Những hạt mầm xây dựng nền móng lâu dài cho quan hệ hữu nghị Việt Nam - Thái Lan
Ngày 11/9, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra buổi làm việc giữa Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng với đoàn đại biểu tham dự Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Thái Lan lần thứ II và Hội nghị lần thứ XII Ban Chấp hành Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan và Thái Lan - Việt Nam.
Tại đây, PGS.TS Trần Hữu Phúc, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng cho biết: trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng là một trong ba trường đại học chuyên ngữ của Việt Nam. Trường có sứ mạng đào tạo và nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa, văn minh nhân loại, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Nhà trường luôn gắn kết công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, giao lưu văn hóa và phát triển các hoạt động sáng tạo trong sinh viên. Hiện trường có 9 khoa và 1 tổ, trong đó ngành Ngôn ngữ Thái Lan hàng năm có khoảng 30 sinh viên theo học.
PGS.TS Trần Hữu Phúc, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng giới thiệu tổng quan về trường và ngành ngôn ngữ Thái Lan. (Ảnh: Nguyễn Hải) |
Những năm qua, nhà trường đã xây dựng được quan hệ tốt đẹp với các trường đại học Thái Lan, các tổ chức quốc tế trong đó có TICA, Đại học Chulalongkorn, Đại học Ubon Ratchathani, Đại học Udon Thani Rajabhat, Đại học Nakhon Ratchasima Rajabhat... Nhiều sinh viên của trường đến Thái Lan để tham gia các chương trình thực tập, giao lưu văn hóa. Đó là một trong những cơ hội quý báu để các em sinh viên được trải nghiệm văn hoá, được gặp gỡ những con người Thái Lan thân thiện, gần gũi.
Hàng năm sinh viên ngành Ngôn ngữ Thái Lan được nhận học bổng do trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng cấp và các nguồn học bổng khác của Tổng Lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan tại TP.HCM, các tập đoàn, doanh nghiệp Thái Lan... Từ năm học 2013-2014 đến 2023-2024, Tổng Lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan tại TP.HCM đã trao 123 suất học bổng cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Thái Lan của trường.
Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy giao lưu, hợp tác giáo dục giữa trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung và các trường đại học Thái Lan thông qua sự kết nối, hỗ trợ của Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan và Hội hữu nghị Thái Lan - Việt Nam.
Thành viên đoàn đại biểu trao đổi, tìm hiểu về hoạt động đào tạo ngành Ngôn ngữ Thái Lan của trường. (Ảnh: Nguyễn Hải) |
Ông Krit Kraichitti, nguyên Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam nhiệm kỳ 2003-2006 mong muốn các sinh viên Việt Nam học tập tại Thái Lan trở về có cơ hội thực tập, làm việc tại các doanh nghiệp Thái Lan đóng trên địa bàn các tỉnh, thành phố Việt Nam. Ông đề nghị nhà trường quan tâm đào tạo lịch sử, dân tộc học, nguồn gốc ngôn ngữ, qua đó nâng cao hiểu biết của sinh viên về mối liên hệ gần gũi giữa Việt Nam và Thái Lan.
Đại diện TICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Thái Lan thuộc Bộ Ngoại giao Thái Lan) đề nghị nhà trường chia sẻ cụ thể nhu cầu hợp tác trong tương lai với các trường đại học và nhà tài trợ Thái Lan. Trong khi đó, một số thành viên khác trong đoàn quan tâm đến chương trình đào tạo ngành ngôn ngữ Thái Lan, các công trình nghiên cứu về Thái Lan, chuẩn đầu ra của sinh viên nhà trường...
Ghi nhận và giải đáp câu hỏi của đoàn đại biểu, PGS.TS Trần Hữu Phúc cho biết: sinh viên nhà trường, đặc biệt là sinh viên ngành Ngôn ngữ Thái Lan luôn có cơ hội đăng ký thực tập tại các doanh nghiệp Thái Lan. Theo thống kê của nhà trường, hầu hết sinh viên ngành ngôn ngữ Thái Lan ra trường đều có việc làm ngay.
Ông Phúc cũng cho biết thêm: Các sinh viên của trường được học 2 ngoại ngữ (một chuyên ngữ và một ngoại ngữ 2). Số lượng sinh viên chuyên ngành ngoại ngữ đăng ký học ngoại ngữ 2 là tiếng Thái Lan luôn đứng đầu trường. Tuy nhiên, tổ tiếng Thái Lan chỉ có 5 giảng viên, chưa thể thỏa mãn nhu cầu học tập tiếng Thái của sinh viên. Vì vậy, nhà trường đề nghị TICA và hai Hội kết nối, giới thiệu giảng viên của trường đi học tập nâng cao trình độ, đặc biệt là bậc tiến sĩ tại các trường đại học Thái Lan. Đồng thời, giới thiệu sinh viên, học viên trình độ thạc sĩ ngành Ngôn ngữ Thái Lan để nhà trường tiếp cận tuyển dụng, đáp ứng nhu cầu đào tạo tiếng Thái Lan.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Nguyễn Hải) |
PGS.TS Trần Hữu Phúc cũng đề xuất TICA và hai Hội kết nối, giới thiệu các trường đại học Thái Lan để cùng tham gia tổ chức các hội thảo liên quan đến Việt Nam học, Thái Lan học hoặc có chương trình giao lưu ngôn ngữ, văn hóa Thái Lan, Việt Nam. Tổ chức các chương trình, dự án đồng nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa của hai dân tộc.
Thay mặt đoàn đại biểu, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan đánh giá cao sự nghiệp "trồng người" - ươm những hạt mầm tốt để xây dựng nền móng lâu dài cho quan hệ hữu nghị Việt Nam - Thái Lan của các thầy cô giáo trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng. Các hoạt động của nhà trường phù hợp với ưu tiên của hai Hội hữu nghị, đó là: thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Thái Lan. Trong đó tăng cường giao lưu, kết nối giữa các trường đại học hai nước là một trong những trọng tâm hoạt động của hai Hội.
Ông Nguyễn Duy Hưng khẳng định: hai Hội sẵn sàng hỗ trợ trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng tăng cường kết nối, giao lưu với các trường đại học Thái Lan bởi những hoạt động này đóng góp lâu dài cho tình hữu nghị hai nước.