Những cái chết thương tâm của lao động Việt trên đất Nhật và ước mơ đổi đời không trọn vẹn
Tại ngôi chùa Nisshinkutsu ở thủ đô Tokyo, một vài bài vị được viết bằng tiếng Việt nằm trên kệ thờ. Đây chỉ là một vài người trong số 81 công dân Việt Nam đã tử vong kể từ năm 2012 đến tháng 7 năm nay.
Theo ni cô Thích Tâm Trí của chùa, rất nhiều người trong số những trường hợp tử vong trên là du học sinh hoặc nhân viên kỹ thuật thực tập trong độ tuổi 20-30. Riêng tháng 7/2018, ngôi chùa này đã tiếp nhận 4 trường hợp tử vong, 3 trong số đó là nhân viên kỹ thuật thực tập còn 1 người là du học sinh. Nguyên nhân chết rất đa dạng, thậm chí có cả trường hợp xác định là tự tử.
Bằng chứng trên cho thấy môi trường làm việc tại Nhật đang thực sự có vấn đề với lượng lớn du học sinh, thực tập sinh tử vong do làm việc quá độ hay chịu những áp lực từ cuộc sống hàng ngày.
Thậm chí nhiều chuyên gia tại Nhật đã kêu gọi chính phủ nâng cao môi trường làm việc cũng như hỗ trợ nhiều hơn cho các du học sinh, thực tập sinh nước ngoài.
Trong số 3 thực tập sinh người Việt tử vong tháng 7 vừa qua, một trường hợp là tự tử. Chàng trai này làm việc liên quan đến kỹ thuật sơn sửa và đã để lại bức thư tuyệt mệnh cho công ty mình.
"Thật đau đớn khi phải chịu đựng sự bạo lực và bắt nạt", bức thư viết.
Thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Em trai của nạn nhân cũng đang làm việc tại Nhật và ngay trước khi chết, người anh trai đã gọi điện nói về sự cô đơn của mình. Ngày hôm sau, mọi người phát hiện nạn nhân treo cổ bên bờ sông.
Một trường hợp khác tử vong vào tháng 6/2018 là do trụy tim, còn một thực tập sinh khác cũng mất mạng tại Nhật do làm việc quá sức.
Ni cô Tâm Trí đã đến Nhật Bản từ năm 2000 và giúp rất nhiều trường hợp người Việt tại đây. Bà đã từng giúp một người mẹ mang thai bơ vơ tìm chỗ sinh con cũng như tìm bảo mẫu cho đứa bé để người mẹ có thể đi làm.
Trong tháng 10 này, một lễ hỏa táng được ni cô Tâm Trí tổ chức cho một sinh viên Việt Nam.
"Những thực tâm sinh kỹ thuật và du học sinh Việt Nam chịu nhiều áp lực về tinh thần do rào cản ngôn ngữ. Họ thường bị rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng khi phải ăn mỳ gói thường xuyên nhằm tiết kiệm tiền. Trong khi đó họ lại làm việc quá sức và hệ quả là mất cân bằng cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần", ni cô Tâm Trí nói.
Phần lớn những người Việt này phải sống kham khổ nhằm tiết kiệm tiền gửi về cho gia đình tại Việt Nam hoặc để trả nợ khoản tiền khi họ sang đây làm việc.
"Rất bất thường khi những người khỏe mạnh tầm 20-30 tuổi bất ngờ tử vong. Họ phải làm những công việc nặng nhọc mà không được nghỉ ngơi đầy đủ. Hệ quả là áp lực công việc bào mòn sức sống của họ", Bác sĩ Junpei Yamamura chuyên về những tình huống như trên nói.
Bác sĩ Yamamura đã đến Việt Nam thăm gia đình của một nạn nhân tử vong cuối năm 2017 khi chỉ mới 20 tuổi. Gia đình này đã phải vay nợ để trả 1,2 triệu Yên (10.700 USD) thông qua một môi giới lao động. Ước mơ của chàng trai này là kiếm tiền lấy vợ nhưng chúng chẳng thể thành sự thật.
Công ty môi giới đưa cậu đến Nhật Bản thông báo với gia đình rằng cậy chết do trụy tim và gửi trả về hộp tro cốt.
Bản thân bác sĩ Yamamura cho rằng những cái chết của thực tập sinh và du học sinh Việt ở Nhật là do các chính sách bất hợp lý.
"Các công ty Nhật đáng lẽ ra phải ký hợp đồng lao động với người Việt cùng những đãi ngộ hợp lý, nhưng họ lại tuyển dụng dưới dạng thực tập hay học việc. Hệ quả là những lao động này bị bóc lột cả về thể xác lẫn tinh thần. Chính phủ Nhật nên khảo sát tình hình thực tế và có những biện pháp ngăn chặn tình trạng này", bác sĩ Yamamura nhận định.
Thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Số liệu của Bộ tư pháp Nhật cho thấy số lượng người Việt sinh sống tại Nhật đã tăng gấp 7 lần từ 36.131 người năm 2007 lên 262.405 người năm 2017 do mối quan hệ ngày càng nồng ấm giữa 2 nước cũng như việc Nhật Bản thiếu lao động.
Con số này khiến Việt Nam vượt qua Philippines để trở thành cộng đồng lao động lớn thứ 3 tại Nhật sau Trung Quốc và Hàn Quốc.
Năm 2015, số thực tập sinh Việt Nam tại Nhật là 57.581 người. Đến cuối năm 2016, số thực tập sinh Việt Nam đã vượt Trung Quốc, vốn từng giữ vị trí số 1 về số thực tập sinh tại đây, để rồi đạt con số 123.563 người vào cuối năm 2017.
Trớ trêu thay, số liệu tử vong của những thực tập sinh và du học sinh này lại không được thống kê. Duy nhất vào năm tài khóa 2016, Tổ chức hợp tác đào tạo quốc tế Nhật Bản (JITCO) mới báo cáo 28 trường hợp thực tập sinh tử vong. Có 8 trường hợp trong số đó là qua đời do xuất huyết não hay trụy tim.
"Tôi nghĩ hệ thống thực tập sinh đang khá bất cập khi các thực tập sinh gặp khó khăn nếu muốn khiếu nại về điều kiện làm việc", luật sư Shoichi Ibushuki nhận định.
Luật sư Ibushuki cho biết rất nhiều trường hợp thực tập sinh đến Nhật đã mang nợ và phải làm việc quá sức, hoặc công ty gửi họ đến Nhật cấm họ không được tiếp xúc với các thanh tra lao động.
Vị luật sư này cũng phát hiện rất nhiều trường hợp du học sinh tại đây mắc nợ và phải làm việc quá 28 tiếng mỗi tuần theo luật định để trả nợ.
"Đã đến lúc phải sửa đổi những bản hợp đồng với những công ty môi giới, phải thông báo cho thực tập sinh, du học sinh cũng như gia đình họ biết rằng Nhật bản có các chương trình bảo hiểm bồi thường cho người lao động cũng như nhiều trung tâm tư vấn việc làm khác", ông Ibushuki nói.
AB- Theo Asahi Shimbun