Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2024
Tắt sóng 2G
Từ ngày 16/9/2024, các nhà mạng viễn thông sẽ dừng cung cấp dịch vụ cho các thiết bị điện thoại chỉ sử dụng sóng 2G, trừ mục đích truyền, nhận dữ liệu giữa các thiết bị hoặc tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK. Nội dung này được quy định tại Thông tư số 03/2024 và số 04/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Các thiết bị chỉ hỗ trợ mạng 2G (2G Only) có nguy cơ không thể sử dụng dịch vụ từ thời gian trên. Nhà mạng cũng không thể can thiệp do giấy phép băng tần 900/1800 MHz - vốn là tần số chính dùng cho dịch vụ 2G tại Việt Nam - khi đó sẽ hết hạn.
Điện thoại 2G Only sẽ sớm không thể sử dụng tại Việt Nam. (Ảnh: KT) |
Quy định mới về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương với người lao động trong doanh nghiệp nhà nước
Thông tư 06/2024/TT-BLĐTBXH ban hành ngày 30/7/2024 có hiệu lực từ ngày 15/9/2024 sửa đổi, bổ sung Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Thông tư 06/2024/TT-BLĐTBXH bổ sung Điều 9a về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương với người lao động trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (doanh nghiệp nhà nước) được quy định như sau:
Căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, công ty rà soát và quyết định việc tiếp tục duy trì hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới thang lương, bảng lương, phụ cấp lương (kèm theo tiêu chuẩn áp dụng), bảo đảm quy định tại khoản 2 Điều 9a Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2024/TT-BLĐTBXH) làm cơ sở để xếp lương, trả lương và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định, bảo đảm quỹ tiền lương xác định trên cơ sở tổng tiền lương trong năm của tất cả người lao động tính theo các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương của công ty không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động theo quy định tại Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2024/TT-BLĐTBXH).
Khi sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến và công khai tại công ty trước khi thực hiện.
Trả lương hưu qua tài khoản cá nhân
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết từ ngày 1/9/2024 sẽ chi tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản cá nhân lập tại ngân hàng cho người về hưu trên cả nước, hạn chế hình thức nhận tiền mặt trực tiếp tại điểm chi trả và các khâu trung gian khác. Hệ thống chi trả điện tử này đã thực hiện tại 43 tỉnh thành hồi tháng 8, và triển khai tiếp 20 địa phương còn lại từ tháng 9.
Giai đoạn đầu, việc chuyển tiếp từ trả trực tiếp sang trả qua tài khoản trục trặc do kết nối giữa ngành bảo hiểm xã hội và các ngân hàng gặp vướng mắc, chủ yếu là không cùng hệ thống ngân hàng, chưa trùng khớp thông tin cá nhân.
Trường hợp người hưởng đăng ký chưa đúng số tài khoản ngân hàng nên chưa nhận được tiền tháng 8 thì cần thông báo theo mẫu rồi gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội để cập nhật. Người hưởng có thể nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam; qua bưu điện hoặc trực tiếp tại Bảo hiểm xã hội tỉnh, huyện, điểm chi trả của bưu điện.
Cả nước có gần 3,4 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng. Người Việt hưởng hưu trí tối đa 75% nhưng vì tiền lương tính đóng bảo hiểm thấp nên bình quân lương hưu chỉ đạt trung bình 5,4 triệu đồng.
Quy định mới về số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị
Ngày 10/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2024/NĐ-CP trong đó sửa đổi một loạt quy định về số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị. Nghị định số 83/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2024.
Về số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, cục, thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục thuộc bộ, Nghị định số 83/2024/NĐ-CP sửa đổi điểm a, b khoản 5 Điều 22 của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 101/2020/NĐ-CP như sau:
a) Vụ thuộc tổng cục có từ 15 đến 20 biên chế công chức, cục (trừ cục đặt tại địa phương), thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục có dưới 04 tổ chức được bố trí không quá 02 cấp phó;
b) Vụ thuộc tổng cục có trên 20 biên chế công chức; cục (trừ các cục đặt tại địa phương), thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục có từ 04 tổ chức trở lên thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định số lượng cấp phó của từng đơn vị, bảo đảm bình quân không quá 03 người trên một đơn vị.
Người dân được vay vốn làm công trình vệ sinh nông thôn
Có hiệu lực từ ngày 2/9/2024, Quyết định 10/2024 của Thủ tướng quy định về tín dụng thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Diện được vay vốn là hộ gia đình cư trú tại vùng nông thôn, chưa có công trình cấp nước, công trình vệ sinh hộ gia đình hoặc đã có nhưng bị hư hỏng cần phải xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa.
Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay theo phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội. Mức vay tối đa là 25 triệu đồng một khách hàng. Thời hạn vay do Ngân hàng thỏa thuận với khách nhưng tối đa là 5 năm với lãi suất 9%/năm. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Sửa quy định về phong tỏa, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố
Có hiệu lực từ ngày 1/9/2024, Nghị định số 93/2024/NĐ-CP ngày 19/7/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2013/NĐ-CP quy định về tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.