Những người con của tình hữu nghị Việt - Thái
Tiếng nhạc nổi lên rộn ràng, bà Thon cùng các bà, các chị trong trang phục truyền thống của Thái Lan hoặc áo dài Việt Nam xếp thành vòng tròn. Cao tuổi nhất Hội nhưng động tác múa của bà Thon rất dẻo dai. Bà vừa cuộn bàn tay vừa ép ngón trỏ vào ngón cái, các ngón xòe rộng và uốn cong, bà tiến lên phía trước ba bước rồi lại lùi một bước. Cứ như thế, bà vừa đi vòng tròn cùng mọi người vừa múa nhịp nhàng theo tiếng nhạc.
"Điệu lăm vông đã thấm vào máu bà từ nhỏ", bà Thon nói. Là người gốc Quảng Bình, bà Thon cùng bố mẹ di tản sang tỉnh Mukdahan, Thái Lan khi mới 7 tuổi, hơn 20 năm sau mới hồi hương về Việt Nam.
Bà Lê Thị Thon múa lăm vông tại Đại hội Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan tỉnh Hòa Bình lần thứ II vào tháng 5/2023 (Ảnh: Thành Luân). |
Bà kể, gia đình bà sống trong khu của người Thái. Đã quên mặt, quên tên những người bạn Thái Lan khi xưa nhưng bà vẫn nhớ thuở mười tám, đôi mươi tối tối lại cùng chúng bạn đi thuyền ra cồn cát giữa sông múa lăm vông. Vui nhất là ngày sinh nhật Bác (19/5), ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8), ngày Quốc khánh Việt Nam (2/9), tết Songkran của Thái Lan (13-15/4)... các gia đình người Việt sẽ mang đồ ăn đến chùa để dâng cơm cho nhà sư Thái Lan để thể hiện sự tôn kính và cầu bình an cho cả nhà.
Vừa múa lăm vông bà Nguyễn Thị Sặn (73 tuổi, ở xã Tân Lập 2, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) vừa cho biết: Quê gốc bà ở Quảng Bình, do chiến tranh bố mẹ bà di tản sang Lào, Thái Lan rồi sinh con đẻ cái ở đó. Tên "Sặn" của bà là chữ Thái, có nghĩa là "ngắn", sau này cũng không đổi lại. Nơi đất khách quê người không có đất đai, nhà cửa, ban ngày ông bà đi làm thuê cho người Thái, tối về nấu chè rồi mang đi bán. Người Thái rất tốt, lúc đói có thể lên chùa ăn cả tháng cả năm.
"Ngày nhỏ, tầm 6-8 giờ sáng tôi đến nhà cán bộ Việt Nam đang hoạt động bí mật để học tiếng Việt. Do học lén nên đi đường phải giấu sách vào bụng, đang học mà có ai khả nghi đến thì tất cả tản mát ra, giả vờ làm việc nọ việc kia. Sau 8 giờ tôi học chữ Thái đến hết ngày. Tối về thì giúp mẹ nấu chè rồi đẩy xe đi bán...", bà Sặn kể.
Năm 1960, nghe lời kêu gọi trở về xây dựng quê hương của Bác Hồ, gia đình bà Sặn cùng hàng ngàn kiều bào ở Thái Lan lên tàu về nước. "Tàu cập cảng ở Hải Phòng, chúng tôi không về quê cũ mà xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Hòa Bình. Ngày ấy Tân Lập chỉ toàn lau sậy, nhà cửa không có, chúng tôi phải xin ở nhờ nhà dân ở gần đó rồi khai hoang", bà cho biết.
Bà Mai Thị Huệ (65 tuổi, ở xã Tân Lập 2, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) cũng sinh ở Nakhorn, Thái Lan. Hồi hương khi mới 2 tuổi, ký ức của bà về những ngày tháng ở Thái Lan không nhiều. Bà nghe bố mẹ kể: Nakhorn gần sông, ông bà nội sinh sống bằng nghề chài lưới. Ông bà có 8 người con, 4 người sau này trở về Việt Nam, còn lại ở Thái Lan.
"Bố tôi và nhiều gia đình khác xung phong lên Hòa Bình, khi ấy là nơi rừng thiêng nước độc để khai phá, con phố Tân Lập trở thành "phố Thái". Hội thân nhân Việt kiều Lào - Thái Lan cũng ra đời từ đó. Ngày tết cổ truyền của Thái Lan, các gia đình Việt kiều vẫn giữ phong tục té nước, lên chùa tụng kinh, múa lăm vông và nấu những món ăn truyền thống của Thái Lan như lạp, sụm tằm... Bà Huệ được mẹ dạy múa lăm vông từ nhỏ, đến bây giờ dù phải đặt stent mạch vành nhưng hễ gia đình các thành viên trong Hội có đám cưới, đám hỏi, bà lại cùng các chị em đến múa góp vui cùng gia đình.
"Chúng tôi nhờ người sang Thái, Lào mua đĩa nhạc, chọn những bài hát hay rồi học múa. Vải cũng được đặt ở Thái Lan để may Borompiman, một loại trang phục truyền thống của người Thái. Trang phục này gồm một chiếc áo dài tay với nút cài phía trước hoặc sau cổ. Chân váy chấm mắt cá trang trí bằng những họa tiết thêu bắt mắt. Vào các dịp lễ của nước bạn, sự kiện của Hội, gia đình hội viên có việc vui hay đi giao lưu, các chị em sẽ diện trang phục truyền thống này đến múa", bà Huệ cho biết.
Điều bà Huệ tự hào là đã mấy chục năm trôi qua nhưng các thế hệ thân nhân Việt kiều Thái Lan vẫn gìn giữ, vun đắp cho tình hữu nghị Việt - Thái.
"Chúng tôi tham gia Hội vì tâm huyết, nhiệt tình. Hy vọng Hội ngày càng hoạt động sôi nổi hơn, tổ chức cho bà con thân nhân Việt kiều đi tham quan, du lịch để giao lưu, kết nối với nhau", bà Huệ nói.