Nhiều triển vọng hợp tác văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục Việt - Nga
Hội thảo quy tụ nhiều diễn giả, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên và những người yêu mến nước Nga.
Nhà nghiên cứu, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện CLEF Ngô Tự Lập trình bày tham luận tại hội thảo. (Ảnh: CLEF) |
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Ngô Minh Thủy, Viện trưởng Viện CLEF dẫn số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2021 cho biết, tiếng Nga được dạy tại 25 cơ sở giáo dục đại học và 11 trường phổ thông ở Việt Nam. Việt Nam có 5.000 học sinh, sinh viên học tiếng Nga và khoảng 200 giáo viên/giảng viên. Con số này còn khiêm tốn so với số lượng người theo học các ngôn ngữ khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, tiếng Pháp… Số liệu thống kê cùng năm 2021 cho thấy có gần 170.000 học sinh, sinh viên học tiếng Nhật, hơn 50.000 học sinh, sinh viên học tiếng Hàn, khoảng 38.000 học sinh, sinh viên học tiếng Pháp… Việc giao lưu văn hóa giáo dục phụ thuộc nhiều vào số lượng người sử dụng được ngoại ngữ. Vì vậy, có thể nói rằng việc giao lưu văn hóa, giáo dục giữa Việt - Nga đang gặp nhiều khó khăn so với các nước khác.
Dù vậy, bà Thủy cho rằng hợp tác văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục Việt - Nga có nhiều triển vọng tốt đẹp bởi tiếng Nga là ngôn ngữ được sử dụng nhiều thứ tám trên thế giới, với khoảng 259,8 triệu người nói. Liên bang Nga là một quốc gia có tiềm lực mạnh về kinh tế, quốc phòng, khoa học kỹ thuật... Trong lĩnh vực văn học, hội họa, âm nhạc, nghệ thuật, Nga có những nghệ sĩ vĩ đại, nổi tiếng. Một đất nước như thế có nhiều tiềm năng hợp tác với thế giới, trong đó có ngôn ngữ, văn hóa, giáo dục.
Nhà giáo ưu tú, dịch giả Lê Đức Mẫn trình bày tham luận tại Hội thảo. (Ảnh: Thành Luân) |
Ở Việt Nam, tiếng Nga được coi trọng như các ngôn ngữ khác. Từ năm 2020, tiếng Nga cùng với 6 ngôn ngữ khác trở thành môn ngoại ngữ 1 tự chọn bắt buộc và có thể được dạy - học như môn ngoại ngữ 2 bắt đầu từ lớp 6. Hai bộ sách giáo khoa tiếng Nga cho giáo dục phổ thông đang được biên soạn. Nga dành số lượng học bổng lớn cho sinh viên Việt Nam (từ năm 2021 số lượng học bổng đã tăng lên 1.000 suất/năm). Hiện có khoảng 5.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại Nga, trong đó có gần 3.000 du học sinh đi học theo diện Hiệp định giữa hai chính phủ.
Tại hội thảo, các diễn giả cùng chia sẻ và trao đổi thông tin liên quan đến hợp tác văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục Việt - Nga. Trong đó có những báo cáo không trực tiếp đề cập đến vấn đề hợp tác, nhưng việc nghiên cứu về văn hóa, ngôn ngữ, dịch thuật các tác phẩm văn học, các cuốn sách, bài hát từ tiếng Nga sang tiếng Việt hoặc ngược lại là những hoạt động cụ thể, minh chứng cho hợp tác Việt - Nga trong các lĩnh vực này.
PGS.TS Ngô Minh Thủy, Viện trưởng Viện CLEF phát biểu khai mạc. (Ảnh: CLEF) |
Ở lĩnh vực dịch thuật, nhà giáo ưu tú, dịch giả Lê Đức Mẫn cho biết: nền dịch thuật Nga - Việt (dịch từ tiếng Nga) kéo dài khoảng 30 năm (1960-1990). Trong thời gian này, Liên Xô đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều thông qua việc thành lập nhà xuất bản Cầu Vồng giúp in ấn hàng trăm tác phẩm Liên Xô do người Việt Nam dịch. Chi phí in, nhuận bút cho dịch giả Việt Nam do phía Liên Xô đảm nhận, sách sau đó lại được gửi về tặng độc giả Việt Nam. Việc này bị gián đoạn vào năm 1990, đến năm 2012 thì được nối lại khi chính phủ Nga quyết định để nhà xuất bản Lokid hỗ trợ hoạt động dịch thuật Nga - Việt. Trong 10 năm (2012 - 2022) hai bên đã in được 50 cuốn, gồm các tác phẩm văn học nghệ thuật và nghiên cứu xã hội. Năm 2022, xung đột Nga - Ukraine nổ ra khiến các hoạt động này bị tạm ngừng.
PGS.TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Thành Luân) |
Trình bày tham luận tại hội thảo, PGS.TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chỉ ra những dấu ấn văn hóa Nga đậm nét ở Việt Nam. Đó là tượng đài Lenin ở Công viên Lenin (Hà Nội), Nghệ An; bức tượng đồng đại thi hào Pushkin ở Công viên Hòa Bình (Hà Nội); Bệnh viện hữu nghị Việt Xô, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bảo tàng Hồ Chí Minh, Thủy điện Hòa Bình, Liên doanh Vietsovpetro, cầu Thăng Long, đặc khu quân sự Cam Ranh…
Trong xu thế cộng đồng người Nga ở Việt Nam ngày càng đông, văn hóa Nga được lan tỏa mạnh mẽ. Đó là các làng Nga ở Vũng Tàu, Nha Trang, Mũi Né; các hoạt động giao lưu cùng các cuộc thi như: “Ngày Văn hóa Nga tại Hà Nội”; “Em vẽ tranh về nước Nga”; Dạ hội “Từ Hà Nội đến Moskva” được tổ chức hàng năm ở các trường...
Dấu ấn văn hóa Việt Nam tại Nga được chính thức ghi nhận từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Nga trên hành trình tìm đường cứu nước cách đây tròn 1 thế kỷ. Tại Nga có không ít cuốn sách của các nhà Việt Nam học viết về Hồ Chí Minh, tiêu biểu như Kobelev Evghenhi Vasilevich với cuốn “Đồng chí Hồ Chí Minh” và “Người Nga hồi tưởng về Hồ Chí Minh”. Hiện có 5 công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nga. Theo đề án quảng bá văn hóa củ chính phủ hai nước, Ngày Văn hóa Việt Nam tại Nga được tổ chức hàng năm.
Viện trưởng Viện CLEF Ngô Minh Thủy (thứ hai từ phải qua) tặng hoa cho các diễn giả. (Ảnh: Thành Luân) |
Các diễn giả khác chia sẻ nhiều kỷ niệm và tình cảm với nước Nga. Trong đó, PGS Nguyễn Hải Thanh (Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ tình yêu tha thiết với các bài hát tiếng Nga và niềm say mê dịch các bài hát tiếng Nga sang tiếng Việt. Ông thấy rằng phần lớn các bài hát Nga ông dịch có phần lời là những bài thơ được viết bởi các nhà thơ Nga. Ngoài ra, ông thấy có một sự đồng cảm lớn giữa tâm hồn Nga và tâm hồn Việt qua các bài hát tiếng Nga.
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu và khách mời đã cùng "Giao lưu âm nhạc chiều thứ Bảy”, thưởng thức các bài hát Việt Nam và Nga với chủ đề "Cuộc đời thứ hai của ca khúc: Bài hát Việt trong tiếng Nga và bài hát Nga trong tiếng Việt".