Nhiều "ông lớn" bàn cách "hút" khách du lịch quốc tế
Ngày 15/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”. Hội nghị diễn ra sau đúng một năm Việt Nam mở cửa du lịch trở lại (15/3/2022).
Sau khi sớm mở cửa đón khách quốc tế, số lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam năm 2022 đạt gần 3,7 triệu lượt người, tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng (vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022).
Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt được như kỳ vọng, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục.
Trước thực tế "đi sớm về chậm" này, tại hội nghị, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn như Vingroup, Sun Group, BRG, Vietravel, Vietjet, Saigontourist, Hanoitourist,... đã đồng loạt nêu những giải pháp để giúp thị trường du lịch phục hồi.
Tập trung hơn vào nhóm khách du lịch "chịu chi"
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường cho rằng, để cơ cấu thị trường du lịch cần rất nhiều yếu tố từ sản phẩm, dịch vụ marketing, quảng bá, hợp tác, liên kết giữa công và tư, và các doanh nghiệp trong ngành.
Ông nhấn mạnh vai trò của thị trường khách quốc tế đối với du lịch Việt Nam và cho biết, năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam là 18 triệu, bằng 21% khách nội địa nhưng doanh thu của nhóm này chiếm gần 2/3 do họ có thời gian lưu trú dài, từ 8-12 ngày, thậm chí là những thị trường trọng điểm, họ có thể ở đến 15 ngày, chi tiêu từ 1.100 - 2.000 USD cho 1 chuyến đi.
Trong khi đó, tại thị trường nội địa, khách chủ yếu đi vào cuối tuần, với thời gian lưu trú từ 1 đến 2 ngày, mức chi tiêu cũng không bằng.
Tương tự, từ thực tế đang vận hành nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG cho biết, đối tượng chính của tập đoàn này hiện nay đang có mức chi trả của du lịch cấp cao, gấp 2-3 lần mức của khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam, từ 200-300USD/ngày và thường ở 3-4 ngày.
Do đó, thời gian tới, Chủ tịch BRG cho rằng cần phải có nhiều giải pháp tập trung hơn đối với nhóm khách du lịch quốc tế có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày ở Việt Nam. Bà cũng đề nghị tăng hạn visa từ 2 đến 4 tuần cho khách có thời gian đi du lịch nhiều hơn, chi nhiều tiền cho du lịch để doanh thu du lịch của Việt Nam tăng cao hơn.
Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup - Ảnh: VGP |
Để thu hút đối tượng khách du lịch "chịu chi", Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup Nguyễn Việt Quang cho rằng điều kiện tiên quyết là không ngừng phát triển những sản phẩm mới kết hợp nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, khám phá, thể thao hấp dẫn đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, để vừa tăng trưởng số lượng khách du lịch, vừa tăng trưởng chi tiêu của khách, chìa khóa nằm ở việc đẩy mạnh du lịch mua sắm, giải trí, nghỉ dưỡng sức khỏe. Do đó, cần làm phong phú dịch vụ này để khách có cơ hội tiêu tiền thậm chí mua hết số tiền và muốn mua sắm tiếp.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đề nghị cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các tập đoàn du lịch lớn trên thế giới được thành lập doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam và được thực hiện tất cả các nghiệp vụ du lịch.
"Việt Nam muốn đón loại khách chi trả cao, để có thể trở thành thị trường sang trọng về du lịch thì chắc chắn phải có các doanh nghiệp trên thế giới tham gia vào để chuyển khách hàng cho chúng ta", ông Bình nêu quan điểm.
Cải cách mạnh hơn nữa chính sách visa
Bên cạnh việc đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, một giải pháp nữa để thu hút khách quốc tế được nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đề cập tại hội nghị là cần cải cách chính sách visa.
Đánh giá về các chính sách visa du lịch của Việt Nam gần đây, Chủ tịch Sun Group cho rằng đã có những điểm tiến bộ. Tuy nhiên, để có những đột phá hơn, có tính cạnh tranh trong tương lai và bền vững, theo ông cần phải có những cải cách mạnh hơn nữa.
Ông lấy ví dụ năm 2019 Việt Nam đón 18 triệu lượt khách thì Thái Lan đón 40 triệu lượt khách. Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu là 8 triệu thì nước bạn đã đón 25 triệu lượt khách. Còn theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2030, nước ta đón 35 triệu, thì Thái Lan đến năm 2027 mục tiêu là 80 triệu khách. "Như vậy nếu như chúng ta không có các giải pháp đột phá ngay bây giờ thì chúng ta sẽ về sau", ông nói.
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group - Ảnh: VGP |
Chủ tịch Sun Group cho rằng cần nghiên cứu đề xuất gia hạn hoặc mở rộng các đối tượng, các quốc gia có thể được miễn visa đơn phương, trong đó có những thị trường trọng điểm.
Ví dụ, thị trường Australia chi tiêu 4 tỷ USD/năm để đi du lịch, hay Canada trên 33 tỷ USD; các nước Bắc Âu như Hà Lan, Thụy Sỹ, Bỉ đều chi từ 21 đến 26 tỷ USD, xếp trên cả Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch là những nước hiện nay thuộc chính sách được miễn visa.
Đồng thời, lãnh đạo Sun Group đề nghị các bộ, ngành sớm xem xét phân tích, đánh giá, trình Thủ tướng báo cáo Quốc hội để sửa đổi bổ sung các quy định của Luật Xuất nhập cảnh.
"Chúng tôi mong muốn các quy trình được rút gọn chỉ trong một kỳ họp và có thể có hiệu lực ngay. Cụ thể các nội dung tăng thời hạn thị thực đối với khách du lịch quốc tế 90-180 ngày, thời gian tạm trú 30-45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần; đối với các quốc gia đơn phương miễn thị thực nhập cảnh, tăng từ 15 ngày lên 30-45 ngày và cũng cho nhập cảnh nhiều lần", ông Trường đề xuất.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel, ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ nhanh chóng thay đổi cơ chế, điều chỉnh luật cần thiết để mở chính sách visa bằng các nước trong khu vực để cạnh tranh hơn.
Tổng giám đốc Vingroup cũng nhất trí với những đề xuất về các giải pháp như quảng bá về thị trường, mở rộng chính sách cấp thị thực, ưu đãi hợp lý về thuế… để thu hút khách du lịch và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch phát triển.
Sẽ tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thời gian tới, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế.
Tập trung rà soát, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định về du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại và hội nhập, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế.
Tiếp tục tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch. Trong đó, tham mưu, báo cáo đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp đầu tư hoặc cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho hạ tầng du lịch.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, gói kích cầu; nâng cao năng lực kinh doanh và chất lượng sản phẩm dịch vụ, phù hợp với nhu cầu và biến động của thị trường du lịch.
Đẩy mạnh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam. Tiếp tục đầu tư, phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu,...
Đồng thời, sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử. Tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay và trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng.
Tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các tập đoàn, tổng công ty du lịch lớn, đa quốc gia trong thúc đẩy kết nối, thu hút các thị trường khách lớn, tiềm năng theo nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu du lịch nội địa. Tập trung khai thác có hiệu quả các thị trường nguồn khách quốc tế lớn, chú trọng khai thác các thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, đẩy mạnh phát triển và khai thác phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh.