OCB tăng trưởng tín dụng từ các dự án đồng hành doanh nghiệp SME
Ảnh minh họa |
Trong báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, OCB ghi nhận mức 2.113 tỷ đồng lợi nhuận. Đại diện OCB cho biết nhà băng đang trong giai đoạn chuyển dịch cơ cấu khách hàng sang nhóm khách hàng có tiềm năng tăng trưởng tốt, thực hiện chiến lược phát triển mới. Cụ thể là triển khai nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, ưu đãi lãi vay... Từ đó, ngân hàng giữ được mức tăng trưởng tín dụng đạt 6,3% (tính đến 30/6), hoạt động kinh doanh cốt lõi phát triển ổn định. Riêng tín dụng dành cho nhóm khách hàng SME tăng gần 18%.
Ngoài các hỗ trợ về lãi suất và tỷ giá, OCB tập trung chuyển đổi số các sản phẩm dịch vụ tài chính để nâng cao sự thuận tiện và rút ngắn thời gian giao dịch cho khách hàng doanh nghiệp.
Tính đến hết quý II, huy động vốn thị trường của ngân hàng giảm nhẹ về mức xấp xỉ cuối năm 2023. Tổng thu thuần tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4.559 tỷ.
Các hoạt động kinh doanh cốt lõi giữ mức tăng trưởng ổn định nhờ chiến lược chuyển đổi số trước đó. Cụ thể, tháng 5, OCB ra mắt phiên bản ngân hàng số OCB Omni thế hệ mới, thu hút lượng lớn khách hàng chuyển đổi sang giao dịch trực tuyến.
6 tháng đầu năm, OCB Omni có số lượng giao dịch tăng 76%, lượng tiền gửi không kỳ hạn (Casa) tăng 52%, lượng tiền gửi có kỳ hạn (Esaving) tăng 53%. Đối với mảng kinh doanh thẻ, doanh số giao dịch thẻ tăng 27%, thu thuần tăng 32%.
Tuy nhiên, thu thuần ngoài lãi từ dịch vụ vẫn ghi nhận giảm 27,9% so với năm trước, đạt 270 tỷ. Lý do chủ yếu đến từ việc OCB chủ động hỗ trợ nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn đã đồng hành lâu năm, bằng việc giảm phí dịch vụ các sản phẩm tài chính. Ngân hàng đưa ra khuyến khích sử dụng giải pháp thanh toán số như OCB Propay, tiết kiệm đến 80% thời gian cũng như các chi phí vận hành của doanh nghiệp.
Thu thuần ngoài lãi của OCB cũng ghi nhận giảm hơn 24%, đến từ hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu Chính phủ giảm do ảnh hưởng của thị trường. Nhờ tận dụng tốt cơ hội biến động mạnh của tỷ giá giúp nhà băng cải thiện trong thu thuần kinh doanh ngoại tệ, tăng gần 101% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng thu thuần tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4.559 tỷ đồng, trong đó thu thuần từ lãi tăng gần 9%.
Mặc dù thu thuần từ lãi tăng không đáng kể, tuy nhiên OCB đã tăng trưởng quy mô so với cùng kỳ, do ngân hàng chủ động hỗ trợ lãi suất và phí thông qua các chương trình đồng hành cùng khách hàng theo chủ trương chung của Chính phủ và NHNN.
Ngoài ra, với việc gia tăng chi phí dự phòng và chi phí hoạt động đã khiến tổng lợi nhuận của ngân hàng đạt 2.113 tỷ, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2023. Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo OCB cho biết, doanh nghiệp và người dân hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc ngân hàng trên toàn hệ thống phải đối mặt với vấn đề nợ xấu cao. Để tăng bộ đệm, đảm bảo hoạt động của ngân hàng trước thực trạng thị trường có nhiều biến số, OCB đã tiến hành tăng chi phí dự phòng và đánh giá lại danh mục nợ với quan điểm thận trọng. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tập trung mở rộng mạng lưới, phát triển nguồn nhân lực và hệ thống công nghệ. Điều này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng trong giai đoạn hiện tại nhưng sẽ tạo nền tảng lâu dài cho việc phát triển bền vững của ngân hàng.
Năm 2023, OCB đã mở mới 10 chi nhánh, phòng giao dịch. Năm nay, ngân hàng dự kiến mở mới 17 điểm mới, nâng số phòng giao dịch lên 176 tại 48 tỉnh thành trên cả nước. Số lượng nhân sự của ngân hàng trong 6 tháng tăng thêm 12%, chi phí phúc lợi dành cho nhân viên và thu nhập cũng có sự cải thiện, tăng 15%.
Tính tại thời điểm 30/6, tổng tài sản ngân hàng đạt 238.884 tỷ đồng. Các quy định về tỷ lệ an toàn vốn và khả năng thanh khoản cũng được OCB kiểm soát và đảm bảo tuân thủ theo quy định của Ngân hàng nhà nước.
Các nhóm nợ tăng, đến chủ yếu từ nhóm khách hàng cá nhân tuy nhiên OCB vẫn kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,32% thấp hơn mức kiểm soát 3% của Ngân hàng Nhà nước.
Việc luôn chủ động hỗ trợ, đưa ra các gói vay ưu đãi lãi suất về sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng, nhằm giúp người dân, cũng như doanh nghiệp có thêm điều kiện phát triển là ưu tiên hàng đầu của OCB trong nhiều năm qua.
Đại diện OCB cho biết ưu tiên xử lý, kiểm soát nợ xấu sẽ là một trong những mục tiêu quan trọng trong những tháng cuối năm. Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06 kéo dài thời gian thực hiện chính sách tại Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết 31/12/2034 sẽ giúp khách hàng giảm tải được phần nào áp lực trả nợ, có điều kiện phục hồi tốt hơn. Nhờ đó, ngân hàng cũng giảm được áp lực nợ xấu, trích lập dự phòng.
"Việc xây dựng, kiện toàn hệ thống quản trị nợ, cảnh báo sớm, sẽ giúp chúng tôi kiểm soát cũng như đưa ra phương án cùng khách hàng hiệu quả hơn", đại diện OCB nhấn mạnh.
Cũng theo vị đại diện, thời gian tới ngân hàng sẽ tập trung đẩy mạnh nhóm khách cá nhân theo phân khúc trung và cao cấp với những sản phẩm "may đo" phù hợp với từng nhu cầu chuyên biệt. Bên cạnh đó, áp dụng những chính sách mới, hiệu quả, nhằm tăng chất lượng tín dụng, tăng tốc xử lý nợ xấu và chuyển đổi số.
Ngân hàng OCB: Cơ sở nào đặt mục tiêu lãi kỷ lục hơn 6.800 tỷ? Ngày 15/4, Ngân hàng TMCP Phương Đông (mã OCB) tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024, thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận lên mức cao nhất từ trước tới nay. |
OCB miễn nhiệm Giám đốc Tài chính Ngân hàng TMCP Phương Đông vừa công bố thông tin liên quan đến nhân sự cấp cao. |