Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh và “bản giao hưởng” tình dân hai nước Việt – Trung

9 năm học tập tại Học viện Âm nhạc Thượng Hải (Trung Quốc), mối tình 17 năm với nghệ sĩ piano Trung Quốc Mạc Song Song, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh cho rằng, những điều này đã truyền cảm hứng và cũng là động lực giúp anh kết nối âm nhạc, văn hoá Việt – Trung.

Những người thầy
và quê hương thứ hai

Tôi được gặp Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh vào buổi sáng mùa đông khá dịu dàng. Anh đang tất bật chuẩn bị cho buổi biểu diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng trẻ (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).

Kết thúc buổi tổng duyệt, anh tươi cười khi nhắc đến những kỷ niệm tại đất nước Trung Quốc. Nơi đây, anh có 9 năm học tập, cũng là nơi bắt đầu mối tình đẹp với người vợ Trung Quốc, nghệ sĩ piano Mạc Song Song.

Anh kể: “Đến Thượng Hải, tôi được học tập và biểu diễn với những bậc thầy về âm nhạc Trung Quốc. Hai người thầy của tôi là thầy Đới Lộ Thanh và thầy Tào Bằng đối xử với tôi rất tốt, như là con cái trong nhà.

Tôi nhớ, khi học thạc sĩ tại Học viện âm nhạc Thượng Hải, thầy Tào Bằng (nhạc trưởng hàng đầu tại Trung Quốc, từng có nhiều năm làm nhạc trưởng của Dàn nhạc Giao hưởng Thượng Hải - PV) lẽ ra không nhận hướng dẫn học sinh nào nữa bởi khi ấy thầy đã 85 tuổi. Nhưng khi biết có một học sinh Việt Nam đến từ ngôi trường mà người bạn thân thiết của thầy là NSND Trọng Bằng (nguyên Giám đốc Nhạc viện Hà Nội nay là Học viện âm nhạc quốc gia - PV) dẫn dắt thì thầy đã nhận ngay. Thầy nói với tôi: “Cậu may mắn vì là người Việt Nam. Tôi rất có cảm tình với người Việt Nam. Vì bạn học của tôi, thầy Trọng Bằng là một người tuyệt vời”.”

Các thầy đưa anh đến các buổi tập của dàn nhạc sinh viên, các dàn nhạc chuyên nghiệp như dàn nhạc giao hưởng Thượng Hải, dàn nhạc Nhà hát nhạc vũ kịch Thượng Hải… Đồng Quang Vinh cũng thường xuyên được các thầy cho chỉ huy dàn nhạc trẻ sinh viên của Học viện Âm nhạc Thượng Hải.

“Sau khi tốt nghiệp, tôi thường xuyên s­ang Trung Quốc biểu diễn. Đoàn nghệ sĩ Việt Nam đi đến đâu cũng được đón tiếp như người nhà. Đối với tôi, Trung Quốc là quê hương thứ hai, là nơi tôi dành nhiều tình cảm yêu thương và quyến luyến” – anh tâm sự.

Đồng Quang Vinh hiện là nhạc trưởng của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, người sáng lập dàn nhạc dân tộc Sức sống mới.

Trung Quốc

Nỗ lực gắn kết
âm nhạc hai dân tộc

Sau khi tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Thượng Hải, Đồng Quang Vinh nhận được nhiều lời mời biểu diễn tại Bắc Kinh, Tuyền Châu, Quảng Châu, Thâm Quyến, Thượng Hải… Đây là các chương trình giao lưu văn hoá, nghệ thuật giữa các cơ quan, ban ngành và chính phủ hai nước. Tại các sự kiện này, Đồng Quang Vinh thường biểu diễn các tác phẩm của Trung Quốc bằng nhạc cụ Việt Nam và ngược lại. Đặc biệt, trong nhiều buổi biểu diễn phía bạn chỉ yêu cầu trình diễn các tác phẩm của Việt Nam nhưng anh thường xuyên gợi ý để những nghệ sĩ Trung Quốc tham gia biểu diễn cùng.

Chia sẻ về công việc của mình, Đồng Quang Vinh cho biết anh luôn nỗ lực đưa âm nhạc cổ điển và âm nhạc dân tộc đến với thật nhiều khán giả, trong đó có các khán giả Trung Quốc. “Trong các buổi biểu diễn, tôi luôn tìm cách “khoe” văn hoá tiêu biểu của âm nhạc, nhạc cụ Việt Nam đến với bạn bè Trung Quốc. Bên cạnh đó, tôi luôn cố gắng kết nối để có những tiết mục mà nghệ sĩ Việt Nam và Trung Quốc có thể cùng biểu diễn cùng nhau. Các tiết mục này luôn được đầu tư tỉ mỉ trong sáng tác, hòa âm, phối khí để chinh phục được khán giả của cả hai nước”, Đồng Quang Vinh nói.

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh và “bản giao hưởng” tình dân hai nước Việt – Trung

Ngoài biểu diễn, Đồng Quang Vinh còn phối những bản nhạc Trung Quốc nổi tiếng cho các dụng nhạc cụ Việt Nam và những bài Việt Nam phù hợp với nhạc cụ của nước bạn như: Đua ngựa, Bèo dạt mây trôi…

“Khi bản nhạc ấy vang lên, khán giả hai nước đều sẽ thấy quen thuộc và dễ dàng cảm nhận. Nhiều khán giả Trung Quốc đi từ ngạc nhiên đến yêu thích khi thấy nhạc cụ dân tộc Việt Nam biểu diễn được nhạc Trung Quốc và ngược lại” – nhạc trưởng Đồng Quang Vinh chia sẻ.


Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh cùng các nghệ sĩ Việt Nam và Trung Quốc biểu diễn ca khúc "Bèo dạt mây trôi"
Trung Quốc Trung Quốc

Khi âm nhạc làm nên
"tổ ấm Việt - Trung"

Trung Quốc

Về Việt Nam vào năm 2013, hai nghệ sĩ gặp một số khó khăn trong giao tiếp vì vốn tiếng Việt của Mạc Song Song không nhiều. Đôi lúc, Đồng Quang Vinh đã nghĩ đến việc sẽ tới Thượng Hải hoặc Bắc Kinh tìm kiếm cơ hội nhưng chính Mạc Song Song là người khích lệ anh phát triển sự nghiệp ở Việt Nam. Mạc Song Song nói rằng âm nhạc Việt Nam cần Đồng Quang Vinh. Và hãy cố mang vẻ đẹp cùa nhạc Trung Quốc hòa quyện vào đó.

Kết tinh cho tình yêu của hai nghệ sĩ là sự ra đời của bé Đồng Tuấn Hy (8 tuổi) và Đồng Miên Miên (5 tuổi). Cả hai em bé bộc lộ năng khiếu về âm nhạc từ sớm, cùng sử dụng thành thạo cả tiếng Việt và tiếng Trung.

Để gìn giữ ngôn ngữ cả bên nội, bên ngoại, trong gia đình, các bé nói tiếng Việt và tiếng Anh với bố, trao đổi với mẹ bằng tiếng Trung. Đồng Quang Vinh cũng đốc thúc các con việc học tập ở trường Việt Nam. Vợ anh sẽ sắp xếp để các con theo học các khoá tiếng Trung online… Dù ở Trung Quốc hay Việt Nam, các bé đều dễ dàng hòa đồng, giao tiếp với mọi người.

Trung Quốc
Trung Quốc
Trung QuốcTrung Quốc

Vợ chồng Đồng Quang Vinh cũng hướng cho các con học nhạc cụ từ nhỏ. Mạc Song Song sẽ dạy piano. Đồng Quang Vinh dạy nhạc cụ truyền thống Việt Nam như sáo trúc, đàn T’rưng… Khi tham gia lưu diễn ở nước ngoài, các bé sẽ chơi nhạc cụ dân tộc Việt Nam... Tháng 9/2022, các bé đã theo bố mẹ biểu diễn ở Mông Cổ. Tháng 3/2023, cả nhà đi Kuwait tham dự một sự kiện do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

“Vì cả nhà cùng biểu diễn nên chúng tôi thường gọi vui là “ban nhạc gia đình”. Trong thời gian tới, tôi hy vọng ban nhạc gia đình sẽ có cơ hội biểu diễn nhiều tác phẩm kết hợp văn hoá Việt Nam - Trung Quốc để góp phần quảng bá, lan toả văn hoá hai nước đến với đông đảo người dân”, nhạc trưởng Vinh chia sẻ.

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh và “bản giao hưởng” tình dân hai nước Việt – Trung

Bài viết: Ngọc Lê

Ảnh: Đinh Hòa, NVCC

Đồ họa: Mai Anh