Nơi ‘made in China’ có nghĩa là xe hơi bay và nhà thuốc tự động
Vào một buổi chiều đầy nắng vào đầu tháng 11, hàng chục kỹ sư và nhà thiết kế phần mềm đang lo lắng chuẩn bị cho chuyến bay thử nghiệm chiếc EHang 184, một thiết bị bay được làm từ kim loại và thủy tinh nhỏ gọn trang bị tám cánh quạt.
Hu Huazhi, nhà sáng lập 40 tuổi đồng thời là chủ tịch và giám đốc điều hành của hãng chuyên sản xuất thiết bị bay Ehang có trụ sở tại Quảng Châu vừa liên tục hút thuốc vừa cho biết: “Thiết bị bay một người tự lái có thể bắt đầu bay lượn qua bầu trời Dubai vào đầu năm tới”. Các nhà lãnh đạo của quốc gia Ảrập này muốn một phần tư tất cả các phương tiện đi lại trở thành không người lái vào năm 2030 và đang đàm phán với EHang về việc đặt hàng một đội taxi bay.
Khuếch trương khả năng chế tạo ra các ôtô bay đầu tiên của thế giới không phải là mục tiêu của công ty. Ông Hu cho biết: “Sự phát triển của công ty chúng tôi cũng là một phần không thể tách rời của kế hoạch của chính quyền Quảng Châu” để tăng hạng trên bậc thang công nghệ trong khi dẫn các khách tham quan xung quanh văn phòng công ty và trung tâm chỉ huy bay nằm trong khu đất vốn là một khu vui chơi bỏ hoang nay trở thành nơi dành cho những kỳ quan du hành vũ trụ.
Cách đó 19 dặm, tại một tổ hợp nhà máy thuộc sở hữu của Guangzhou Automobile Group Co (GAC), hàng dài các robot màu cam và đen do Đức sản xuất đang vừa xoay quanh trục vừa nâng lên hạ xuống khi tiến hành lắp ráp và hàn các mẫu xe SUV với thương hiệu Trumpchi, hầu như không nhìn thấy công nhân xung quanh đó . Với sự sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhà sản xuất ô tô có vốn nhà nước này đang xây dựng một khu công nghiệp trị giá 6,5 tỷ đôla gần đó để sản xuất các xe năng lượng mới kết nối.
Chủ tịch GAC Feng Xingya, trong một cuộc phỏng vấn tại trụ sở công ty, nói: “Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế mà bạn nhìn thấy ở đây không chỉ vì lợi ích của các doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm với đất nước. Chúng tôi đang cố gắng để đạt được sự phát triển theo hướng đổi mới, và chúng tôi phải thực hiện chính sách của chính phủ để thành công.”
Quảng Châu, thành phố cảng nằm bên bờ sông Châu Giang, đã trở thành nơi đóng đô của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quan trọng và các nhà sản xuất hàng dệt may và hàng điện tử đang góp phần quan trọng vào những nỗ lực hiện tại của Trung Quốc để chuyển đổi nền kinh tế. Cách đây hai năm, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra sáng kiến “Made in China 2025” nhằm hướng các thành phố và các công ty phải thoát khỏi mô hình chi phí thấp, sử dụng nhiều nhân công để chuyển sang mô hình sản xuất giá trị gia tăng cao hơn.
Các nhà hoạch định quốc gia muốn các công ty nâng mức cạnh tranh toàn cầu trong một vài ngành công nghiệp mũi nhọn như ôtô, cũng như giữ vị trí thống trị trong các ngành mới như chế tạo máy bay không người lái và trí thông minh nhân tạo.
Scott Kennedy, Giám đốc Dự án Kinh doanh và Kinh tế Chính trị Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Washington, nói: “Trung Quốc muốn tăng năng suất trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế, bao gồm nâng cao chất lượng con người, hiệu quả sử dụng vốn và công nghệ hoá. Họ nghĩ điều đó không xảy ra tự nhiên. Chính phủ phải có những chiến lược cụ thể để mang lại hiệu quả cao nhất cho sự phát triển của đất nước. ”
‘Made in China’ đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng cho những việc như triển khai sản xuất các robot tại Trung Quốc và các thiết bị điện tử tiên tiến. Để đạt được những mục tiêu đó các tỉnh và thành phố trên cả nước đều phải tham gia vào chiến lược này. Là thành phố lớn thứ ba của Trung Quốc về tổng sản phẩm quốc nội và là trung tâm sản xuất quan trọng, Quảng Châu được coi là thành phố hạt nhân trong việc thực hiện kế hoạch chi tiết của Bắc Kinh.
Đầu năm nay, thành phố này đã công bố kế hoạch với mục tiêu đạt được hàng nghìn tỷ NDT doanh thu từ công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, y sinh học, sản xuất tiên tiến, tàu biển, năng lượng mới và các ngành công nghiệp khác vào năm 2021. Các quan chức của thành phố đã tới Singapore, Chicago và Thung lũng Silicon trong năm nay để quảng bá về Quảng Châu như là một trung tâm kinh doanh và sản xuất đầy tiềm lực.
Các công ty công nghệ đang quan tâm đến việc đầu tư kinh doanh ở đây. Tập đoàn Công nghệ Foxconn bắt đầu xây dựng vào tháng 3 tổ hợp nhà máy sản xuất màn hình LCD trị giá 8,8 tỷ đôla. Và vào tháng 4, tập đoàn Cisco Systems đã tổ chức lễ động thổ cho một dự án đô thị thông minh trị giá hàng tỉ đô la và một trung tâm nghiên cứu và phát triển internet.
Bắc Kinh đang nỗ lực hỗ trợ Quảng Châu để tạo ra “Greater Bay Area” bằng cách liên kết các vùng lân cận của Hong Kong và Ma Cao với tỉnh Quảng Đông. Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh, được coi là trung tâm hành chính và hậu cần cho các thành phố sản xuất đồng bằng sông Châu Giang như Phật Sơn và Trung Sơn. Bí thư Thành uỷ Quảng Châu Ren Xuefeng phát biểu tại Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19 ở Bắc Kinh vào tháng 10 vừa qua rằng: “Quảng Châu sẽ tận dụng lợi thế của Khu vực Vịnh Quảng Đông – Hong Kong – Ma Cao để tăng cường hợp tác với các thành phố tham gia vào kế hoạch phát triển cấp quốc gia này” .
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi, Chính quyền Quảng Châu đang hỗ trợ cho các công ty một loạt ưu đãi bao gồm trợ cấp, vay lãi suất thấp và miễn thuế. Chính quyền thành phố đã thành lập bốn quỹ trị giá 10 tỷ nhân dân tệ (1,5 tỷ đôla) để hỗ trợ các ngành công nghiệp mới và nâng cấp các ngành cũ và cung cấp gói tài chính một lần cho các nhà máy tự động hóa.
Theo Feng, mảnh đất mà nhà máy ô tô Quảng Châu đang xây dựng được chính quyền cung cấp miễn phí. Ông nói: “Sự phát triển nhanh chóng của GAC không thể đạt được nếu không có các chính sách ưu đãi từ Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông và chính quyền trung ương. Đây là sự hỗ trợ tốt nhất mà chúng tôi từng nhận được”
Quyết tâm của Trung Quốc để đạt được ví trí dẫn đầu trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo đã đẩy các startup của Trung Quốc vào một cuộc cạnh tranh toàn cầu về tài năng công nghệ. Để tăng cường các nỗ lực tuyển dụng, iFlytek Co., chuyên về nhận dạng tiếng nói, đã mở văn phòng tại thung lũng Silicon năm nay.
Có trụ sở tại Hợp Phì, thủ phủ của tỉnh An Huy, iFlytek đang nhận được sự hỗ trợ của chính quyền Quảng Châu, nơi nó vừa mở được trụ sở chính ở Nam Trung Quốc; thành phố cung cấp hàng chục triệu nhân dân tệ để hỗ trợ các dự án nghiên cứu và phát triển do các sinh viên tốt nghiệp có bằng tiến sĩ từ các trường đại học hàng đầu trên thế giới tiến hành.
Ông Du Lan, Phó chủ tịch cấp cao của iFlytek cho biết: “Nếu chính phủ có những gói hỗ trợ về nhân lực thì có thể giúp giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp và giúp thu hút nhân tài dễ dàng hơn, điều này cho phép chúng tôi phát triển nhanh hơn với hoạt động R&D”.
Tuy vậy, Quảng Châu vẫn có thể hưởng lợi nhiều hơn từ các doanh nghiệp nhà nước đóng tại địa phương: chiếm 40% tài sản công nghiệp, so với chỉ 17% ở Thẩm Quyến, một thành phố thuộc Đồng bằng sông Châu Giang, nơi trở thành trung tâm công nghệ theo thống kê của Bloomberg Intelligence.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn các công ty nhà nước trở nên “lớn hơn và mạnh mẽ hơn”, như ông đã nhắc lại nhiều lần trong bài phát biểu của mình tại Đại hội Đảng lần thứ 19. Để nâng cấp các doanh nghiệp nhà nước, Quảng Châu đang khuyến khích họ liên doanh với các công ty tư nhân để có thể khai thác kinh doanh và bí quyết kỹ thuật của họ. IFlytek đang hợp tác với Công ty Dược phẩm Quảng Châu, một công ty có lịch sử hơn một thế kỷ để phát triển một mạng lưới các trung tâm y tế ứng dụng trí thông minh nhân tạo để chẩn đoán và điều trị.
Midea Group Co., một nhà sản xuất thiết bị gia dụng tư nhân trong năm nay đã mua lại công ty sản xuất robot Đức Kuka AG với giá 4 tỷ USD, cũng đang hợp tác với Công ty Dược phẩm Quảng Châu.
Chủ tịch và Giám đốc điều hành Midea Paul Fang, trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television, cho biết: “Trước tiên chúng tôi sẽ giới thiệu các nhà thuốc hoàn toàn tự động, nơi các loại thuốc có thể được chọn và sắp xếp theo máy móc. Tất cả mọi thứ chúng ta làm ngày hôm nay, từ tự động hóa công nghiệp đến sản xuất robot, tất cả đều liên quan đến AI. Ngày càng có nhiều công nghệ AI đã và sẽ được sử dụng trong kinh doanh và sản phẩm của chúng tôi.”
Kế hoạch của Quảng Châu và các thành phố khác của Trung Quốc nhằm thống trị các ngành công nghiệp mới nổi có thể bị xáo trộn, nếu các chương trình hỗ trợ về tài chính không liền mạch dẫn đến những vấn đề nảy sinh giống như ngành công nghiệp năng lượng mặt trời trên toàn cầu đã sụp đổ nhiều năm trước đó.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời, giá tấm năng lượng mặt trời đã giảm hơn 70% kể từ năm 2010. Các công ty như Suniva Inc ở Hoa Kỳ và SolarWorld AG ở Đức cho rằng sự cạnh tranh từ các đối thủ Trung Quốc với sản phẩm giá rẻ là lý do chính buộc họ phải nộp đơn xin phá sản vào năm nay.
Theo số liệu của Bloomberg, đã có ít nhất 98 tỷ nhân dân tệ được đầu tư vào các nhà máy sản xuất xe ô tô điện, tăng công suất hàng năm của Trung Quốc lên 2,9 triệu chiếc – gấp 6 lần số lượng các xe được bán trong nước năm ngoái. Kennedy của CSIS nói: “Lo lắng hiện nay của mọi người là Công ty China Inc chuyên nghiên cứu về steroid sẽ giết hại lợi nhuận, không chỉ đối với các công ty mà còn cho các ngành công nghiệp nói chung”.
Ngân Giang (theo Bloomberg)