Những "vũ khí" chống "giặc" Covid-19: Bài cuối - Sôi động mặt trận văn hóa nghệ thuật
Những "vũ khí" chống "giặc" Covid-19: Bài 1 - Ông Bụt…Gạo |
Người nước ngoài tại Việt Nam chung tay ủng hộ cây gạo ATM |
Ghen Cô Vy lan toả khắp thế giới
“Ghen Cô Vy” là một dự án sáng tạo của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) hợp tác với nhạc sĩ Khắc Hưng, ca sĩ Erik và ca sĩ Min.
Ra mắt từ 23/2, MV hoạt hình của nhạc sỹ Khắc Hưng đã trở thành hiện tượng âm nhạc toàn cầu khi xuất hiện trên nhiều kênh truyền thông quốc tế.
Ghen Cô Vy được giới thiệu trên kênh truyền hình nổi tiếng Last week tonight của Mỹ |
Giai điệu vui tươi từ bản gốc "Ghen" (một nhạc phẩm được sáng tác năm 2017), và được viết lời mới cho phù hợp với tình hình chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, cùng với điệu nhảy rửa tay của biên đạo múa Quang Đăng đã khiến "Ghen Cô Vy" được cả thế giới nhún nhảy theo.
Các kênh truyền thông Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Anh đều đưa tin về ca khúc này, đồng thời tỏ ra rất bất ngờ khi âm nhạc Việt Nam lại có thể hiện đại và lôi cuốn đến thế, cho dù là một ca khúc cổ động phòng chống dịch - một dạng đề tài hóc búa, rất khó để viết hay.
Lính hải quân Mỹ nhảy Ghen Cô Vy |
Trả lời phỏng vấn, nhạc sỹ Khắc Hưng cho biết, bên cạnh âm nhạc, ca khúc Ghen Cô Vy còn giới thiệu một hình ảnh rất tích cực về Việt Nam, đó là việc người dân và Chính phủ đều rất quyết tâm phòng ngừa dịch bệnh.
Bên cạnh giai điệu và ca từ dễ nghe, dễ nhớ, nhạc sỹ Khắc Hưng cũng cho biết ca khúc Ghen Cô Vy được lan toả cũng nhờ công lớn là do Vũ đạo rửa tay của biên đạo múa Quang Đăng.
Thực tế đã có hàng trăm clip cover vũ đạo rửa tay của các tổ chức như bệnh viện, doanh nghiệp, trường học các cấp được thực hiện. Thậm chí lính hải quân Mỹ, dàn diễn viên TVB (Hong Kong) Malaisia...cũng có clip học nhảy và đăng tải clip nhảy đạt hàng triệu lượt xem.
Bên cạnh "Ghen Cô Vy" đã lan toả toàn cầu, không thể không nhắc đến ca khúc "Việt Nam ơi, đánh bay Covid" của nhạc sỹ Minh Beta, ra đời vào ngày 31/3/2020.
Giai điệu rộn ràng, lời ca mang tính thúc giục hành động, "Việt Nam ơi, đánh bay Covid" được phát ở hầu hết các chung cư, siêu thị, trung tâm thương mại, những nơi tập trung đông người. "Kẻ thù nào ta không chiến thắng/ Triệu người ngày đêm đang cố gắng/ Một vòng tay nối trọn Việt Nam/ Việt Nam hỡi, Việt Nam ơi, cùng đoàn kết đánh bay corona/ Việt Nam hỡi, Việt Nam ơi, cùng đoàn kết đánh bay corona".
Không chỉ thúc giục cảnh giác, hành động, cổ vũ, “Việt Nam ơi, đánh bay Covid” còn lan tỏa rất nhanh thông điệp gần gũi: “Đừng share chuyện sai trên Facebook/ Phải đeo khẩu trang cho đúng lúc/ Đừng kỳ thị ai, văn minh, vì dân lánh mình/ Kẻ thù nào ta không chiến thắng/ Triệu người ngày đêm đang cố gắng/ Một vòng tay nối trọn Việt Nam/ Yêu thương cuộc đời, tin nơi con người/ Đừng sợ nhé, chúng ta vượt qua hết/ Đất nước của mình, bao nhiêu ân tình/ Việt Nam không bỏ lại ai phía sau”.
Mỹ thuật truyền cảm hứng
Vừa qua, du học sinh ở Anh, anh Tăng Quang đã cho ra mắt tập ký hoạ về cuộc sống trong khu cách ly tập trung 14 ngày ở trường Quân sự Quân khu 7, TP HCM mà anh lưu trú bắt buộc khi về nước trong "cơn bão Covid-19" toàn cầu.
Bìa cuốn sách “Con đã về nhà” của du học sinh Tăng Quang ký hoạ về khu cách ly tập trung tại TP HCM. |
Khác hoàn toàn với hình dung của nhiều người về hàng rào chắn hay không khí căng thẳng với tiếng chuông, còi báo hiệu như một chiến khu…màu sắc tươi sáng trong bộ tranh đã mang đến những câu chuyện ấm áp và chân tình, thể hiện lòng biết ơn của tác giả với các chiến sỹ tình nguyện.
Những chia sẻ chân thành của tác giả khi viết về khu cách ly tập trung |
“Ở nhà là yêu nước” – Khẩu hiệu truyền cảm hứng
Trong thời gian qua, Bưu điện Việt Nam kết hợp cùng Bộ Y tế nhanh chóng sáng tạo hàng loạt bức tranh cổ động, in lên tem với các mẫu tranh về các y, bác sỹ đang ở tuyến đầu chống dịch, hay hình ảnh những nhân viên y tế nắm tay giơ cao bất khuất như người lính chống "giặc" Covid-19 đã tạo nhiều cảm xúc cho người xem. Bên cạnh đó là thông điệp khẳng định mạnh mẽ “Ở nhà là yêu nước”.
Những bức tranh cổ động của hoạ sỹ Lê Đức Hiệp, hoạ sỹ Phạm Trung Hà, hoạ sỹ Lưu Yên Thế...đều có tác dụng cổ vũ tinh thần lớn lao trong cuộc chiến chống Covid-19.
Bức tranh cổ động “Ở nhà là yêu nước” được tờ báo nổi tiếng The Guardian (Anh) và hãng thông tấn DPA (Đức) nhắc tới như một sự thành công của ngôn ngữ đồ họa trong việc tuyên truyền phòng chống dịch.
Tranh cổ động của hoạ sỹ Lê Đức Hiệp trở thành bức tranh chia sẻ nhiều nhất trên mạng xã hội |
Chia sẻ về ý tưởng và hoàn cảnh ra đời của bức tranh, hoạ sỹ Lê Đức Hiệp cho biết: “Tôi thực hiện tác phẩm “Ở nhà là yêu nước” trong một buổi chiều sau khi chính phủ kêu gọi người dân ở nhà để ngăn chặn Covid-19. Tuy nhiên, khi đó, tôi thấy trên mạng xã hội, rất nhiều người vẫn làm ngơ trước lời kêu gọi, vẫn tụ tập ngoài quán cà phê, nhà hàng…, điều đó thực sự làm tôi cảm thấy bức xúc và quyết tâm phải làm một tác phẩm để có thể lan truyền nhanh chóng thông điệp của Chính phủ, đồng thời có thể nâng cao nhận thức của người dân.
Về mảng tranh cổ động, còn có thể kể đến họa sĩ Phạm Trung Hà đã hợp tác cùng Bộ Y tế và Công ty Tem Việt Nam sáng tạo 2 tác phẩm với mục đích “gửi thông điệp rõ ràng về đoàn kết chống lại COVID-19”.
Họa sĩ 73 tuổi Lưu Yên Thế dù đang điều trị ung thư vẫn sáng tạo và gửi 2 tác phẩm đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Phim truyền hình “Những ngày không quên”
Bộ phim là tác phẩm của hai đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, Trịnh Lê Phong; biên kịch Trịnh Khánh Hà, Nguyễn Thu Thủy; quy tụ nhiều NSND: Trung Anh, Hoàng Dũng, Bùi Bài Bình; các diễn viên: Thu Quỳnh, Bảo Thanh, Bảo Hân, Đình Tú, Phương Oanh, Quốc Trường…
Phim dài 50 tập, lấy bối cảnh, nhân vật từ hai bộ phim truyền hình quen thuộc “Về nhà đi con” và “Cô gái nhà người ta” được phát sóng gần đây. Phim phản ánh câu chuyện dịch bệnh ập đến kéo theo những thay đổi trong đời sống gia đình và nảy sinh nhiều tình huống xáo trộn của xã hội, như: Đổ xô mua, tích trữ thực phẩm, găm hàng, tăng giá, tung tin đồn thất thiệt, trốn cách ly… nhưng cũng từ những biến động ấy, tình người và trách nhiệm công dân vẫn trở thành điểm sáng tạo nên niềm xúc động, lan tỏa với cộng đồng.
Một số diễn viên chia sẻ, vì quay đúng thời điểm dịch bệnh cho nên chuyện hậu trường cũng có nhiều khác biệt. Chẳng hạn, khâu kiểm dịch hay giãn cách đúng cự ly luôn được thực hiện nghiêm túc; từ chai nước uống tới hộp đồ ăn của mỗi thành viên đoàn phim đều ghi tên, xếp riêng chứ không dùng chung hoặc ăn uống tập trung như trước.
“Chiếc lá cuối cùng – Quyền năng đất mẹ” – 1977 Vlog
Trong tháng 2, 1977 Vlog đã tung ra clip Parody mới mang tên CHIẾC LÁ CUỐI CÙNG - QUYỀN NĂNG ĐẤT MẸ tập trung nhiều chủ đề nóng với dịch Corona, phê phán nhiều câu chuyện không vui khi dịch Corona bùng nổ, cũng như ca ngợi những người tiên phong trong tuyến đầu chống dịch.
1977 Vlog là một nhóm những bạn trẻ làm phim ngắn lần đầu ra mắt kênh YouTube của mình vào 8/2019 và nhanh trở thành "hiện tượng mạng xã hội" với các video hài tông màu đen trắng được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng.
Với những video đột phá về ý tưởng và thu hút người xem của mình, 1997 Vlog đã được vinh danh là Đại sứ truyền cảm hứng và đạt giải Sản phẩm hài chế của năm trong giải thưởng We Choice Awards 2019.
Trong Parody “Chiếc lá cuối cùng – Quyền năng đất mẹ”, 1977 Vlog đã đề cập tới nhiều vấn đề thông qua hình tượng các nhân vật trong truyện Chiếc lá cuối cùng của O Henri, lồng ghép để nói chuyện chống dịch Covid-19 ở Việt Nam.
Những chi tiết đầy ẩn ý nhưng lại gây cười như chuyện bán tranh với giá đắt gấp 5 lần khiến người xem liên tưởng đến hành vi tăng giá khẩu trang bất chính để trục lợi trong giai đoạn bệnh dịch và mặt hàng này trở nên khan hiếm.
Nhân vật Rosy của 1977 Vlog gây ấn tượng với câu nói: "Là một người phụ nữ có não, tôi sẽ tự cách ly mình khỏi cộng đồng". Đây là một lời nhắc gợi đến sự việc một cô gái quê Bình Dương sau khi trở về từ Deagu – tâm dịch của Hàn Quốc, khi nhập cảnh tại Việt Nam đã khai báo không đúng sự thật để trốn cách ly.
PV
Những "vũ khí" chống "giặc" Covid-19: Bài 1 - Ông Bụt…Gạo Khi dịch đã thành giặc thì phải có vũ khí hữu hiệu để chiến đấu. Với truyền thống dân ta thì đánh giặc là quyền ... |
Tự hào Việt Nam: Chương trình ý nghĩa tri ân những người nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19 Tối ngày 23/6, tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, chương trình giao lưu chính luận "Tự hào Việt Nam" được diễn ra nhằm ... |
Đại dịch COVID-19 đã bước sang giai đoạn “mới và nguy hiểm” Đến thời điểm này thế giới ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc COVID-19 và gần 470 nghìn người tử vong. Tổng Giám đốc Tổ ... |