Nhạc sĩ Thanh Tùng – "người vẫn đâu đây"
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: “Sự ra đi của nhạc sĩ Thanh Tùng để lại khoảng trống không thể bù đắp”
Tôi cũng như nhiều đồng nghiệp, biết tin nhạc sĩ Thanh Tùng ốm từ lâu rồi. Nhiều năm nay, vị nhạc sĩ đáng kính phải ngồi xe lăn vì hậu quả của tai biến. Những năm gần đây Thanh Tùng cũng nói chuyện khó khăn, hầu như không nói được. Những bạn bè nghệ sĩ vẫn đến thăm, hỏi han anh thường xuyên nhưng nghe tin nhạc sĩ Thanh Tùng ra đi vẫn thấy lòng trống trải, hụt hẫng nhiều.
Cũng như nhiều nghệ sĩ khác, tôi luôn kính trọng tài năng và nhân cách của nhạc sĩ Thanh Tùng. Ngoài tài năng sáng tác, dàn dựng chỉ huy... nhạc sĩ Thanh Tùng còn được biết đến như người khai thông dòng nhạc nhẹ, thổi hơi thở mới vào đời sống âm nhạc Việt Nam. Nhiều sáng tác của nhạc sĩ Thanh Tùng được yêu mến không chỉ vì tính mẫu mực mà còn là những tác phẩm có giá trị về văn học, cảm xúc.
Theo quan điểm của cá nhân tôi, ở thế hệ của Thanh Tùng, ông là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi có tác phẩm gắn liền với đời sống nhạc trẻ, được đón nhận và yêu thích với nhiều cung bậc cảm xúc.
Tính tình Thanh Tùng quảng giao, có rất nhiều bạn bè ở tất cả các lĩnh vực thơ, ca, nhạc, họa. Không chỉ được bạn bè yêu mến, Thanh Tùng cũng rất được nhiều lớp ca sĩ trẻ kính trọng. Ông là người nâng đỡ nhiều đồng nghiệp trẻ. Nhiều ca sĩ thể hiện nhạc phẩm của ông thành công như Ngọc Thúy, Ái Vân, Lệ Quyên...
Tiếc là thời gian đau ốm gần cuối đời, nhạc sĩ Thanh Tùng sáng tác không được nhiều. Tuy nhiên, nhiều đêm nhạc về Thanh Tùng gây được tiếng vang và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ khán giả.
Sự ra đi của nhạc sĩ Thanh Tùng để lại khoảng trống không thể bù đắp cho nền âm nhạc nước nhà.
Nhà văn Nguyễn Đông Thức: “Một sớm mai kia, chợt thấy hư vô trong đời”…
Tôi đã nhìn thấy ánh mắt “chờ cho đến lúc phai tàn” của anh trong những lần đến thăm anh ở căn nhà đường Nguyễn Trung Trực (quận Bình Thạnh, TP. HCM).
Và giờ không còn là nằm mơ nữa. Đã chấm dứt rồi những ngày “Một mình” với nụ cười héo hắt và ánh mắt tiếc nhớ.
Buổi sáng nghe tin anh đã bỏ đi, chợt nghe như vẳng bên tai giọng hát dịu êm của Mỹ Linh:
“Một sớm mai kia
Chợt thấy hư vô trong đời
Người vẫn đâu đây, người cũng đã như xa rồi
Chỉ là... thế thôi”.
“Giọt nắng bên thềm” giờ đã tắt. Yên nghỉ anh Tùng ơi, “Ngôi sao cô đơn” của tôi ơi! Anh đã mất nhưng những ca khúc của anh như những giọt nắng sẽ còn ở lại rất lâu trong cuộc đời này…
NSND Trần Bình: “Nhóm nhạc sĩ “Những người bạn ở Sài Gòn” đã ra đi nhiều quá”
Ngay sau khi nghe tin, NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương ngậm ngùi: “Tôi vừa đi công tác về, khi nghe tin dữ, tôi rất sốc và buồn”, ông chia sẻ.
Gắn bó với nhạc sĩ Thanh Tùng hơn 25 năm, NSND Trần Bình không cầm được nước mắt khi nói về người anh, người bạn, người đồng nghiệp quá cố. "Nhóm nhạc sĩ “Những người bạn ở Sài Gòn”, ban đầu 7 người, giờ đã ra đi nhiều quá rồi...", ông tâm sự.
NSND Trần Bình nghẹn ngào nói: "Tôi và rất nhiều người bạn sẽ rất vui vì anh gặp lại được người vợ của mình sau 16 năm tưởng nhớ, yêu thương, trân trọng và giữ gìn. Thì hôm nay anh được gặp lại chị Minh. Điều đó ở Thanh Tùng rất tuyệt vời".
Nhà báo Chu Minh Vũ: “Một ngày tình cờ, trên đường phố tôi vắng bàn chân em”
Nhà báo Chu Minh Vũ cũng ngậm ngùi chia sẻ kỷ niệm với cố nhạc sĩ: ''10 năm trước, khi công bố bài “Cơn bão nghiêng đêm'”, chú dặn tôi, mày phải chọn được đứa nào hát giọng Bắc Kỳ, hát cho ra chữ chú yêu nhất bài này. “Ta đã bên nhau, thề mãi mãi bên nhau cơ mà?”. Chú nói, mỗi bài cố gắng có một điểm nhấn về ngôn ngữ đặc biệt như thế!
Còn tôi, tôi vẫn thích bài ''Hoa tím ngoài sân'', "Ai vội đi, để ai còn đứng đó!, tìm bàn chân ai trong tiếng lá rơi!". Đại từ nhân xưng chú dùng trong bài hát, duyên dáng và ý nhị như trong ca dao vậy! Với Thanh Tùng, sự chia ly nó cũng nhẹ nhàng như vậy đó. Được tin chú mất, tôi cũng chỉ biết nghĩ rằng “một ngày tình cờ, trên đường phố tôi vắng bàn chân em”... Thế thôi! Chú và nhạc của chú đã xong nhiệm vụ một cách xuất sắc từ lâu rồi!''.
Nhạc sĩ Huy Tuấn: Nhạc Thanh Tùng không bao giờ cũ
Hay tin nhạc sĩ Thanh Tùng mất, nhạc sĩ Huy Tuấn bày tỏ: "Dù biết nhạc sĩ Thanh Tùng bệnh đã lâu nhưng tôi không khỏi tiếc nuối. Thế hệ của chúng tôi dường như ai cũng nghe và thích nhạc Thanh Tùng. Đơn giản chỉ vì nhạc của ông ở thời điểm đó rất khác với các nhạc sĩ cùng trang lứa.
Ca từ đẹp, chất nhạc văn minh, giai điệu hay với nhiều biến hóa. Cũng là tình ca, cũng có những nỗi niềm nhưng các sáng tác của ông lại luôn sáng lên tinh thần lạc quan.
Vì những điều đó mà nhạc ông không bao giờ cũ, đến giờ nghe vẫn rất thích và vẫn được không ít thế hệ trẻ sau này tìm nghe và hát lại. Riêng điều này thì rất ít nhạc sĩ đương thời có được".
An Vinh