PCPNN giúp Quảng Trị đạt nhiều thành tựu trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh
Quảng Trị là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành Chương trình hành động khắc phục hậu quả bom mìn 10 năm (2016-2025), cụ thể hóa thành các kế hoạch hành động 5 năm để huy động, lồng ghép và sử dụng một cách hiệu quả các nguồn lực của TW, các tổ chức nước ngoài và địa phương.
Tỉnh đã thành lập trung tâm hành động bom mìn; lập bản đồ số kết hợp xử lý các khu vực ô nhiễm bom mìn cao; áp dụng các công nghệ tiên tiến trong rà phá; thiết lập hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu dùng chung cho hoạt động xử lý hậu quả bom mìn, lồng ghép các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (SEDP).
Thành viên của Tổ chức PTVN làm việc tại một địa điểm tháo gỡ bom mìn. (Ảnh: ĐSQ Mỹ) |
Sau 3 năm triển khai Kế hoạch giai đoạn 2021-2025, công tác khắc phục hậu quả bom mìn đã có hiệu quả với tổng diện tích được khảo sát phi kỹ thuật và kỹ thuật hơn 61.000 ha tại 690 thôn, chiếm 86% tổng số thôn trên toàn tỉnh. Phát hiện và xử lý 76.873 bom mìn các loại và thực hiện trên 4.600 nhiệm vụ lưu động. Đây là kết quả của sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương và đặc biệt là sự đóng góp về nguồn lực, kinh nghiệm và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2021-2023, có 6 tổ chức, dự án phi Chính phủ nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị gồm: MAG, RENEW, PTVN, CRS, NPA, GWHF.
Có 47 dự án/viện trợ phi Chính phủ nước ngoài trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) với tổng vốn tài trợ cam kết đến tháng 3/2026 khoảng 57,56 triệu USD.
Những nỗ lực của các tổ chức quốc tế, các tổ chức PCPNN đã góp phần giảm thiểu tai nạn bom mìn hằng năm trên địa bàn tỉnh. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã giúp tỉnh rà phá, làm sạch gần 30.000 ha đất không còn bom mìn; phát hiện và xử lý an toàn trên 800.000 bom mìn và vật liệu nổ... Đặc biệt, thông qua chương trình giáo dục phòng tránh bom mìn đã nâng cao nhận thức về nguy hiểm từ bom mìn cho 630.000 lượt người.
Ngoài ra, gần 1.000 nhân viên kỹ thuật địa phương được đào tạo và trang cấp thiết bị, phương tiện hiện đại đã giúp tỉnh Quảng Trị giải quyết hậu quả bom mìn một cách bền vững, nhằm hướng đến mục tiêu năm 2025 Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trong cả nước không còn chịu tác động của bom mìn và vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh.
Quảng Trị là tỉnh có tỷ lệ ô nhiễm bom mìn cao nhất cả nước với gần 82% trên tổng diện tích đất. Bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở địa phương đã khiến trên 3.430 người chết, 5.100 người bị thương. Theo đại diện lãnh đạo Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị, để đạt được mục tiêu này, địa phương tập trung hoàn thành khảo sát, lập bản đồ các khu vực bị ô nhiễm bom chùm để giám sát xử lý; 100% người dân được trang bị kiến thức và được cung cấp các dịch vụ hỗ trợ để sống và làm việc an toàn, giảm thiểu tai nạn do bom mìn, vật liệu nổ gây ra... |