Những kỹ nữ nhan sắc tuyệt trần từng làm say lòng bao Hoàng đế Trung Hoa
Chuyện tình yêu của những vị Đế vương với mỹ nữ xinh đẹp, xứng danh "trai anh hùng, gái thuyền quyên" cũng chẳng hề xa lạ trong lịch sử Trung Hoa. Tuy nhiên, việc một người đứng đầu thiên hạ dám đem ả kỹ nữ có xuất thân thấp kém về cung, chu cấp cho vàng bạc châu báu thì quả thực là rất hiếm có!
Lưu mỹ nhân - Hoàng đế Minh Vũ Tông
Vào triều Minh, chuyện Hoàng đế ghé thăm chốn lầu xanh và âu yếm kỹ nữ không phải là chuyện lạ. Và vị vua thứ 11 của triều đại này là Minh Vũ Tông đã tiếp nối "truyền thống" ăn chơi của thế hệ trước, thường xuyên cặp kè với hàng loạt mỹ nhân trên khắp cả nước.
Sử sách ghi chép: "Chỉ cần Minh Vũ Tông cảm thấy vừa mắt, hoặc bị quyến rũ bởi đường nét nào đó thì cho dù ở độ tuổi nào, già hay trẻ, con nhà lành hay kỹ nữ lẳng lơ đều chẳng thể thoát khỏi vòng tay của vị vua này.
Trong số những người từng được ông để mắt tới, nổi tiếng nhất đích thị là Lưu mỹ nhân, một kỹ nữ xinh đẹp ở vùng Thái Nguyên, Trung Quốc".
Lưu mỹ nhân từng là một kỹ nữ thuộc quyền quản lý của Tấn Vương Phủ. Ảnh minh họa.
Lưu mỹ nhân sinh ra trong một gia đình thường dân, rồi trở thành một kỹ nữ thuộc quyền quản lý của Tấn Vương Phủ khi vừa tuổi trăng tròn. Nàng đã lọt vào mắt xanh của Minh Vũ Tông trong một lần vị vua triều Minh chu du tới vùng Thái Nguyên để tìm kiếm người đẹp.
Đáng lẽ chỉ mua vui qua đường, song bậc Đế vương lại quyết định đặc cách và giữ Lưu mỹ nhân ở lại bên mình sau khi bị mê hoặc bởi tiếng hát trong trẻo cùng điệu múa say đắm mà nàng vừa thể hiện.
Họ gắn bó với nhau như hình với bóng, kể cả lúc đôi bên đã về tới kinh thành. Thậm chí, Minh Vũ Tông còn hạ lệnh xây riêng cho Lưu mỹ nhân một cung điện nguy nga và gửi tặng hàng đống vàng bạc châu báu đắt giá.
Minh Vũ Tông hạ lệnh xây riêng cho Lưu mỹ nhân một cung điện nguy nga. Ảnh minh họa.
Lưu mỹ nhân được sủng ái tới mức Minh Vũ Tông nhất nhất đều nghe theo lời nàng. Tương truyền, hễ vị đại thần nào trong triều lỡ làm phật lòng vua thì đều tìm tới người đẹp, nỉ non xin giúp đỡ. Và chỉ cần nàng mỉm cười một cái, Minh Vũ Tông lập tức si mê mà chiều theo mọi nhẽ.
Thậm chí, ông còn ban lệnh đặc cách, cho phép kỹ nữ họ Lưu đi theo để hầu hạ mình trong cuộc chiến dẹp loạn Ninh Vương.
Vệ Tử Phu - Hán Vũ Đế Lưu Triệt
Vệ Tử Phu là Hoàng hậu thứ hai của Hán Vũ Đế thuộc nhà Tây Hán. Tuy nhiên, trước khi trở thành người phụ nữ quyền lực nhất trong hậu cung, bà vốn xuất thân từ một ca nữ trong phủ của chị gái vua là Bình Dương công chúa.
Tương truyền, thấy em trai lên ngôi báu nhiều năm, song Hoàng hậu Trần A Kiều lại không thể sinh được con trai nên Bình Dương Công chúa bèn chọn lựa nhiều cô gái nhà lành, đưa về phủ dạy dỗ chu đáo rồi dâng lên nhà vua.
"Trở về từ lễ tế trời đất, bậc Vương quyền có ghé tới phủ Công chúa thăm nom. Tuy vị này có gọi những mỹ nhân tài sắc ra mua vui cho vua nhưng Hán Vũ Đế lại chẳng hề động lòng.
Vậy mà khi nhìn thấy vẻ đẹp ‘khuynh nước khuynh thành’ của Vệ Tử Phu, ông lại không giấu nổi sự say mê rồi âu yếm nàng ngay trong phòng thay đồ của chị gái mình".
Vệ Tử Phu là Hoàng hậu thứ hai của Hán Vũ Đế thuộc nhà Tây Hán. Ảnh minh họa.
Bình Dương Công chúa đã xin Hán Vũ Đế đem mỹ nhân họ Vệ vào cung để tiện bề hầu hạ. Nhưng một thời gian sau, khi ông chuẩn bị sa thải những cung nữ lớn tuổi, tuyển thêm đợt người đẹp mới thì nàng ca kỹ lại tới tìm gặp vua, khóc lóc nỉ non rồi xin được rời cung.
Thấy thương quá, bậc Vương quyền bèn giữ Vệ Tử Phu ở lại bên mình ngay trong đêm hôm ấy. Nào ngờ nàng lại mang thai nên sau này càng được sủng ái nhiều hơn, sinh cho vua tất cả 4 người con.
Triệu Phi Yến - Hán Thành Đế Lưu Ngao
Triệu Phi Yến là Hoàng hậu Hán Thành Đế Lưu Ngao thuộc nhà Tây Hán. Người ta miêu tả nàng có vẻ đẹp tựa như chim yến với thân hình thanh mảnh, nước da trắng muốt cùng tài sắc hơn người.
Khi ấy, do ham mê tửu sắc nên nhà vua thường xuyên cải trang thành thường dân, bí mật trốn khỏi cung để ăn chơi hưởng lạc tại các kỹ viện nổi tiếng.
Triệu Phi Yến sở hữu vóc dáng thanh mảnh cùng tài năng ca múa tuyệt vời. Ảnh minh họa.
Trong một lần tới phủ của Công chúa Dương A uống rượu, Hán Thành Đế đã đem lòng si mê trước nhan sắc yểu điệu của ca nữ Triệu Phi Yến. Nàng không những múa may uyển chuyển theo điệu nhạc mê đắm, mà còn liếc mắt đưa tình khiến bậc Vương quyền phải lập tức đem về hậu cung với thứ bậc Tiệp dư.
Sau đó, mặc cho Thái hậu phản đối vì xuất thân hèn kém của mỹ nhân họ Triệu, song ông vẫn sắc phong người đẹp làm Hoàng hậu rồi ban chức ban quyền, thưởng biết bao nhiêu là vàng bạc châu báu.
Dân gian tương truyền: "Cùng em gái của mình là Triệu Hợp Đức, vị Hoàng hậu này đã làm chủ cả hậu cung nhà Hán. Dù có hoang dâm vô độ với rất nhiều nam nhân nhưng cuối cùng bà vẫn không thể sinh được con, phải tự kết liễu cuộc đời bằng rượu độc".
Lý Sư Sư - Hoàng đế Tống Huy Tông
Câu chuyện tình với nội dung đặc biệt, được người đời lưu truyền nhiều nhất trong lịch sử Trung Hoa chính là mối lương duyên vừa bi kịch, song cũng không kém phần lãng mạn giữa vua Tống Huy Tông Triệu Cát và kỹ nữ Lý Sư Sư.
Sử sách từng ghi chép, người đẹp này sống vào cuối thời Bắc Tống, mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới tròn bốn tuổi. Nhưng một tú bà trong vùng đã mang nàng về nuôi sau khi nhận thấy nhan sắc tiềm năng từ đứa trẻ đáng thương, với hy vọng sẽ biến Sư Sư thành "cỗ máy" kiếm tiền trong tương lai gần.
Mỹ nhân này được dạy đủ cầm, kỳ, thi họa lại sở hữu khuôn mặt thanh tú nên nhanh chóng nổi tiếng khắp kinh thành.Và việc nàng lọt vào mắt xanh của vị vua đa tình Tống Huy Tông Triệu Cát, thuộc nhà Tống đời thứ 8 cũng chẳng có gì là quá ngạc nhiên.
Lý Sư Sư được tấn phong làm Quý phi nhưng vẫn phải sống ở lầu xanh. Ảnh minh họa.
Dù trong cung có hàng tá mỹ nữ đang chờ được phục vụ nhà vua, song Tống Huy Tông Triệu Cát vẫn thường xuyên ghé tới các lầu xanh để tìm kiếm người đẹp đích thực.
Ông cũng rất mong ngóng được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ xinh xắn cùng tài năng tuyệt vời của Lý Sư Sư nên bèn nói dối mình là một thương nhân với nghề chính là buôn bán hàng hóa trong vùng.
Ấy vậy mà mỹ nhân nổi tiếng lại tỏ ra lạnh nhạt và kiêu ngạo trước ánh mắt si mê từ bậc Đế vương. Tuy nhiên, ông vẫn không hề chán ghét mà lại càng muốn chinh phục nàng bằng được.
Nàng từng tỏ ra lạnh nhạt và kiêu ngạo trước ánh mắt si mê từ bậc Đế vương. Ảnh minh họa.
Tương truyền: "Tống Huy Tông Triệu Cát đã tặng Lý Sư Sư rất nhiều vàng bạc châu báu để bày tỏ lòng thành của mình. Sau đó, ông lén phong kỹ nữ lừng danh làm Quý phi nhưng vẫn để nàng sống ở lầu xanh.
Đồng thời, nhà vua còn sai quân lính đào một đường hầm nối từ nội cung đến nơi nghỉ ngơi của mỹ nhân, ngụy trang bằng các căn phòng nối tiếp nhau để tiện bề gặp gỡ người tình trong mộng".
Nhưng chính sự si mê quá mức này đã khiến cả vương triều Bắc Tống rơi vào cảnh diệt vong khi bị nhà Kim mang quân sang tấn công. Hai cha con vua Tống Huy Tông đều bị phe địch bắt giữ và đày lên vùng biên ải phía Bắc. Cuộc sống nhung lụa của nàng kỹ nữ kiêu kỳ cũng chấm dứt từ đó.
HƯƠNG CHERRY