Nhà văn Tô Hoài – kho báu của Hà Nội
Tô Hoài về cõi vĩnh hằng vào ngày 6/7/2014, ông đã sống 94 năm tuổi đời và 74 năm tuổi văn. Để tưởng nhớ sự nghiệp của nhà văn, tại hội thảo “Tô Hoài - một nhà văn, một đời người”, văn nghệ sĩ đã dành nhiều lời tâm huyết trong các tham luận để bày tỏ nhận định của mình đối với đời văn mà ông đã để lại.
Tô Hoài là một nhà văn lớn của văn học Việt Nam hiện đại sống bằng văn, sống viết văn, với đủ các thể loại, nhiều đề tài. Ông viết đều đặn, bền bỉ, viết như một lẽ sống, viết như là sống, không phải kiểu nhà văn tài tử, chỉ nương nhờ theo cảm hứng.
Cố nhà văn Tô Hoài
Tô Hoài viết văn về những cảnh đời lam lũ, những phận người vất vả, nhất là những người dân quê ven đô, nơi ông sinh ra và lớn lên. Nhắc đến Tô Hoài là nhắc đến một nhân cách, tài năng và trách nhiệm vẹn tròn, cho đến khi ông về lại đất mẹ để kết thúc một đời người, một đời văn.
Đối với Hà Nội, sự nghiệp văn chương của Tô Hoài là một kho báu. Qua các tác phẩm của ông, những người chưa biết về Hà Nội, chỉ đọc là có thể hiểu Hà Nội – chốn kinh thành xưa. Tác phẩm của ông là tư liệu đáng tin cậy cho thế hệ mai sau muốn tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, nghệ thuật Hà Nội. Với những ý nghĩa đó, năm 2010, nhà văn Tô Hoài đã được vinh danh Giải thưởng lớn - vì tình yêu Hà Nội.
Theo Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhờ Tô Hoài, phần xác và phần hồn của Hà Nội hiện tại không bị cắt lìa với quá khứ và những ai biết đọc ông sẽ hiểu Hà Nội hơn, yêu Hà Nội hơn, và biết đối xử với Hà Nội có văn hóa hơn. Bởi chỉ theo chân ông đi quanh một vòng Hồ Gươm ngắm cây xanh thôi đã thấy: “Cây quanh Hồ Gươm tụ hội các thứ cây của làng nước - và của thời thế”. Lời ông nói từ đầu thế kỷ nay mà ngỡ như vừa hôm qua. Mới hay trước khi định chặt một cái cây cũng cần nên đọc một trang sách, nhất là trang sách văn của Tô Hoài”, ông Nguyên nhận định.
Các tác phẩm được tái xuất bản nhân 1 năm ngày mất nhà văn Tô Hoài
Chung một quan điểm trên, đại diện cho lớp trẻ - bạn Đặng Thị Thanh Hà, sinh viên năm 3 Khoa Báo chí truyền thông, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM chia sẻ: “Tô Hoài đã đi qua một thời như thế của Hà Nội, với tư cách một chứng nhân. Được mệnh danh là “nhà văn của Hà Nội”, ngoài lý do ông sở hữu số lượng tác phẩm đồ sộ về vùng đất này, một nguyên nhân xác đáng hơn có lẽ ông chính là người đi vào tầng sâu cuộc sống của nơi này và phơi bày nhiều sự thật nhất về Hà Nội, kể cả những nỗi khổ nhục, những xấu xa, biến chất của một thời mà người kinh kỳ cũng muốn xóa nhòa trong ký ức”.
Cũng nhân dịp này, Công ty sách phương Nam đã tái bản 9 tác phẩm đặc sắc nhất trong tủ sách Tô Hoài. Đó là: Những ngõ phố (truyện vừa), Chuyện cũ Hà Nội (2 tập, hồi ký), Mẹ mìn bố mìn (tiểu thuyết), Giấc mộng ông thợ dìu (tản văn), Cát bụi chân ai (hồi ký), Chiều chiều (hồi ký), Ba người khác (tiểu thuyết), Kẻ cướp bến Bỏi (tiểu thuyết), Tạp bút. Đây là những bản in mới nhất, đầy đủ và hoàn thiện nhất do chính nhà văn Tô Hoài đọc và sửa chữa trước lúc đi xa.
Minh Châu
Tổng hợp