Nhiều điểm mới quan trọng trong Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII
Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017-2022. Ảnh tư liệu: TTXVN |
Về dự Đại hội có 1.200 đại biểu, trong đó 1.000 đại biểu chính thức, đại diện cho các lực lượng phụ nữ, các dân tộc, tôn giáo và các lĩnh vực hoạt động khác nhau trong cả nước.
Thông tin từ Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, nội dung trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội được xây dựng dựa trên các quan điểm của Đảng về định hướng phát triển đất nước trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc XIII và Chiến lược phát triển Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035.
Một trong những điểm mới là lần đầu tiên trong Báo cáo Chính trị đưa phần Quan điểm - là định hướng xuyên suốt cho toàn bộ mục tiêu, nhiệm vụ trong phần Phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022-2027.
Các chỉ tiêu cụ thể được xây dựng trên cơ sở rà soát chỉ tiêu 4 nhiệm kỳ Đại hội Phụ nữ toàn quốc (từ Đại hội lần thứ IX đến Đại hội lần thứ XII), đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc XII, Chiến lược phát triển Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Tám chỉ tiêu được phân bổ theo 4 nhóm: Nhóm chỉ tiêu về phát triển kinh tế; Nhóm chỉ tiêu về văn hóa, xã hội, môi trường; Nhóm chỉ tiêu về xây dựng tổ chức Hội; Nhóm chỉ tiêu về tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền/phụ nữ tham chính.
Phong trào thi đua "Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới" nhằm cụ thể hóa nội dung Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII được Trung ương Hội xác định là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong nhiệm kỳ tới.
Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" tiếp tục được phát động trong nhiệm kỳ 2022 - 2027 trên cơ sở những kết quả đạt được của Cuộc vận động trong các nhiệm kỳ qua. Tuy nhiên, nội hàm của cuộc vận động có sự thay đổi để đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới theo hướng toàn diện hơn, không chỉ góp phần thực hiện các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với các tiêu chí nâng cao, mà còn góp phần xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Riêng tại những địa bàn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, sẽ thí điểm xây dựng gia đình "5 có, 3 sạch" (5 có gồm: có ngôi nhà an toàn; có sinh kế bền vững; có sức khỏe; có kiến thức; có nếp sống văn hóa).
Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng xác định 2 khâu đột phá mang tính giải pháp thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2022-2027. Cụ thể là: Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội nhằm phù hợp với định hướng xây dựng xã hội số, chuyển đổi số của đất nước; ứng dụng và phát triển công nghệ mới là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế, thích ứng với bối cảnh mới, đặc biệt trong tình hình dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, đồng hành xây dựng cơ sở Hội vững mạnh nhằm tập trung giải quyết khâu yếu của nhiệm kỳ trước về chất lượng hoạt động của chi Hội, tổ phụ nữ, đồng thời đưa hoạt động Hội ngày càng sát với hội viên, phụ nữ - chủ thể và trung tâm của phát triển.
Về nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu, Đại hội lần này xác định 3 nhiệm vụ theo 3 yếu tố quan trọng của phong trào phụ nữ và tổ chức Hội: Hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; tập trung các nội dung và giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện chức năng trên, chú trọng giám sát, phản biện xã hội và vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, hội nhập quốc tế.
Để thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm kỳ tới sẽ có 4 nhóm giải pháp chung thúc đẩy thực hiện tất cả nhiệm vụ trọng tâm trong cả nhiệm kỳ gồm: Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức; đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp và vận động nguồn lực.