Những người tự đi tìm số phận
Cùng chung tay giúp người khuyết tật hoà nhập cộng đồng Tạo việc làm, tạo sinh kế là những nỗ lực của cả cộng đồng giúp người khuyết tật hoà nhập. Hoạt động trợ giúp người khuyết tật đã thu hút sự quan tâm, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng và quyền của người khuyết tật cũng ngày càng được bảo đảm tốt hơn… |
Gần 300 người khuyết tật và gia đình tại Ninh Bình được hỗ trợ sinh kế sau Covid-19 Thực hiện từ tháng 1/2023 - 4/2023, dự án "Cùng người khuyết tật và gia đình họ xây dựng sinh kế sau Covid-19" đã hỗ trợ 275 người, trong đó 64 người khuyết tật có sinh kế bền vững để phục hồi sau đại dịch Covid-19. |
Nhìn người phụ nữ nhỏ nhắn, cao khoảng 1m50, tóc ngắn đen búi gọn đang miệt mài hướng dẫn mọi người cách may quần áo từ 7 giờ 30 đến 17 giờ hàng ngày tại Hợp tác xã (HTX) may mặc Cúc Phương (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), ít ai ngờ rằng, chị Yến là một người bị khuyết tật vận động bẩm sinh, đã từng rất tự ti về bản thân mình.
Chạm tới giấc mơ
Chị Yến bộc bạch: “Năm 9 tuổi tôi mới bắt đầu biết đi nhưng phải nhờ hỗ trợ từ gậy vì tôi bị liệt hoàn toàn chân trái. Đường xa, gia đình nghèo, đi lại khó khăn nên cũng chỉ học đến lớp 3. Năm 1986, tôi học văn hóa và nghề may tại trường dạy nghề cho người khuyết tật Hà Nam Ninh (nay đã đóng cửa). Học xong, năm 1989, tôi mua được một chiếc máy may con bướm cũ và nhận sửa chữa quần áo tại nhà. Lúc đó, cuộc sống khó khăn, chiếc máy may cũ nên hay hỏng hóc, may mãi chưa xong một bộ quần áo. Đã nhiều lần tôi ước có một chiếc máy may mới, nhưng cũng không có tiền để mua.
Năm 2020, vào một ngày mùa đông tôi đang sửa quần áo, ban quản lý dự án “Thúc đẩy phát triển hòa nhập của người khuyết tật và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình” đã đến nhà để khảo sát hoàn cảnh gia đình và giới thiệu về những lợi ích khi tham gia Dự án với tôi”.
Chị Đinh Thị Yến (áo vest caro đen trắng) đang hướng dẫn các thành viên tại HTX may mặc Cúc Phương (Ảnh: Hạnh Trần). |
Sau nhiều lần tiếp xúc với ban quản lý Dự án, chị Yến đã mạnh dạn bày tỏ với họ ước mơ của mình là muốn được tài trợ một xưởng may để nhiều người khuyết tật và phụ nữ khó khăn có một công việc để làm. Sau đó, chị đi tập hợp những chị em trong xã là người khuyết tật có khả năng làm việc và người nhà của người khuyết tật không có khả năng vận động để lên danh sách. Vì mọi người lúc đó cũng đã nhận thức được lợi ích khi tham gia Dự án nên những người có đủ khả năng may đã đồng ý tham gia vào HTX với chị Yến. Đồng thời, chị Yến cũng đi tìm kiếm địa điểm thích hợp mở xưởng may, tham khảo nơi cung cấp nguồn hàng, đầu ra cho sản phẩm và gửi đề xuất đó đến ban quản lý Dự án.
Dự án “Thúc đẩy phát triển hòa nhập của người khuyết tật và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu” do Tổ chức Phát triển quốc tế - CBM (CHLB Đức) và Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) tài trợ, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) thực hiện từ tháng 01/2018 - 12/2021 tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. |
Chị Yến được Dự án tài trợ 11 máy may công nghiệp và hỗ trợ kinh phí để thành lập HTX may mặc Cúc Phương. Cùng với đó, chính quyền địa phương hỗ trợ đất và một phần chi phí xây dựng. Chị Yến được bầu làm Giám đốc của HTX may mặc Cúc Phương với khởi điểm là 11 thành viên.
Thời gian sau đó, Dự án cũng mở các lớp tập huấn từ đào tạo nghề, nâng cao năng lực, kiến thức cho bản thân người khuyết tật và gia đình họ.
Người khuyết tật đổi đời
Chị Yến cho biết, thời gian đầu khi HTX đi vào hoạt động gặp nhiều khó khăn. Các thành viên mới biết việc và sức khỏe hạn chế nên chưa quen với yêu cầu của đối tác.
“Có lần sản phẩm bị trả lại 4 lần nên cứ mỗi lần gửi hàng mà không bị trả lại lô nào là mừng lắm, các chị em trong HTX lại vui cười cả ngày. Mỗi đơn hàng bị trả lại, thời gian gấp thì mọi người sẽ phải làm tăng ca để hoàn thành. Có những ngày tôi và các thành viên phải dậy từ 4 giờ sáng, thức đến 23 giờ đêm để sửa sản phẩm lỗi và không có thời gian để ăn trưa”, chị Yến chia sẻ.
Nhưng cũng nhờ những lần như thế, chị Yến và những thành viên trong HTX đã biết được nguyên nhân dẫn đến lỗi đó và dần nâng cao tay nghề, kỹ thuật của mình. Sau đó, số lần bị trả hàng lại giảm dần, HTX còn được ký kết để mang xuất khẩu đi các các chợ của Ấn Độ.
Năm 2022, dự án "Cùng người khuyết tật và gia đình họ xây dựng sinh kế sau Covid-19" do Quỹ Give2Asia của Mỹ tài trợ đã hỗ trợ thêm cho HTX may mặc Cúc Phương 3 chiếc may may công nghiệp.
Cán bộ của Dự án động viên chị Đinh Thị Yến (Ảnh: Hạnh Trần). |
Đến nay, HTX có tổng 19 máy may, tạo công ăn việc làm cho hơn 20 người khuyết tật và người nhà của người khuyết tật. Trong đó, có 14 máy may đặt tại HTX còn 5 máy may đặt tại nhà người khuyết tật không có khả năng vận động để người thân của họ có cơ hội được nhận sản phẩm về nhà làm và kiếm thêm thu nhập. Trước đây, những thành viên trong HTX hầu như chưa có việc làm ổn định, phải sống phụ thuộc vào gia đình hoặc nguồn phụ cấp của nhà nước. Đến nay, thu nhập bình quân của các thành viên trong HTX giao động từ 2.500.000-3.500.000 VNĐ.
“Điều làm tôi cảm thấy vui nhất là tôi không còn mặc cảm hay tự ti khi ra xã hội. Tôi tin rằng người khuyết tật cũng như bao người bình thường khác, họ có ước mơ, hoài bão và những đam mê để vươn lên trong cuộc sống và góp ích cho xã hội. Dự án đã giúp chúng tôi thay đổi và khẳng định mình có thể làm được và có ích cho xã hội”, chị Yến chia sẻ.
Ông Bùi Văn Thể, Phó ban quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển huyện Nho Quan (Ảnh: Hạnh Trần). |
Ông Bùi Văn Thể, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nho Quan, Phó ban quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển huyện Nho Quan cho biết, các mô hình HTX may mặc thành lập tại 2 xã Thạch Bình, Cúc Phương (huyện Nho Quan) với 3 xưởng may do Dự án tài trợ đều do trực tiếp người khuyết tật quản lý. Đến nay, hơn 40 phụ nữ (100% là phụ nữ khuyết tật và thành viên gia đình họ) có sinh kế ổn định.
Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật và người nhà của họ có sinh kế bền vững, có thu nhập ổn định để hòa nhập cộng đồng ngày một tốt hơn, kết quả của Dự án còn làm thay đổi góc nhìn của người dân về vai trò của người khuyết tật đối với xã hội.