Nhiều điểm sáng trong thu hút, vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại Cà Mau
Hiện nay, tỉnh Cà Mau có 26 tổ chức PCPNN đăng ký hoạt động, trong đó có 14/26 tổ chức triển khai thực hiện chương trình, dự án. Trong 9 tháng năm 2024, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh tiếp và làm việc với 15 đoàn PCPNN (142 lượt khách) đến làm việc tại tỉnh Cà Mau; nội dung khảo sát thực tế, tìm hiểu nhu cầu để triển khai thực hiện các khoản viện trợ cho địa phương. Các tổ chức PCPNN đến làm việc tại tỉnh Cà Mau đều tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, địa phương bảo đảm tốt công tác an ninh trật tự.
Ông Nguyễn Đồng Khởi - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Cà Mau. |
Hiện tại, tỉnh Cà Mau đã tiếp nhận 19 khoản viện trợ PCPNN. So với cùng kỳ tăng 7 dự án (19/12 dự án); giá trị cam kết 72,914/21,494 tỷ đồng. Mục tiêu của các khoản viện trợ tập trung vào việc hỗ trợ khẩn cấp cho hộ khó khăn do hạn hán, tặng quà Tết cho người nghèo và học sinh nghèo hiếu học; xây dựng nhà ở, cầu, lộ, đường giao thông nông thôn; trồng rừng; phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ em có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn... Nhìn chung, các khoản viện trợ đều thiết thực, góp phần thực hiện chính sách an sinh - xã hội, cải thiện đời sống người dân vùng khó khăn.
- Ông có thể thông tin những lĩnh vực/địa bàn tỉnh Cà Mau ưu tiên hợp tác và vận động viện trợ PCPNN hiện nay?
Trên cơ sở Chương trình tăng cường hợp tác và vận động viện trợ PCPNN giai đoạn 2019-2025 (ban hành kèm theo Quyết định số 1225/2019/QĐ-TTg ngày 17/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ), UBND tỉnh Cà Mau đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 1/3/2023 về việc tăng cường hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2023 - 2025 kèm theo danh mục gồm 119 dự án cần vận động, kêu gọi viện trợ từ các PCPNN.
Khánh thành cầu hữu nghị Việt Úc tại Cà Mau. |
Các lĩnh vực uu tiên kêu gọi viện trợ của tỉnh gồm: Hỗ trợ trang thiết bị y tế, xây dựng trường học, hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo, xây dựng hạ tầng nông thông như: cầu, lộ giao thông, xây dựng nhà ở cho người có hoàn cảnh khó khăn, hệ thống nước sạch, trồng rừng, sinh kế cho người yếu thế, ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu… Năm nay, tỉnh Cà Mau cũng chịu ảnh hưởng rất nặng nề do hạn hán gây ra. Thông qua mối quan hệ với Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế tại Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh cũng đã vận động được 2 gói cứu trợ cho hơn 1.300 hộ dân bị ảnh hưởng gặp khó khăn tại huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh, với tổng trị giá 2 gói cứu trợ trên 4 tỷ đồng.
- Xin ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả của địa phương trong công tác này thời gian qua?
Cà Mau cũng giống như các địa phương khác, ở đây chưa dám nói là kinh nghiệm nhưng thực tế thời gian qua Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Cà Mau đã làm.
Một là, xác định rõ mục đích, mục tiêu, sự cần thiết và tầm quan trọng của công tác vận động viện trợ PCPNN đối với sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ nhận thức trên, tập thể lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo và ban hành các văn bản pháp lý để tăng cường vai trò, trách nhiệm và công tác phối hợp của mặt trận tổ quốc, đoàn thể và các cấp chính quyền địa phương trong công tác PCPNN.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Cà Mau phối hợp cùng các tổ chức phi chính phủ trao tiền mặt hỗ trợ các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi hạn hán. |
Hai là, Liên hiệp hữu nghị tỉnh chủ động phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, tổng hợp nhu cầu cần kêu gọi viện trợ của địa phương trên các lĩnh vực đang có nhu cầu cấp bách để kêu gọi viện trợ PCPNN hàng năm. Trên cơ sở đó hướng dẫn cho các địa phương xây dựng các đề xuất dự án cụ thể gửi cho các đối tác có tiềm năng trên từng lĩnh vực phù hợp để vận động viện trợ. Tăng cường công tác thông tin về nhu cầu vận động viện trợ đến nhà tài trợ như: trực tiếp tiếp cận với các tổ chức PCPNN hoặc thông qua thư ngỏ, đăng trên website của đơn vị.
Ba là, chủ động rà soát, nắm thông tin và hoàn chỉnh hồ sơ đối tác để làm cơ sở cho công tác kết nối vận động. Đối với đối tác truyền thống, có địa bàn hoạt động tại tỉnh, Liên hiệp hữu nghị tỉnh giữ mối liên lạc thường xuyên, chủ động gửi thông tin, đề xuất dự án để kêu gọi viện trợ hàng năm. Đối với đối tác mới có tiềm năng, Liên hiệp hữu nghị tỉnh chủ động tìm hiểu nắm thông tin qua Ban Điều phối viện trợ nhân dân, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh bạn. Tìm hiểu kỹ thông tin về đối tác trước khi kết nối và xây dựng đề xuất dự án kêu gọi viện trợ PCPNN phù hợp với tiềm năng, khả năng tài chính, lĩnh vực tài trợ của từng đối tác.
Quá trình hoạt động, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh rất trọng thị, tích cực hỗ trợ về mọi mặt cho đối tác, phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động dự án một cách đồng bộ, đúng cam kết, có hiệu quả. Từ đó tạo uy tín với đối tác để, qua đó giữ được đối tác tiếp tục hỗ trợ cho những dự án tiếp theo. Bên cạnh đó, nhờ uy tín với các đối tác cũ, họ giới thiệu thêm những đối tác mới đến làm việc, tìm hiểu cơ hội hợp tác, hỗ trợ cho tỉnh Cà Mau. Ngoài ra, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh cũng dựa vào thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban Công tác PCPNN (COMINGO), giới thiệu của PACCOM, Văn phòng đại diện phía Nam Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu những đối tác có tiềm năng để tiếp cận tạo mối quan hệ, kêu gọi viện trợ cho tỉnh Cà Mau.
Bốn là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Liên hiệp hữu nghị tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ cơ quan đầu mối, chủ động kết nối chia sẻ thông tin về nhu cầu kêu gọi viện trợ của địa phương và đối tác. Hướng dẫn tận tình khi đối tác đến hoạt động tại địa bàn. Cung cấp thông tin nhanh, kịp thời, chính xác các thông tin liên quan đến lĩnh vực dự án mà đối tác quan tâm. Thành lập các nhóm quản lý, điều hành dự án thông qua zalo, email để tiện lợi trong công tác thông tin liên lạc. Đồng thời, thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, kịp thời phối hợp xử lý tình huống phát sinh trên tinh thần hợp tác, thiện chí, đúng quy định của pháp luật.
Năm là, công tác PCPNN có tính đặc thù là công tác dân vận quốc tế, do đó cán bộ được phân công làm công tác này có đủ phẩm chất chính trị, năng lực nghiên cứu tham mưu, năng động, sáng tạo, hiểu và nắm rõ các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác này để tham mưu thực hiện.
Sáu là, lồng ghép công tác PCPNN với hoạt động hòa bình, đoàn kết hữu nghị và hợp tác nhân dân, thông tin tuyền truyền giới thiệu quảng bá hình ảnh quê hương, văn hóa, con người Việt Nam, Cà Mau với bạn bè quốc tế…
- Từ thực tiễn công tác vận động viện trợ PCPNN tại Cà Mau thời gian qua, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Cà Mau đề ra các giải pháp gì để triển khai hiệu quả công tác vận động viện trợ PCPNN trong thời gian tới?
Để triển khai hiệu quả công tác vận động viện trợ PCPNN, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh đề ra một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, đó là:
Tiếp tục nâng cao và phát huy vai trò là cơ quan đầu mối trong công tác vận động viện trợ PCPNN. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, UBND các huyện và thành phố; tăng cường việc trao đổi, chia sẻ thông tin về nhu cầu kêu gọi vận động viện trợ, thông tin đến các tổ chức PCPNN đăng ký hoạt động tại Cà Mau, qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc xây dựng kế hoạch kêu gọi viện trợ hàng năm phù hợp. Làm việc với chính quyền các địa phương để thống nhất nguồn vốn đối ứng để thực hiện các dự án.
Có cơ chế phối hợp với các ngành chức năng có giải pháp tổ chức thẩm định khoản viện trợ phù hợp với tính chất của từng khoản viện trợ để triển khai thực hiện kịp thời và thiết thực hơn; tạo điều kiện thuận lợi hơn (thời gian, thủ tục) cho các đối tác PCPNN muốn đến tìm hiểu nhu cầu kêu gọi viện trợ của địa phương.
Tăng cường công tác hướng dẫn cho các địa phương chủ động và nâng cao chất lượng xây dựng các đề xuất dự án kêu gọi viện trợ PCPNN, chú trọng tính khả thi, bền vững, sự tham gia và đóng góp của địa phương trong các đề xuất dự án nhằm tăng tính thuyết phục đối với các nhà tài trợ.
Tiếp tục giữ mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác truyền thống. Đồng thời mở rộng đối tác mới là các tổ chức PCPNN đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam. Đa dạng hóa các hình thức tiếp cận. Tiếp cận song phương, tiếp cận đa phương, tiếp cận trực tiếp hoặc gián tiếp bằng hình thức họp mặt trực tuyến, ứng dụng tốt công nghệ thông tin, kết nối làm việc với đối tác qua điện thoại, zalo, email…
Quan tâm đến công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ Liên hiệp hữu nghị tỉnh theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, thuyết phục và quản lý viện trợ PCPNN cho cán bộ làm công tác PCPNN của tỉnh.
- Xin cảm ơn ông!
Hà Vy thực hiện
Cà Mau hướng tới kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954 - 2024) Sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 là cuộc chuyển dịch lực lượng có ý nghĩa to lớn. Trong đó, khu tập kết 200 ngày ở tỉnh Cà Mau là 1 trong 3 địa phương của miền Nam được chọn để tổ chức cuộc chuyển quân quan trọng này. Các chuyến tàu đã chuyên chở hàng trăm ngàn cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra miền Bắc lao động, học tập nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam. Để ghi lại dấu ấn sự kiện lịch sử và ghi nhớ, tri ân đối với công lao của các thế hệ đi trước, tỉnh Cà Mau đang tập trung triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa hướng đến kỷ niệm 70 năm sự kiện nói trên. |
Nhiều hoạt động thiết thực tại “Ngày hội chuyển đổi số tỉnh Cà Mau năm 2024” Sáng ngày 5/10, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Chương trình “Ngày hội chuyển đổi số tỉnh Cà Mau năm 2024”. |
Cà Mau đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch từ Famtrip Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau vừa tổ chức đoàn Famtrip gồm các cơ quan thông tấn báo chí; doanh nghiệp du lịch lữ hành trong và ngoài tỉnh tham gia khảo sát tuyến du lịch tại các điểm du lịch sinh thái trên địa bàn các huyện: Ngọc Hiển, Phú Tân, Trần Văn Thời nhằm giới thiệu điểm đến du lịch Cà Mau với các đơn vị lữ hành và du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2024”. |