Ông Nguyễn Đình Khuyến: Đây là thời điểm lịch sử với sự phát triển của hồ Tây
-Thưa ông, trước khối lượng công việc đồ sộ với hồ Tây, thì đâu sẽ là những việc UBND Quận sẽ ưu tiên thực hiện để sớm cải tạo cảnh quan và môi trường cho khu vực đặc biệt này?
-Có thể nói phát triển hồ Tây là một đề án lớn, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau và được lồng ghép vào cả một chương trình tổng thể về phát triển của Thủ đô Hà Nội. Vì vậy, khối lượng công việc rất nhiều, phủ rộng trên nhiều mặt. Cũng vì thế, nên chúng tôi nhận thức rất rõ là không thể tập trung đủ nguồn lực để thực hiện nếu cứ bày ra hết các đầu việc và đồng loạt triển khai. Do đó trước mắt Quận sẽ ưu tiên vào một số nội dung rất thiết thực, có tính khả thi cao và nhìn thấy kết quả ngay được.
-Cụ thể là gì, thưa ông?
-Về môi trường nước của hồ, trước tiên chúng tôi sẽ cho rà soát toàn bộ cửa xả nước thải. Với nước mưa tràn xuống thì không sao, nhưng nước sinh hoạt thì bắt buộc phải dẫn về điểm xử lý rồi mới cho xả xuống hồ được. Hiện tại hồ Tây có 91 điểm, với 77 điểm nước mưa thì không vấn đề gì, số còn lại thì bộ phận chức năng đang kiểm tra. Do tính chất công việc quan trọng nên dù muốn sớm nhưng chúng tôi cũng không thể vội. Vì vậy dự định đến khoảng tháng 6/2024 sẽ trình dự án thoát nước sau khi rà soát kỹ càng chứ không trình ngay trong tháng 4 này.
Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến khẳng định quận luôn lắng nghe với tinh thần hết sức cầu thị mọi ý kiến đóng góp cho việc triển khai đề án phát triển hồ Tây. |
Cùng với đó thì cũng trong tháng này Quận sẽ tổ chức hội thảo về việc đưa nước sông Hồng vào hồ Tây. Đây là vấn đề quan trọng, cần lấy ý kiến giới khoa học thật kỹ lưỡng, chi tiết để từ đó có đánh giá toàn diện. Trên cơ sở đấy thì mới thiết lập cụ thể các bước tiếp theo, ví dụ như việc tính toán các phương án bồi nắn, xác định vị trí xây dựng đường dẫn…Ngoài ra, Quận cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên ngành triển khai những công việc cần thiết khác, ví dụ như tới đây sẽ xử lý cá lai tạp không phù hợp với hồ Tây như cá rô phi chẳng hạn. Cùng với đó, công tác nạo vét từ mép hồ ra khoảng 15m – 20m cũng sẽ được tiến hành.
-Đó là về môi trường nước, còn môi trường nói chung thì sao, thưa ông?
-Về môi trường không khí, Quận sẽ phối hợp cùng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, cơ quan quản lý giao thông đô thị Hà Nội cùng các ngành chức năng tiến hành đánh giá cẩn trọng, chính xác về chất lượng không khí ở hồ Tây thế nào. Đây là việc rất quan trọng, vì cần xác định đúng nguyên nhân do đâu, rồi từ đó mới xử lý.
-Còn với cảnh quan quanh hồ Tây, thưa ông, với khu vực quan trọng này Quận sẽ cho triển khai ngay những công việc gì?
-Chúng tôi đang rà soát 12 tuyến phố, và tháng 6 tới sẽ có danh mục chiếu sáng quanh hồ bao gồm cả đường dạo và trang trí. Với đường dạo thì qua thực tế ghi nhận một số khu vực có ùn tắc như Trích Sài, Nguyễn Đình Thi…Quận sẽ xem xét phương án xét bớt vườn hoa để thêm diện tích giao thông, hoặc với địa điểm giáp thung lũng hoa sẽ mở nốt hơn 100m đường đôi để thuận lợi cho giao thông…
-Trên cương vị người đứng đầu chính quyền của Quận Tây Hồ, có lẽ những công việc cụ thể nêu trên không phải là những nỗi lo lớn nhất của ông khi bắt tay hiện thực hoá đề án phát triển hồ Tây?
-Chúng ta đều biết hồ Tây sẽ là điểm nhấn của Hà Nội trong tương lai. Vậy phát triển hồ Tây thế nào, đặt trong bối cảnh tổng thể ra sao, gắn với chiến lược phát triển thủ đô ở những điểm mấu chốt nào…đều là những vấn đề rất lớn, và đặt ra nhiều thách thức. Trên thực tế, chúng tôi luôn nhận thức được rằng đây là thời điểm có tính lịch sử với ý nghĩa bước ngoặt trong sự phát triển của hồ Tây nói riêng và gắn kết với Hà Nội nói chung.
-Ông có thể diễn giải thêm về khía cạnh này?
-Tôi nói điều này không hề quá lời, theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô thì Hà Nội có 5 trục không gian phát triển, và gần như tất cả đều liên quan đến hồ Tây. Trong đó, nổi bật là trục Hồ Tây - Ba Vì; trục Hồ Tây – Cổ Loa, còn những trục khác đều có kết nối đến hồ Tây. Trên thực tế, khi nói đến Hà Nội là nói đến Hồ Gươm và hồ Tây, nhưng với đặc thù hiện tại thì hồ Tây có rất nhiều dư địa, điều kiện để phát triển. Chính vì vậy, đây thực sự là thời điểm rất đặc biệt trong lịch sử phát triển của hồ Tây.
-Cá nhân ông cảm thấy áp lực thế nào?
-Đó là thách thức rất lớn, vì chúng ta đều biết hồ Tây không đơn giản chỉ là một địa danh bình thường. Ngoài lịch sử, cảnh quan, truyền thống văn hoá…thì ở đây còn cả yếu tố chính trị. Cũng vì thế, việc phát triển hồ Tây với các thứ tự ra sao, thao tác với những quy trình nào cho phù hợp mà lại hiệu quả là công việc khá phức tạp.
-Một ví dụ cụ thể, thưa ông?
-Tôi ví dụ như việc cải tạo cảnh quan đường Thanh Niên. Với dự án này chúng ta tiếp cận theo hướng nào, nhằm vào những mục tiêu gì là câu hỏi khó cần giải đáp ổn thoả, bởi với phương án này sẽ được về khía cạnh này thì có thể lại ảnh hưởng đến khía cạnh khác! Chúng tôi cũng đã tham khảo kinh nghiệm của Huế, của Đà Nẵng và hiện vẫn đang trong quá trình tiếp tục nghiên cứu. Vì thế, tinh thần chung của những việc nhạy cảm ở hồ Tây là Quận đều chủ trương xin ý kiến rộng rãi các giới, cộng với đảm bảo ở mức cao nhất sự công khai, minh bạch, có như vậy thì mới tập trung được trí tuệ tập thể và đáp ứng hài hoà các mục tiêu.
-Để đầu tư cho hồ Tây thì đòi hỏi nguồn lực tài chính khá lớn, đâu là định hướng của ông với vấn đề này?
-Nguồn lực tài chính cho phát triển hồ Tây luôn là vấn đề lớn với Quận. Thực tế thì thành phố cũng rất tạo điều kiện khi có dự định bố trí cho Quận khoảng vài chục nghìn tỷ đồng. Đây là sự hỗ trợ rất lớn của thành phố, nhưng chính vì thế lại khiến chúng tôi rất băn khoăn cho cân đối chung của toàn Hà Nội. Cũng vì vậy Quận đưa ra giải pháp là xin được giữ lại 60% nguồn thu từ tiền sử dụng đất để phục vụ cho đầu tư vào lĩnh vực này.
-Vậy khả năng xã hội hoá thì sao, thưa ông?
-Xã hội hoá lại là câu chuyện khác. Có dự án như công viên khoảng 1,8 ha ở gần Phủ Tây Hồ với vị trí đẹp, có 4 mặt đường thì sẵn sàng có doanh nghiệp đầu tư ngay. Nhưng những dự án như vậy không nhiều. Với những dự án công viên quy mô lớn, kiến trúc phức tạp, đòi hỏi có hầm để xe…thì không phải lúc nào cũng sẵn sàng có nhà đầu tư. Do đó với những dự án như thế thì Quận phải tính toán thêm các phương án khác như ngân sách sẽ tham gia vào công đoạn nào, và cần có hình thức kinh doanh nào phù hợp để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư.
-Trong thời gian tới, Hồ Tây sẽ là điểm đến nổi bật với du khách trong nước và quốc tế, ông quan điểm thế nào về việc khai thác bền vững thắng cảnh này?
-Chúng ta không nên đặt nặng về kinh tế, vì nếu chỉ nghĩ đến kinh tế thì sẽ ảnh hưởng đến những mục tiêu khác. Cá nhân tôi thấy phải nhìn từ quá khứ để rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc quản lý, khai thác và phát triển lâu dài hồ Tây. Trong từng giai đoạn thì tỷ trọng nguồn thu từ dịch vụ du lịch có thể thay đổi, tuy nhiên vấn đề này phải được xem xét hết sức kỹ lưỡng khi quyết định. Hiện nay theo Quyết định 02/2024/QĐ-UBND của TP.Hà Nội thì đã có 10 loại hình được phép kinh doanh, nhưng hiện tại chúng tôi chưa muốn đi sâu vào việc này.
-Ông kỳ vọng gì về một hồ Tây trong tương lai?
-Hồ Tây sẽ là một trong những biểu tượng nổi bật của Hà Nội, một biểu tượng chứa đựng trong đó những giá trị của Thủ đô ngàn năm văn hiến và cho cả tầm nhìn đến tương lai.
-Trân trọng cảm ơn ông!