Những chính sách kinh tế đầy tham vọng của Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang đem lại hy vọng cho châu Âu?
Trong chiến dịch tranh cử trước đó, ông Macron đã tuyên bố sẽ cắt giảm thuế doanh nghiệp từ 33% hiện nay xuống còn 25% cũng như giảm thuế bất động sản cho phần lớn người dân Pháp.
Ngoài ra, vị tân tổng thống này cũng cam kết sẽ cắt giảm 60 tỷ Euro (64 tỷ USD) chi tiêu công hàng năm bằng cách cải tổ bộ máy hành chính sao cho hiệu quả hơn. Khoảng 120.000 công chức nhà nước sẽ bị ông Macron xem xét sa thải.
Tổng thống Macron cũng là người ủng hộ các chính sách tự do thương mại của Châu Âu. Trái với quan điểm cực hữu của bà Le Pen, ông Macron ủng hộ chính sách tự do đi lại tại Liên minh Châu Âu (EU) cũng như chấp nhận những người nhập cư vào đây.
Tuy nhiên, những khó khăn trước mắt là rất nhiều với ông Macron khi không phải tất cả các mục tiêu mà ông đề ra đều dễ dàng thực hiện.
Pháp đứng đầu bảng về chi tiêu công theo % GDP trong số các thành viên tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD)
Đầu tiên, nước Pháp hiện nay đang bị chia rẽ gay gắt giữa một bên là toàn cầu hóa, chấp nhận làn sóng nhập cư với bên kia là chủ nghĩa dân tộc, bảo hộ. Cách đây 15 năm, Pháp và Đức đều là những nền kinh tế lớn của Châu Âu với mức sống tương đương. Tuy nhiên các chỉ số hiện nay cho thấy mức sống tại Đức nhỉnh hơn 20% so với Pháp.
Vào năm 2002 khi đồng Euro được ra mắt, tỷ lệ thất nghiệp của cả 2 nước này đều dưới 8%. Hiện nay, tỷ lệ này ở Đức là dưới 4% trong khi của Pháp là gần 10%. Cứ 4 người trẻ dưới 25 tuổi hiện nay ở Pháp thì có 1 người thất nghiệp và tỷ lệ tăng trưởng thất nghiệp trong giới trẻ vào năm 2016 tại Pháp lên đến 85%.
Trong chiến dịch tranh cử, khảo sát cho thấy gần một nửa số cử tri muốn nước Pháp có vai trò to lớn hơn trong các quyết định kinh tế của Châu Âu. Điều này cho thấy quan điểm dân tộc và bảo hộ đang ngày một lớn lên tại Pháp.
Những điểm chính trong chính sách kinh tế của ông Macron:
-Giảm 60 tỷ Euro chi tiêu công vào năm 2022, từ 55% GDP xuống 52% GDP
-Sa thải 120.000 công chức nhà nước
-Đầu tư 50 tỷ Euro trong 5 năm cho các ngành kinh tế
- Giám thâm hụt ngân sách xuống dưới 3% GDP
- Đàm phán lại việc đóng góp, chi tiêu ngân sách của Liên minh Châu Âu (EU) cùng với Đức
- Giảm thuế doanh nghiệp từ 33% xuống 25%
- Tăng cường các chính sách trợ cấp cho người thất nghiệp
- Giảm khoảng 10 tỷ Euro thuế bất động sản
- Giảm thuế đầu tư nhằm thúc đẩy thị trường
Hơn nữa, Tân tổng thống Macron cũng cần sự ủng hộ từ Nghị viện và ông sẽ phải cố gắng để thu hút cử tri bầu cho các đảng ủng hộ mình vào cuộc bầu cử lập pháp trong tháng tới.
Thậm chí nếu đảng của ông Macron giành được đa số phiếu tại Nghị viện thì những chương trình cải cách của ông sẽ phải mất hàng năm để có thể thành công. Điều này đã từng xảy ra với Cựu thủ tướng đức Gerhard Schroeder khi chương trình cải tổ kinh tế của ông phá sản vì kéo dài quá lâu để rồi thất bại trong cuộc bầu cử năm 2005.
Chương trình cải tổ kinh tế của Tân tổng thống Macron được kết hợp nghiên cứu và soạn thảo cùng cựu giám đốc cơ quan nghiên cứu Bruegel, ông Jean-Pisani Ferry. Theo đó, kế hoạch này hướng đến việc cắt giảm lao động hành chính công và linh động kéo dài thời gian làm việc trong tuần để gia tăng năng suất.
Tuy nhiên, Bank of America Merrill Lynch cho rằng điều này phụ thuộc rất lớn vào khả năng đàm phán của ông Macron với các công đoàn Pháp.
Nhằm tránh những xung đột không đáng có, ông Macron cho phép các công ty thương lượng nội bộ với nhân viên về thời gian, mức lương để có thể làm thêm giờ trong tuần thay vì ban hành những quy định cứng nhắc.
Trong vấn đề lương hưu, ông Macron cho biết sẽ không tăng tuổi nghỉ hưu hiện nay là 62 nhằm tiết kiệm ngân sách.
Có thể nói, chính sách cải tổ của ông Macron hài hòa hơn so với những người tiền nhiệm nhằm tránh những xung đột không đáng có. Tuy nhiên, nếu vị tân tổng thống không khiến nước Pháp chấp nhận EU cũng như quá trình toàn cầu hóa thì rất có thể ông sẽ phải đối mặt với một đối thủ Le Pen mới vào 5 năm sau.
Dẫu vậy, ông Macron cũng có những ưu thế nhất định như nền kinh tế Pháp hiện đang dần cải thiện từ sau cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008 dù tốc độ chậm hơn Anh, Mỹ và Đức còn chỉ số đánh giá niềm tin người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp Pháp lên mức cao nhất trong 10 năm qua.
Dù tỷ lệ thất nghiệp của Pháp vẫn ở mức cao gần 10% nhưng nền kinh tế này đang có tốc độ tăng trưởng việc làm mới nhanh nhất trong gần 1 thập niên.
BT