Những nhà văn, nhà báo gốc Việt thành danh trên đất Mỹ
Nick Út - phóng viên chiến trường tài năng của AP
Bức ảnh “Cô bé Napalm” do Nick Út - phóng viên ảnh của hãng AP (Mỹ) chụp năm 1972 có lẽ là một trong những hình ảnh ám ảnh nhất về chiến tranh Việt Nam. Bức ảnh đã gây một tiếng vang lớn, phơi bày sự thật tàn khốc: cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã gây đau thương, chết chóc cho bao người dân vô tội. Ngay sau đó, tác giả Nick Út được trao giải báo chí danh giá Pulitzer và bức ảnh được chọn là Ảnh Báo chí Thế giới năm 1972.
Đến năm 2010, Tạp chí New Statesman của Anh bình chọn đây là ảnh thời sự ấn tượng nhất mọi thời đại.
Tháng 6 vừa qua, bức ảnh được trưng bày tại triển lãm “Việt Nam – Cuộc chiến tranh qua ảnh” do hãng AP tổ chức tại Hà Nội – một hoạt động nhân kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ.
Phóng viên Nick Út tặng lại bức ảnh kỷ niệm cho anh Hồ Văn Bôn khi ông thăm Trảng Bàng hồi tháng 6/2015. (Ảnh: Zing)
Ông Nick Út xúc động bày tỏ tại cuộc triển lãm: "Trong nhiều năm nay, các phóng viên ảnh AP đã chụp ảnh và đưa tin từ nhiều địa điểm nguy hiểm để có những tấm hình giúp mọi người hiểu về những gì đang xảy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới. Và điều đó đi kèm với cái giá phải trả. Chiến tranh đã lấy đi cuộc sống của anh trai tôi Huỳnh Thanh Mỹ. Tôi bị bắn 3 lần nhưng còn đủ may nên còn sống sót và tiếp tục chụp ảnh cho hãng AP.
Thậm chí, tôi còn may mắn hơn. Tôi được trở lại Việt Nam để chứng kiến triển lãm ảnh lần này và nhớ lại những phóng viên ảnh đã chụp những bức hình được trưng bày, trong đó có anh trai tôi và những người đã hy sinh khi đang tác nghiệp".
Nick Út tại triển lãm “Việt Nam – Cuộc chiến tranh qua ảnh”. (Ảnh: VnExpress)
Trước ngày khai trương triển lãm ảnh, Nick Út cũng về thăm lại nơi ông chụp tác phẩm “Cô bé Napalm” ở gần Trảng Bàng, ngoại ô TP. HCM (Sài Gòn trước đây). Hoạt động này được ông chia sẻ trên tài khoản Instagram của AP Images để kể lại những gì mình chứng kiến và cảm nhận trong khoảnh khắc chụp bức ảnh, cũng như góc nhìn cá nhân vào 40 năm sau.
Leyna Nguyễn - người sáng lập quỹ từ thiện hỗ trợ trẻ em nghèo Việt Nam
Leyna Nguyễn sinh năm 1969 tại Đông Hà, Quảng Trị, Việt Nam. Năm 1975, cô theo gia đình sang Mỹ định cư.
Xuất phát điểm là một hoa hậu người Mỹ gốc Á kiêm ca sỹ nhưng Leyna Nguyễn lại từ bỏ showbiz đầy hào quang để lấn sân trên con đường báo chí. Tốt nghiệp ngành truyền thông đại chúng tại Đại học Webster thuộc tiểu bang Missouri năm 1992, Leyna Nguyễn khởi nghiệp tại một số đài truyền hình danh tiếng như KCRA và WRDW-TV.
28 tuổi, Leyna là người trẻ nhất được nhận vào Đài truyền hình KCBS của công ty truyền thông CBS. Đây là một trong những cơ quan báo hình lâu đời nhất thế giới và là đơn vị truyền thông hàng đầu đất nước của Nữ thần Tự Do. Bên cạnh đó, cô còn cộng tác với kênh KCAL - một tên tuổi lớn khác trong mảng tin tức tại khu vực bang California.
Leyna Nguyễn thành lập một quỹ từ thiện để giúp đỡ trẻ em nghèo Việt Nam
Thành công nối tiếp thành công, năm 2008, Leyna Nguyễn được trao 3 giải Emmy – giải thưởng cao quý nhất cho giới truyền hình Mỹ cho vai trò người dẫn chương trình.
Leyna Nguyễn từng được bình chọn là “một trong 25 phụ nữ Mỹ gốc Việt có ảnh hưởng nhất trong 25 năm qua” vào năm 2000. Năm 2011, cô được nghị viện bang California vinh danh là “Người phụ nữ của năm”.
Đặc biệt, Leyne Nguyễn còn được biết đến là một người có tấm lòng nhân ái vô bờ. Để giúp đỡ trẻ em kém may mắn ở Việt Nam, năm 1997, cô sáng lập tổ chức từ thiện Love Across The Ocean (Tình yêu vượt đại dương).
Năm 2000, Leyna Nguyễn được bình chọn là “một trong 25 phụ nữ Mỹ gốc Việt có ảnh hưởng nhất trong 25 năm qua”
Với mong muốn ông xã thấu hiểu và trân trọng nét đẹp của văn hóa Việt Nam truyền thống, năm 2005, cô trở về Đông Hà, Quảng Trị để tổ chức lễ cưới theo nghi lễ truyền thống với áo dài khăn đóng. “Mỗi khi về Việt Nam thăm họ hàng và người thân, tôi luôn nói “I’m going home” - trở về nhà, chứ không phải là “vacation” - đi du lịch” - người đẹp tâm sự.
Thúy Vũ - nhà báo 2 lần giành giải Emmy
Sinh năm 1975 tại Việt Nam, Thúy Vũ sang Mỹ định cư từ nhỏ. Đã và đang làm việc tại nhiều cơ quan truyền thông lớn như: đài KQED-FM, NPR, KPIX, KTVU-TV, CBS, Thúy Vũ là một người dẫn chương trình, một phóng viên nổi tiếng. Cô khẳng định được tên tuổi của mình trong giới truyền hình Mỹ khi được trao tặng giải thưởng Emmy uy tín tới 2 lần.
Thúy Vũ đã 2 lần về Việt Nam để thực hiện phóng sự phóng sự “Vietnam Revisited”.
Rời Việt Nam từ khi còn rất nhỏ nhưng tấm lòng của cô vẫn luôn hướng về quê hương. Phát huy thế mạnh của mình, Thúy Vũ mang tới cho công chúng Mỹ góc nhìn rõ nét về cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam thông qua phóng sự “Vietnam Revisited” (Thăm lại Việt Nam) phát trên kênh CBS. Đây là tác phẩm được thực hiện sau 2 lần cô trực tiếp trở về nơi chốn rau cắt rốn.
Những thước phim kể về cuộc sống của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam góp phần giúp khán giả Mỹ hiểu tường tận hậu quả khủng khiếp của cuộc chiến. Từ đó, chúng khơi gợi sự đồng cảm, sẻ chia của người xem; đồng thời, đòi hỏi công lý cho các nạn nhân da cam.
Vì vậy, tác phẩm đặc biệt này của Thúy Vũ giành vị trí cao nhất tại giải thưởng báo chí danh giá National Headliner Award 2010.
Thúy Vũ có mặt trong danh sách những người tài năng nhất dưới 40 tuổi của vùng vịnh San Francisco
Đồng thời, nữ nhà báo còn khẳng định tên tuổi của mình với hàng loạt giải thưởng như: Giải thưởng Phóng sự nghiêm túc nhất của Hiệp hội Phát thanh và truyền hình Mỹ, Giải thưởng Nữ phóng viên phát thanh và truyền hình xuất sắc nhất, 2 Giải thưởng quốc gia của Hiệp hội Các nhà báo Á - Mỹ, Giải thưởng danh dự của Hiệp hội Các trưởng ban thời sự phát thanh…
Tạp chí Focus của San Francisco (hiện đổi tên thành tạp chí San Francisco) bình chọn Thúy Vũ là một trong số những người tài năng nhất dưới 40 tuổi của vùng vịnh San Francisco.
Lại Thanh Hà: Chinh phục văn đàn Mỹ bằng tiểu thuyết thơ
Năm 2011, nữ nhà văn người Mỹ gốc Việt - Lại Thanh Hà (sinh năm 1965) ghi dấu ấn tại văn đàn Mỹ khi đoạt giải thưởng văn học danh giá National Book Award với cuốn tiểu thuyết đầu tay được viết bằng thơ - “Inside Out & Back Again” (Đi rồi cũng lại về).
Ngay từ tiểu thuyết đầu tay, nhà văn người Mỹ gốc Việt Lại Thanh Hà đã gây được tiếng vang lớn
Năm 1975, Thanh Hà cùng gia đình lưu lạc tới Mỹ. “Inside Out & Back Again” là cuốn tiểu thuyết bằng thơ gồm 121 bài như một cuốn tự truyện của Thanh Hà, ghi lại những năm tháng cuộc đời cô kể từ khi đặt chân đến Mỹ. Đó là câu chuyện về một cô bé 10 tuổi, gặp vô vàn khó khăn khi bất đồng ngôn ngữ tại một xứ sở xa lạ.
Thậm chí, cô bé và gia đình còn phải đối mặt với thành kiến về chủng tộc và tôn giáo. Điều đặc biệt là bước vào một xứ sở mới, nhưng đến một lúc nào đó nội tâm của một cô gái phương Đông vẫn bí mật quay về với thế giới của mình bằng những ký ức mơ hồ nhưng đầy ám ảnh.
Với các tác phẩm của mình, Lại Thanh Hà đã mang tâm tư tình cảm và tâm hồn văn học Việt Nam đến gần với công chúng Mỹ
Chia sẻ về quá trình viết tác phẩm, nhà văn Lại Thanh Hà cho biết: "Tôi đã viết theo kiểu tôi nghĩ nó bằng tiếng Việt, một ngôn ngữ đầy hình ảnh, rồi dịch nó ra thành điệu và nhịp điệu của tiếng Việt".
Sau “Inside Out & Back Again”, nhà văn Lại Thanh Hà tiếp tục kể một câu chuyện nữa về Việt Nam bằng cuốn sách thứ hai.
Mạnh Phúc
Tổng hợp