng nói.
Thừa lệnh Thủ tướng, ông Nguyễn Tiến Năng về Hà Nội báo cáo kết quả làm việc ở Hải Phòng với Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Chí Công - người phụ trách lĩnh vực nông nghiệp.
Sau khi tổng kết kinh nghiệm giao khoán cho hộ xã viên ở một số địa phương, trong đó có Hải Phòng, ngày 13-1-1981 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra chỉ thị 100 về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp.
Chủ trương này được nông dân nhiệt liệt hưởng ứng, đã có tác dụng chặn đứng sự sa sút trong nông nghiệp và mở đầu bước đổi mới cơ chế quản lý trong những năm sau, tạo đà cho sự phát triển của nông nghiệp trong những năm 1981-1986.
"Vấn đề không phải là sống bao lâu, mà chính là sống để làm gì, sống vì nước, vì dân, vì ngày nay và ngày mai" - Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu tại lễ mừng thọ 90 tuổi. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Văn Đồng (phải) và thư ký Nguyễn Tiến Năng - Ảnh tư liệu
“Hội nghị Đà Lạt”
Ba năm sau sự kiện Đồ Sơn, tháng 7/1983 Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đi nghỉ ở Đà Lạt. Nhân dịp này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Linh đã tổ chức một đoàn cán bộ chủ chốt và lãnh đạo một số doanh nghiệp của thành phố đến làm việc với các vị lãnh đạo đến từ Hà Nội. Cuộc làm việc này đã đi vào lịch sử sự nghiệp đổi mới với tên gọi “Hội nghị Đà Lạt”.
Tại đó, các cán bộ và lãnh đạo doanh nghiệp của TP.HCM đã kiến nghị với trung ương nhiều giải pháp tâm huyết nhằm tháo gỡ khó khăn của cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp. Có một ông giám đốc xí nghiệp trên địa bàn thành phố vừa nói vừa khóc, bởi những trói buộc của cơ chế khiến các xí nghiệp bó tay.
Ngày làm việc đầu tiên, không khí khá nặng nề khi các nguyên tắc quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa được nêu ra. Nhưng sau một đêm suy nghĩ, sang ngày làm việc thứ hai Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đều bày tỏ ủng hộ cho phép TP.HCM làm thử cơ chế mới.
“Cái gì đúng thì khẳng định, cái gì sai thì rút kinh nghiệm chỉnh sửa” - ông Phạm Văn Đồng nói. Tiếp đó, ông Trường Chinh đồng tình và căn dặn thêm: “Tôi lưu ý phải rất tỉnh táo, làm từng bước, từng phần và thường xuyên báo cáo về trung ương”. Lúc này, không khí trong phòng họp sôi động hẳn lên và mọi người vui vẻ vỗ tay hồi lâu.
Theo ông Nguyễn Tiến Năng, tư duy kinh tế của Thủ tướng Phạm Văn Đồng có sự đột phá rõ ràng, dứt khoát thể hiện qua các cuộc làm việc ở Hải Phòng và Đà Lạt. Đó là kết quả của sự trăn trở, tìm tòi, thử nghiệm trong quá trình điều hành Chính phủ qua các cuộc vận động “ba xây ba chống”, “cải tiến quản lý xí nghiệp”, “cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp”...
Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người luôn ủng hộ cái mới, đồng tình với lãnh đạo tỉnh Long An chủ trương bù giá vào lương; với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc giao đất giao rừng cho dân phát triển kinh tế đồi rừng; khuyến khích Công ty Lương thực TP.HCM (do bà Ba Thi làm giám đốc) mua thóc, xay xát, phân phối lưu thông lương thực cả bên ngoài thành phố.
Ông Năng kể tiếp: “Trong những năm cuối đời, dù sức khỏe yếu, anh Tô vẫn ngày đêm quan tâm tình hình đất nước và cố gắng đóng góp ý kiến của mình với các đồng chí có trách nhiệm.
Quá trình chuẩn bị Đại hội IX của Đảng, trong các năm 1998, 1999 anh Tô đã dành nhiều thời gian để làm việc và nghiên cứu tài liệu, một trong những điều anh thường nhắc đến là để có hướng đi trúng, không chệch, Đảng ta, Nhà nước ta trong tình hình mới phải tiếp tục đổi mới, phải đẩy mạnh nghiên cứu lý luận. Con đường đi lên là đổi mới, không thể giáo điều, cổ hủ, bám lý luận cũ, gây suy thoái trong sự nghiệp của Đảng ta”.
Ông Nguyễn Tiến Năng và cuốn album lưu giữ những tấm hình kỷ niệm thời công tác - Ảnh: V.V.T.
“Ba chỉ để lại một sự nghiệp phải tiếp tục”
Không giấu được xúc động, ông Năng nhớ lại câu chuyện về đôi mắt của người thầy, người anh, người thủ trưởng kính yêu của mình.
Khi đôi mắt của cố vấn Phạm Văn Đồng bị mờ dần trong những năm cuối đời và đi ra ngoài thường phải đeo kính đen, qua đường ngoại giao, lãnh đạo một số nước gợi ý mời nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang chữa mắt.
Tuy nhiên bạn chỉ đài thọ kinh phí trong thời gian ở bệnh viện, còn các chi phí khác khi lưu lại để theo dõi và cho người đi theo phục vụ thì ta phải tự trang trải, tính ra tốn số tiền khá lớn. Sau khi suy nghĩ nhiều ngày, ông Phạm Văn Đồng nói với các trợ lý: “Việc đi lại quá tốn kém mà lại là ngoại tệ mạnh, ta đang phải bươn chải tìm kiếm từng đồng đôla để nhập những vật tư, thiết bị cần thiết cho nền kinh tế quốc dân, phục vụ đời sống nhân dân, đi chữa bệnh mà không nắm chắc kết quả, lại tiêu phí tiền bạc của dân là có tội với dân và còn hàm ơn nước bạn. Vậy thì đi làm gì?”.
Sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng không bao giờ có ý định viết hồi ký. Những năm cuối đời, nhiều người nêu vấn đề này với ông nhưng ông gạt đi và dành thời gian để nghiên cứu, viết về Bác Hồ.
Từ năm 1991 đến 1998, ông Phạm Văn Đồng đã viết thêm được bốn cuốn sách về Bác Hồ, ngoài ra còn hai cuốn Văn hóa và đổi mới, Về vấn đề giáo dục và đào tạo cùng trên 40 bài báo. Cho đến vài tuần trước khi vào nằm ở Viện Quân y 108 và ra đi vào cõi vĩnh hằng, ông mới đồng ý kể lại cho những người cháu ghi lại phần nào cuộc đời mình, chủ yếu viết cho gia đình.
Trước khi mất, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gọi con trai duy nhất là Phạm Sơn Dương lại bảo: “Ba không có tài sản gì để lại cho con. Ba chỉ có một sự nghiệp phải tiếp tục. Ba yêu cầu con chăm sóc má của con, chăm lo dạy bảo các con của con mạnh khỏe, ngoan ngoãn, học giỏi, trở thành người có ích cho xã hội, cho đất nước, con xứng đáng là người sĩ quan của quân đội ta”.
Lúc cưới vợ cho con, Thủ tướng Phạm Văn Đồng định không mời ai. Nhưng anh em thuyết phục thì ông mới đồng ý tổ chức bình thường, đám cưới rất giản dị với bánh kẹo, nước trà. Mọi người tới dự rất đông dù trời mưa để xem “đám cưới con ông thủ tướng thế nào”.
Thủ tướng gửi lời xin lỗi ông sửa xe đạp “Con trai duy nhất của anh Tô là Phạm Sơn Dương. Thuở nhỏ đi học tiểu học ở một trường trong quận Ba Đình. Một hôm, Sơn Dương chơi đùa rồi cãi và đánh nhau với bạn là con trai một ông nhà nghèo sửa xe đạp trên đường phố, bị đánh khá đau, có vết bầm trên mặt. Anh Tô bảo mấy người giúp việc: các cháu nhỏ cùng học va chạm nhau rồi xô xát là điều không tốt, nhưng vẫn có xảy ra. Đừng làm to chuyện. Bảo ban cháu Dương và nhất là tìm hiểu xem cháu kia có bị đau không, nếu cần thì phải gặp ông chữa xe đạp nói lời tử tế, cho tôi thăm hỏi và xin lỗi”. (Lời kể của nhà thơ Việt Phương, nguyên trợ lý Thủ tướng Phạm Văn Đồng) |
Theo Tuổi Trẻ