Nhiều lao động nữ di cư muốn rút BHXH một lần khi nghỉ việc
Chỉ 3,7% lao động được hỏi có tích luỹ
Chia sẻ thông tin tại Hội thảo, bà Đỗ Hồng Vân - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết, tại các khu công nghiệp - chế xuất có trên 70% là lao động nữ. Đời sống và việc làm của nhóm lao động nữ rất cần sự quan tâm kịp thời.
Kết quả khảo sát cho thấy, hơn 60 % lao động nữ di cư có mức lương tháng từ 5-7 triệu đồng/tháng; chỉ có 3,7% người lao động trong mẫu khảo sát có tiền tích lũy hàng tháng (có tiền tiết kiệm hàng tháng).
Về nhà ở, 54% số lao động nữ di cư được hỏi khi đến nơi nhập cư đều thuê nhà ở, không có nhà riêng. Do thu nhập thấp, lao động nữ di cư lựa chọn thuê nhà giá từ 1-2 triệu đồng/tháng. Họ thường ở trong những khu nhà trọ có điều kiện chật chội, không gian nhỏ, thiếu không gian sinh hoạt, gần 50% lao động nữ di cư ở khu nhà dưới 20m2; thiếu thốn vật chất, tiện nghi chiếm hơn 50%.
Bà Đỗ Hồng Vân - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Nữ công Tổng Liên đoàn phát biểu khai mạc (Ảnh: T.L). |
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, hơn 31% lao động nữ di cư có con nhỏ phải gửi về quê nhờ người thân gia đình chăm sóc; hơn 40 % lao động cho rằng chỉ gửi con về quê tạm thời, sau khi ổn định sẽ đón con lên; gần 30 % cho rằng gửi con về quê là bắt buộc vì cha mẹ không có điều kiện nuôi dạy trẻ; gần 24% cho rằng gửi con về quê là điều đương nhiên để phù hợp với điều kiện làm việc hiện này của cha mẹ.
Cảnh báo về những thiệt thòi của trẻ nhỏ, bà Đỗ Hồng Vân cho rằng: “Điều này gây thiệt thòi rất lớn cho những đứa trẻ khi thiếu sự chăm sóc, nuôi dạy trực tiếp của cha mẹ, có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển về thể chất cũng như tâm lý của trẻ…”.
Nghỉ việc là rút BHXH một lần
Cũng theo kết quả khảo sát, tỉ lệ nữ lao động tham gia các chính sách bảo hiểm khá cao: 98,2% tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, 95,5% tham gia bảo hiểm y tế, 90% tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên khi được hỏi về ý định rút bảo hiểm xã hội một lần, có tới 45% trong số 866 người được phỏng vấn muốn rút một lần.
Theo nhóm nghiên cứu, nguyên nhân về việc rút bảo hiểm xã hội một lần là: gần 68 % cho rằng cần chuẩn bị khoản tài chính cho gia đình, gần 30 % không tin tưởng làm việc đến khi nghỉ hưu và rút BHXH một lần có lợi hơn.
Khảo sát về “Thực trạng đời sống và thực hiện quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con nhỏ của lao động nữ di cư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” do nhóm cán bộ của Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với cán bộ công đoàn một số địa phương thực hiện từ tháng 6 đến tháng 8/2023. Nhóm phỏng vấn 906 người lao động, 32 người sử dụng lao động và 62 cán bộ công đoàn cơ sở tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại 10 tỉnh/thành tỉnh, Công đoàn ngành Trung ương. |
Còn từ góc độ doanh nghiệp, các lý do khiến người lao động rút BHXH một lần là: suy giảm khả năng lao động, muốn về quê sinh sống, do xa con, xa gia đình, thu nhập quá thấp không có tích lũy.
Ngoài những lý do trên, một số lao động còn cho rằng điều kiện sống quá thấp, do chưa hiểu rõ về chính sách BHXH, công nhân lao động cho rằng tuổi đời còn trẻ nên không thể chờ thời gian được hưởng bảo hiểm xã hội quá lâu.
Từ các số liệu, chuyên gia nhận định thực trạng trên đáng báo động vì nếu rút BHXH, về già công nhân sẽ không có thu nhập ổn định, phải làm việc hoặc nhờ vào người xung quanh, tạo gánh nặng cho xã hội.
Do đó, Công đoàn kiến nghị cần có nhiều giải pháp giúp đỡ người lao động khắc phục khó khăn về việc làm, cải thiện tiền lương, hỗ trợ nuôi con cái để họ duy trì tham gia lưới an sinh xã hội.
Nhiều kiến nghị
Tại Hội thảo, Ban Nữ công đã có nhiều đề xuất, kiến nghị như: Chính quyền địa phương cần tuyên truyền, áp dụng các ưu đãi về chính sách của địa phương đến những gia đình công nhân đang ở trọ, để họ được bình đẳng hưởng các chính sách, chế độ như lao động địa phương.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần có chính sách đảm bảo an ninh trật tự tại các khu nhà trọ; hỗ trợ lao động di cư đăng ký nhập trường cho con của mình để yên tâm làm việc; hỗ trợ xây các nhà trẻ cho công nhân lao động gửi con với học phí thấp; xây dựng nhà ở phúc lợi cho công nhân có thu nhập thấp.
Ban Nữ công cũng kiến nghị tổ chức công đoàn cần quan tâm nhiều hơn nữa đối với lao động di cư như: Có chính sách hỗ trợ người lao động nữ di cư (hỗ trợ tiền thuê nhà; xúc tiến nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp); có nhiều việc làm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Đồng thời có nhiều chính sách cho con em di cư giúp cho công nhân lao động di cư yên tâm lao động như: xây dựng nhà trẻ trong khu công nghiệp; tạo điều kiện cho con em công nhân có nhiều hoạt động vui chơi; xây dựng quỹ khuyến học; hỗ trợ thủ tục pháp lý cho con công nhân.