NÓNG: Đàm phán thành công, châu Âu có thể cứu Hy Lạp
Chủ tịch Hội đồng châu Âu - Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu Donald Tusk viết trên mạng xã hội Twitter: “Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu đã nhất trí đạt được thỏa thuận.” Tại Brussels, Bỉ, sau 17 giờ họp căng thẳng, lãnh đạo của 19 quốc gia sử dụng đồng euro đã đi đến thống nhất sau một loạt cuộc họp với chính phủ Hy Lạp.
Thỏa thuận này có nghĩa là chính phủ Hy Lạp phải làm nhiều hơn những đề xuất cải cách đã đệ trình lên các nước châu Âu vào tuần trước. Quốc gia này phải thay đổi chính sách về lương hưu, năng lượng, thị trường lao động và sản phẩm một cách sâu rộng hơn. Ngoài ra, chính phủ Hy Lạp sẽ phải mở rộng kinh doanh tư nhân, tái cơ cấu chính quyền và hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, thỏa thuận đạt được trong ngày hôm nay (13/7) yêu cầu Hy Lạp cho phép các bên chủ nợ được toàn quyền giám sát Athens, và đồng ý với tất cả các điều luật do họ đưa ra.
Lãnh đạo IMF Christine Lagarde và tân Bộ trưởng tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos trong Hội nghị Bộ trưởng tài chính các nước châu Âu tại Brussels, hôm 12/7. (Ảnh: AP)
Thủ tướng Tsipras được người dân Hy Lạp tín nhiệm với lời hứa sẽ kết thúc quá trình giám sát nợ của châu Âu. Vì vậy, sau thỏa thuận mới đây, nhiều người lo ngại cho chiếc ghế của ông. Trong khi đó, nếu không đạt được một gói cứu trợ mới, ông Tsipras hiểu rằng khủng hoảng kinh tế Hy Lạp sẽ tiếp tục tăng tốc, đẩy nước này từng bước rời khỏi Eurozone.
Thỏa thuận giữa Hy Lạp và châu Âu chưa chắc đã thành công, vì Quốc hội Hy Lạp phải chấp thuận nó vào thứ tư (15/7), và quốc hội của một số nước châu Âu khác, đặc biệt là Đức cũng phải bỏ phiếu quyết định về khoản cứu trợ khổng lồ trị giá khoảng 50 tỷ euro.
Trong thời gian chờ đợi châu Âu cứu trợ, Hy Lạp vẫn tiếp tục phải thực hiện các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mạnh tay hơn nữa và tìm kiếm thêm sự giúp đỡ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Trọng Sang