Ông Nghiêm Xuân Thành: Hậu Giang sẽ bứt phá phát triển nhanh và toàn diện
-Là một tỉnh nằm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, với điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, thưa ông, vậy hướng tới mục tiêu mới, chủ đề ông và Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra với Đại hội Đảng các cấp năm nay ở Hậu Giang là gì?
-Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết giữa nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh, xác định tiềm năng, thời cơ thuận lợi và định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong quy hoạch phát triển tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2020 - 2030, Tỉnh ủy đặt ra chủ đề Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV tới đây là: “Tự hào Đảng quang vinh, chung sức đồng lòng, phát huy nội lực, tận dụng thời kỳ vàng, hiện thực hóa khát vọng, quyết tâm xây dựng tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm, người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc”.
Với ý nghĩa quan trọng Đại hội XV, chủ đề của Đại hội lần này mang tính định hướng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, đoàn kết khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tranh thủ cơ hội, tận dụng “thời kỳ vàng” khi Hậu Giang đang hội đủ các yếu tố “Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa” để hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là lời hiệu triệu đến cán bộ, đảng viên phát huy cao tinh thần trách nhiệm, khát vọng, bản lĩnh và trí tuệ với những cống hiến thiết thực cho quê hương Hậu Giang phát triển, đóng góp ngày càng tích cực vào công cuộc phát triển của đất nước.
-Qua kinh nghiệm thực tiễn ở một số nơi thì báo cáo chính trị đại hội cấp cơ sở sở còn hình thức, vẫn rơi vào tình trạng kể lể và liệt kê thành tích, ở Hậu Giang, lãnh đạo Tỉnh ủy sẽ có những giải pháp gì và quán triệt thế nào, thưa ông?
-Báo cáo chính trị là Văn kiện trung tâm quan trọng của Đại hội, là sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, sự sáng tạo, tầm nhìn, khát vọng, định hướng phát triển của địa phương. Chính vì vậy trong quán triệt và lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp trong tỉnh nhiệm kỳ tới, Tỉnh ủy rất quan tâm tới quá trình xây dựng văn kiện đại hội với quan điểm “Đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng”, phương châm “Hình thức tập trung, nội dung thiết thực, hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất”.
Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành |
Thời gian còn lại không nhiều cho công tác chuẩn bị Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh Hậu Giang, quý IV/2024, các cơ quan, địa phương, đơn vị sẽ tiến hành đại hội cơ sở, đại hội cấp trên cơ sở.
Hiện nay, Tiểu ban văn kiện của Tỉnh ủy đang tập trung nghiên cứu, xây dựng báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh tới đây. Đây là cơ sở định hướng để cấp ủy các cấp trong tỉnh xây dựng báo cáo chính trị trình đại hội các cấp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có những định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể bám sát đề cương, đề mục được yêu cầu.
Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XV quán triệt: Các văn kiện Đại hội phải bám sát chặt chẽ hướng dẫn của Tiểu ban Văn kiện Trung ương gắn với thực tiễn tại địa phương, đảm bảo chất lượng, đánh giá đúng tình hình, tránh hình thức.
-Một trong những nội dung trọng tâm của công tác tổ chức đại hội đảng cấp cơ sở là công tác nhân sự, để đảm bảo nhân sự giới thiệu đạt yêu cầu, có sự thống nhất cao trong đại hội, theo ông cần chú trọng những điều gì?
-Công tác nhân sự đại hội các cấp là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Công tác chuẩn bị nhân sự đại hội là cả một quá trình, cần đảm bảo kỹ lưỡng, thận trọng, làm từng bước; thực hiện đồng bộ các khâu từ nhận xét đánh giá: quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ. Công tác này đòi hỏi cấp ủy đảng các cấp, nhất là người đứng đầu phải bám sát và thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn của Trung ương, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, với quyết tâm, nỗ lực lớn, cách làm công tâm, khách quan, khoa học; đặt lợi ích của địa phương trong lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, trong quá trình thực hiện cần chú trọng mấy vấn đề sau:
Thứ nhất, Thực hiện thật tốt công tác đánh giá cán bộ, đây là khâu rất quan trọng. Việc đánh giá cán bộ phải toàn diện, khách quan, thực chất, đúng quy định, đúng thẩm quyền; lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, uy tín, năng suất, chất lượng, nhất là hiệu quả công tác của cán bộ làm thước đo, tiêu chí cơ bản để đánh giá. Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành, áp dụng Bộ tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo Quy định số 1120-QĐ/TU và bộ KPI để đánh giá hiệu quả làm việc của cán bộ theo Đề án số 09-ĐA/TU quy định tạm thời vị trí việc làm các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Hậu Giang.
Thứ hai, Việc thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự phải đảm bảo đúng quy trình, quy định; đảm bảo đúng nguyên tắc, quy định của Đảng; bảo đảm đồng bộ, tổng thể, liên thông, chặt chẽ, dân chủ, khoa học, khách quan, công tâm, minh bạch; thực hiện kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền.
Thứ ba, Việc thẩm định nhân sự phải kế thừa, đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ, rà soát, thẩm tra, thẩm định chặt chẽ, kỹ lưỡng tiêu chuẩn, điều kiện công tác chuẩn bị nhân sự.
Thứ tư, Đề án nhân sự phải thật rõ ràng, chi tiết, xác định rõ số lượng, cơ cấu cần bầu, quá trình và kết quả công tác của nhân sự được giới thiệu. Phương án phân công sau đại hội đối với từng nhân sự để đại biểu đại hội có đầy đủ cơ sở, thông tin lựa chọn bầu nhân sự đủ phẩm chất, đạo đức, uy tín ngang tầm nhiệm vụ.
- Đã hơn 3 năm kể từ khi ông được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, xin ông cho biết cảm nghĩ cá nhân về con người và Đảng bộ của tỉnh, cũng như tương lai phát triển của Hậu Giang sau khi có Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về “phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”?
-Trải qua hơn 20 năm thành lập và phát triển, cùng với sự hỗ trợ về nhiều mặt của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang đã “Đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung, năng động” nỗ lực vượt khó, tranh thủ thời cơ phát triển vươn lên.
Ở từng giai đoạn phát triển, lãnh đạo tỉnh có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, quyết sách đúng đắn và đặc biệt là có khát vọng phát triển, trên cơ sở đó lan tỏa trong cả hệ thống chính trị và người dân trong tỉnh. Thành tựu đạt được trong thời gian qua là rất to lớn và đáng tự hào. Rõ ràng, tất cả những sự đổi thay đó chính là kết tinh từ tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển với niềm tin “tỉnh nhỏ, khát vọng lớn”.
Trước thời cơ, vận hội mới, nhất là từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đem đến luồng gió mới, tạo cơ sở quan trọng cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn phát triển mới. Cùng với đó, Thủ trướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2020 - 2025, tầm nhìn 2050.
Bám sát Nghị quyết số 13-NQ/TW và Quy hoạch phát triển tỉnh Hậu Giang được phê duyệt, tỉnh Hậu Giang tập trung nguồn lực phát triển bền vững trên 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, lấy con người là trung tâm, mục tiêu cho tăng trưởng, lấy thích ứng với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển phổ biến, khai thác tối đa yếu tố văn hóa. Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nông nghiệp là trụ đỡ, công nghiệp và trụ cột phát triển, hướng thường mại - dịch vụ là động lực tăng trưởng, quan tâm tạo việc làm, nâng cao đời sống Nhân dân.
Với cơ hội và tiềm năng to lớn, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, trong đó nhiều dự án đi qua tỉnh Hậu Giang như: Tuyến cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Trần Đề (Sóc Trăng). Đó chính là nguồn sức mạnh ngoại lực quan trọng để tỉnh vận dụng, kết hợp với sức mạnh nội lực để Hậu Giang bứt phá vươn lên phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm.
-Trân trọng cảm ơn ông!