OCB bổ nhiệm Giám đốc Tài chính
Ông Nguyễn Huy Đức - Giám đốc Tài chính của OCB
Ông Nguyễn Huy Đức sinh năm 1977, từng tốt nghiệp Thạc sĩ kinh tế tại trường đại học Corvinus, Budapest (Hungary).
Trước khi đến đầu quân cho OCB, ông Đức đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, nắm giữ các vị trí cấp cao tại các tập đoàn lớn như Tổng Giám Đốc Techcom Capital, Giám Đốc Ngân Hàng Đầu Tư thuộc Techcombank, Giám Đốc Tài Chính tại Tập đoàn Cotecons , Kusto Cement,…Mới đây nhất, ông Đức đảm nhiệm vai trò Giám đốc Tài chính tại CTCP Đầu tư Nam Long.
Với vai trò mới tại OCB, ông được kỳ vọng sẽ phát huy năng lực lãnh đạo và kinh nghiệm của mình để đồng hành cùng Ban Lãnh đạo trong giai đoạn phát triển tiếp theo của ngân hàng.
Trước đó, OCB cũng có một loạt thay đổi nhân sự cấp cao khi Nguyễn Đình Tùng xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT sau 12 năm gắn bó và ông Nguyễn Văn Hương từ nhiệm khỏi vị trí Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Bán lẻ theo nguyện vọng cá nhân.
Ông Phạm Hồng Hải - người Việt đầu tiên giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của HSBC chính thức giữ chức vụ Tổng Giám đốc của OCB từ ngày 16/7/2024.
Trong một diễn biến khác, cuối tháng 8 vừa qua, OCB đã chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%.
Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành gần 411 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ thực hiện quyền là 5:1 (mỗi cổ đông sở hữu 5 cổ phiếu sẽ nhận 1 cổ phiếu mới). Nguồn phát hành là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2023.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận cho OCB tăng thêm 4.110 tỷ đồng vốn điều lệ để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20%. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng từ 20.548 tỷ đồng lên 24.658 tỷ đồng.
Ngoài ra, OCB cũng dự kiến phát hành 5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu ESOP mới sẽ chịu hạn chế chuyển nhượng 4 năm kể từ ngày phát hành, mỗi năm được giải tỏa 25%.
Ngân hàng cũng có kế hoạch chào bán tối đa 882.353 cổ phiếu riêng lẻ với tổng giá trị dự kiến chào bán tối đa hơn 8,8 tỷ đồng. Mức giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần của ngân hàng tại thời điểm cuối quý gần nhất với thời điểm phát hành.
Thông tin tại ĐHĐCĐ, ban lãnh đạo OCB cho biết mục đích chào bán riêng lẻ là để đảm bảo Aozora Bank duy trì tỷ lệ sở hữu 15% sau phát hành ESOP.
Nếu hoàn thành cả ba phương án trên, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng từ mức 20.548 tỷ đồng lên 24.717 tỷ đồng. Số tiền thu được từ tăng vốn, OCB sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư, cho vay và mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất.